Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mường Bi, Tân Lạc (Hòa Bình): Nơi hội tụ, tỏa sáng bản sắc văn hóa Mường

Thứ năm, 30/09/2021 - 09:29

(Thanh tra)- Mường Bi (huyện Tân Lạc) là Mường lớn nhất trong 4 Mường (Bi, Vang, Thàng, Động) của tỉnh Hòa Bình.

Ngày 14/5/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm làng Mường cổ - xóm Ải, xã Phong Phú. Ảnh: CTV Trung Hiếu

Mường Bi được ví như cái nôi của người Mường là vùng sử thi huyền thoại “đẻ đất đẻ nước”, là miền đất âm vang tiếng cồng chiêng, vùng của những lễ hội giàu bản sắc dân tộc, của kho tàng phong phú về văn nghệ dân gian các dân tộc Tây Bắc, với những nét truyền thống văn hóa vật thể và phi vật thể như: Di sản văn hóa Mo Mường, Chiêng Mường, các làn điệu dân ca thường đang, bộ mẹng, hát ví, hát ru, trình diễn nhạc cụ dân tộc, đánh cù, bắn nỏ đánh đu, đánh vật, đánh mảng… với những món ăn đặc sản hấp dẫn như chả lá lốt, lợn bản thui luộc, măng đắng, măng chua nấu thịt gà, cá suối đồ, mang đậm nét Mường Bi.

Chúng tôi đến xóm Ải, xã Phong Phú, là làng Mường cổ đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) công nhận. Xóm Ải nằm trong thung lũng Mường Bi. Đây là điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng nhất huyện Tân Lạc, là điểm đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Ông Bùi Văn Dựng, cựu Trưởng xóm Ải cho biết: Xóm có hơn 90 hộ chia thành hai khu dân cư (Ải trong và Ải ngoài). Hai khu dân cư cách nhau một con suối nhỏ. Trước đây người dân xóm Ải sống chủ yếu bằng nghề nông, tự cung tự cấp, đời sống kinh tế khó khăn, nhưng nghĩa tình làng xóm thì đậm đà ấm áp, tối lửa tắt đèn có nhau. Cần cù trong lao động sản xuất, thân thiện, mến khách.

Nói về nếp sống sinh hoạt, phong tục tập quán của người Mường xóm Ải, ông Bùi Văn Khẩn, nguyên là giáo viên nghỉ hưu cho biết, từ nhiều đời nay, người dân vẫn giữ nguyên bản sắc dân tộc Mường từ ăn, ở, trang phục, phong tục tập quán. Sau này cuộc sống khấm khá, các hộ đều có của ăn của để, nhưng không có hộ nào bỏ nhà sàn, làm nhà xây. Nhà sàn vẫn giữ nguyên bản nhà sàn người Mường (hình con rùa), trong nhà có bếp lửa, phía trên bếp là khựa (giàn làm bằng cây vầu, cây bương), cuối nhà là khạp (giàn được gép bằng cây bương), dưới cầu thang là máng nước rửa chân trước khi lên nhà. Cạnh máng nước là hai hoặc ba ống nước, ống nước làm bằng cây bương to, thẳng có chiều dài khoảng 4 - 5m, buổi sáng người trong nhà vác ống nước ra suối lấy nước về rửa chân. Trên nhà sàn gia đình nào cũng có khung dệt vải, dưới sân là cối xay lúa, cối giã gạo.

Sắc phục dân tộc Mường tôn vinh vẻ đẹp của cô gái Mường Bi, ảnh: CTV Trung Hiếu

Phụ nữ Mường Ải từ già đến trẻ ai cũng thông thạo trồng bông, kéo sợi, dệt vải, bàn tay con gái ở đây tạo nên những tấm thổ cẩm rực rỡ muôn màu với nét hoa văn tinh tế mang đậm bản sắc núi rừng. Người Mường Ải đều sử dụng trang phục dân tộc, nhất là vào các dịp lễ, Tết, hội họp, sinh hoạt cộng đồng. Đối với chị em phụ nữ từ tuổi trung niên trở lên họ mặc áo, váy Mường cả khi ở nhà và đi ra ruộng, lên nương. Đó là nét đẹp mang đậm bản sắc người Mường Bi mà ít vùng dân tộc bảo tồn được.

