Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Muôn màu hội xuân Tây Bắc

Thứ hai, 23/01/2012 - 14:16

(Thanh tra)- “Đường lên Tây Bắc quanh co/ Nếp nhà sàn trên vách núi…”

Rượu cần - đặc sản Tây Bắc

Lời ca như mời gọi, thôi thúc chúng tôi rời Hà thành “đội  mây, cưỡi gió” lên Tây Bắc. Mùa xuân, bản làng Tây Bắc đẹp như Mường Tiên; những dãy núi trùng điệp, ngút ngàn ẩn hiện trong “tấm chăn” mây trắng muốt. Tây Bắc - vùng đất đầy huyền thoại, sử tích; vùng đất của lễ hội, những làn điệu dân ca, những điệu múa khiến du khách xa gần đã một lần đặt chân lên vùng đất này thì không thể nào quên.

Theo quốc lộ 6 ngược lên Tây Bắc, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Mường Bi, huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Cụ Bùi Văn Tông, bản Lũy, xuân này đã bước qua tuổi 80, nhưng chân tay cụ vẫn rắn chắc như cành cây lim, cây sến trên núi Mường Khụ. Cụ Tông kể: Hòa Bình có 4 Mường lớn là: Bi, Vang, Thàng, Động. Vùng Mường Bi được sử sách ghi lại là vùng đất cổ của người Mường. Nơi đây, từ xa xưa, những người con đất Việt đã sản sinh ra một nền văn hóa Hòa Bình, nơi “đẻ” ra trường ca “Đẻ đất, đẻ nước”.

Đẩy gậy, trò chơi không thể thiếu trong ngày hội xuân ở Yên Bái

Mùa xuân ở Mường Bi có Lễ hội Khai hạ, được coi là lễ hội lớn nhất vùng Mường. Đây là lễ hội cầu mùa và mở cửa rừng, là dịp để người dân đất Mường tỏ lòng tôn kính với các vị thần linh, cầu mong cho xóm bản yên vui, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển. Đây cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu, gạt bỏ những lo toan, cực nhọc trong cuộc sống, để thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng.

Từ Mường Bi, chúng tôi vượt đèo Thung Khe cao ngất, uốn lượn như đường lên trời để đến đất đồng bào Thái Mai Châu. Cảm nhận đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận được ở bản Thái Mai Châu là những ngôi nhà sàn xinh xắn, những vòng xòe xoay tròn lúc thu lại, lúc bung ra như cánh hoa rực rỡ.

Dàn cồng chiêng tại Lễ hội Khai Hạ Mường Bi (Hòa Bình)

Ngày xuân ở Mai Châu lễ hội Sên bản, Sên mường là lễ hội lớn nhất, vui nhất và cũng đặc sắc nhất của đồng bào Thái Mai Châu. Ngày mở hội, du khách từ các nơi trên vùng Tây Bắc đổ về. Mỗi bản, mỗi mường đem tới đây một trò chơi dân gian, điệu múa, món ẩm thực độc đáo. Lễ hội Sên bản, Sên mường kéo dài 4 ngày, sau đó các bản rước thần hoàng, thần núi về tổ chức lễ hội riêng. Hội xuân kéo dài hết tháng Giêng.  

 Càng vào sâu trong lòng Tây Bắc, du khách càng được đắm chìm trong bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Có lẽ, điều đọng lại ấn tượng nhất vẫn là cuộc sống và phiên chợ vùng cao độc đáo của đồng bào Mông. Người Mông định cư ở những vùng núi cao, hiểm trở, hoặc trên những thung lũng quanh năm mây mưa, sương mù bao phủ. Người Mông được coi là cộng đồng dân tộc có cá tính mãnh liệt và phóng khoáng nhất vùng đất Tây Bắc.

Lễ rước Thần hoàng trong Lễ hội Sên bản, Sên mường của đồng bào Thái.

Tết của đồng bào Mông sớm hơn các dân tộc khác. Tết bắt đầu từ cuối tháng 11 (âm lịch) và kết thúc vào trung tuần tháng 2 (âm lịch). Ngày Tết, người Mông thường tụ tập uống rượu, múa khèn, ném pao thâu đêm. Tiếng khèn của các chàng trai réo rắt, trầm bổng, tha thiết vang vọng núi rừng, mời gọi bạn gái. Ẩn hiện trong sương là những bộ áo, váy sặc sỡ của các cô gái hòa quyện vào nhau như một rừng hoa.    

 Lên Tây Bắc những ngày Xuân, đến bản làng của người Mường, người Thái, người Mông, người Tày, Nùng, Dao… ở Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Yên Bái… đâu đâu cũng rộn ràng lời ca, âm vang tiếng cồng chiêng, nhịp trống, khắp nẻo hoa đua sắc, cây trái nảy lộc đâm chồi.


  Hồng Bài 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Thái Hải

20:29 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm