Nhằm bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích này. Việc quy hoạch tổng thể Khu di tích nhằm bảo tồn, tôn tạo các di tích hiện hữu; tránh tình trạng lấn chiếm, xuống cấp của di tích; phục hồi di tích đã mất trên cơ sở khoa học và tạo các sản phẩm đang dạng, phong phú phục vụ du lịch (du lịch văn hóa, du lịch nghiên cứu, du lịch tâm linh...) trên nguyên tắc bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch bền vững và gắn với phát triển kinh tế xã hội. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Dinh Độc Lập, Hội trường Thống Nhất tại TP mang tên Bác nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của dân tộc thông qua các di tích hiện còn, tạo điều kiện thuận lợi khai thác du lịch, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá - du lịch của thành phố. Bên cạnh đó, trong tuần qua, Bộ VHTTDL cũng đã có các quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với 14 di tích thuộc 7 tỉnh /thành phố: Thái Bình (5 di tích), Lai Châu (1), Bắc Giang (1), Hải Phòng (1), Hà Tĩnh (1), Hà Nội (2) và Hà Nam (3). Các di tích này phần lớn là Di tích kiến trúc nghệ thuật đình. Các quyết định quan trọng này không ngoài mục đích tăng cường công tác gìn giữ các di sản văn hóa - lịch sử để chính các “chứng nhân lịch sử” này trở thành cầu nối quan trọng giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, góp phần nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc trong các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Ở khía cạnh khác, các di sản sẽ phục vụ hoạt động du lịch, một cách làm giàu giá trị di sản văn hóa. Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến phápNgày 7/3, Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, các Sở VHTTDL. Ý kiến được nhiều đại biểu góp ý trong hội nghị là “Hiến pháp cần ghi rõ văn hoá là mục tiêu và động lực phát triển”. Cụ thể, đối với Điều 64 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhiều đại biểu đề nghị thêm từ “mục tiêu” vì văn hóa không chỉ là động lực cho sự phát triển mà còn là mục tiêu cho sự phát triển và đề nghị sửa thành “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và là động lực phát triển của đất nước”. Theo ông Phạm Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), để khẳng định văn hóa là nền tảng thì cần phải có một chương độc lập về văn hóa, từ đó sẽ triển khai các văn bản luật sau này cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Lễ hội đường phố trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3. Ảnh: Báo Đắk Lắk Văn hóa muôn màuSáng ngày 8/3, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ và Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam mở cửa phòng trưng bày di sản 3 nước Việt Nam, Campuchia, Lào với nhiều chủ đề. Ở chủ đề “Tự nhiên và thần thoại”, các nhà tổ chức giới thiệu về thiên nhiên và đời sống văn hóa của những cư dân trên bán đảo Đông Dương. Trong chủ đề “Thương mại trao đổi”, phòng trưng bày phản ánh mối giao thương nội vùng của cư dân bản địa và giữa cư dân bản địa với những khu vực khác thông qua quá trình di cư, liên minh, trao đổi thương mại... Hệ quả của những mối giao lưu nhiều chiều, đa diện đó đã góp phần tạo dựng nên sự tiếp biến của các tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật giữa các khu vực. Còn ở chủ đề “Thành nhà Hồ - một di sản sống” đã giới thiệu những giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Thành nhà Hồ. Triển lãm đã phản ánh đời sống phong phú, sinh động của dân cư trong khu vực di sản thông qua các câu chuyện lịch sử, các lễ hội văn hóa độc đáo. Vào lúc 20 giờ tối ngày 9/3, tại Đắk Lắk, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 - 2013 với chủ đề “Cà phê Buôn Ma Thuột liên kết - phát triển bền vững” đã khai mạc. Một chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hương sắc Cao nguyên” được xây dựng công phu, tỉ mỉ với sự tham gia biểu diễn của hơn 200 diễn viên, nghệ sĩ đến từ nhiều đoàn nghệ thuật của Tây Nguyên và cả nước đã giới thiệu khái quát đất và người Buôn Ma Thuột trong tiến trình phát triển dân tộc; giới thiệu giá trị văn hóa cà phê Buôn Ma Thuột, qua đó xây dựng và quảng bá cà phê Buôn Ma Thuột ra bên ngoài, tiến tới khẳng định giá trị cũng như vị thế cà phê Buôn Ma Thuột trên thương trường quốc tế. Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 4 có ý nghĩa không chỉ với ngành Cà phê Đắk Lắk mà quan trọng cả với ngành Cà phê Việt Nam. Nhóm làm phim “Thiên mệnh anh hùng” nhận giải Cánh Diều Vàng. Ảnh: VGP/Anh Thư Cũng trong tối ngày 9/3 tại TP Hồ Chí Minh, Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức lễ trao giải Cánh Diều, giải thưởng của Hội. Tranh giải Cánh Diều năm nay có tới 18 phim truyền hình (460 tập phim), 11 phim truyện điện ảnh, 37 phim tài liệu, 10 phim khoa học, 13 phim hoạt hình, 24 phim ngắn và 3 công trình nghiên cứu lý luận phê bình. Kết quả, phim “Thiên mệnh anh hùng” (đạo diễn Victor Vũ) giành được Cánh Diều Vàng ở hạng mục Phim điện ảnh. Giải Cánh Diều Bạc được trao cho phim “Lạc Lối” của đạo diễn Nhuệ Giang. Các phim “Cát nóng”, “Nhà có 5 nàng tiên”, “Lấy chồng người ta” và “Scandal” được trao Bằng khen. Như vậy, trong số 11 phim điện ảnh tranh tài ở hạng mục Phim điện ảnh thì có tới 6 phim được giải thưởng. Ở hạng mục Phim truyền hình, bộ phim "Thái sư Trần Thủ Độ" (đạo diễn Ðào Duy Phúc) đoạt nhiều giải thưởng quan trọng như: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Biên kịch xuất sắc nhất. Trong một hoạt động khác, nằm trong chuỗi sự kiện Năm Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản 2013 nhân kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày 7/3, Trung tâm Giao lưu văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển lãm "Búp bê truyền thống Nhật Bản". Theo ông Kazumi Inami, Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Triển lãm giới thiệu hơn 200 sản phẩm búp bê tinh xảo thể hiện giá trị nghệ thuật, niềm tin, sức mạnh tinh thần và lòng tự hào dân tộc của người dân Nhật bản. Qua đó, Nhật Bản muốn giới thiệu một nét truyền thống văn hoá của đất nước mình với người dân Việt Nam. (Theo Chinhphu.vn)