Du khách về Mường Ải còn được hóa mình thành người Mường cổ, trong sắc phục dân tộc áo pắn, thắt lưng xanh lội ruộng cấy lúa, ra vườn hái rau, lên nương bẻ măng hay xuống ao bắt cá, mò cua… và cùng chủ nhà đồ sôi, ốt cá, thịt gà nấu măng chua. Rồi dắt tay nhau cùng qua cây cầu tre lắt lẻo trên suối. Điều mà du khách cảm nhận, ấn tượng khó quên nhất là món “ăn” tinh thần, đó là lời ca, điệu múa, âm thanh du dương sâu thẳm của dàn nhạc cụ kò ke, ống sáo; nhạc điệu rộn rã, thôi thúc của dàn cồng chiêng, hội trống xòe, điệu xạp.

Già làng Bùi Văn Thách, 80 tuổi cho biết: Thời trẻ, ông là “diễn viên” đội văn nghệ xóm. Sau này có tuổi ông tham gia đội nhạc cụ dân tộc, “huấn luyện viên” đội bắn nỏ, đẩy gậy của xóm. Hiện nay Mường Ải có đội văn nghệ với gần 30 thành viên. Hội xéc bùa, cồng chiêng với gần 30 chiếc chiêng cổ, đội bát âm đủ nhạc cụ dân tộc. Hội cồng chiêng, đội văn nghệ Mường Ải từng tham gia nhiều sự kiện lễ hội văn hóa thể thao lớn của tỉnh Hòa Bình, khu vực Tây Bắc; lễ hội Đền Hùng; Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đội cồng chiêng Mường Bi đã tham gia lưu diễn tại nhiều lễ hội văn hóa thể thao trong tỉnh và khu vực Tây Bắc. Ảnh: CTV Trung Hiếu

Năm 2008, xóm Ải chính thức được Bộ VH-TT&DL công nhận là làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người của cả nước.

Năm 2014, UBND tỉnh Hòa Bình đã công nhận xóm Ải là điểm du lịch cộng đồng, là làng Mường cổ. Từ đó Mường Ải được Sở VH-TT&DL tỉnh Hòa Bình đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, đạo tạo nghiệp vụ du lịch cộng đồng.

Ông Bùi Văn Dựng, cựu Trưởng xóm Ải tự hào nói: Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, đời sống kinh tế, tinh thần của người Mường Ải đã khấm khá. Trong xóm không còn hộ nghèo, cận nghèo.

Một vinh dự, tự hào lớn đối với Mường Bi nói chung, Mường Ải nói riêng, ngày 14/5/2017, trong chuyến thăm, làm việc với huyện Tân Lạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm xóm Ải, thăm gia đình ông Bùi Văn Lon, gia đình điển hình về phát triển kinh tế phát triển du lịch cộng đồng.

Trao đổi với chúng tôi về bản sắc văn hóa Mường Bi, lãnh đạo Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Tân Lạc cho biết: Mường Bi là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, đa dạng phong phú trong hoạt động văn hóa văn nghệ. Hiện nay 100% xóm, bản có đội văn nghệ và duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Hàng năm các xã đều tổ chức hội diễn văn nghệ, thể thao. Tại các hội diễn được lồng ghép nội dung thi trang trục dân tộc Mường, đây chính là hình thức quảng bá trang phục dân tộc và nét văn hóa dân tộc người Mường Bi.

Về Mường Bi, điều ghi nhận thành quả, ý nghĩa sâu sắc nhất trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của người Mường, đó là, không phải cứ trở về với nguyên bản phong tục tập quán cách đây hàng trăm năm, mà cần có sự lựa chọn những giá trị tốt đẹp trong kho tàng di sản văn hóa để phát huy trong đời sống văn hóa hôm nay của cộng đồng. Tin rằng, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân, Tân Lạc sẽ bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc, xứng đáng là cái nôi, nơi tỏa sáng bản sắc văn hóa Mường Hòa Bình.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm