Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 31/01/2012 - 06:29
(Thanh tra) - Tôi may mắn có dịp đến huyện Long Mỹ của tỉnh Hậu Giang là nhờ các anh bên Thanh tra tỉnh bố trí, khi thấy chúng tôi háo hức muốn thăm Đền thờ Bác Hồ và tìm hiểu về vùng đất trung dũng kiên cường những năm chống Mỹ, nay được coi là khó khăn nhất của tỉnh Hậu Giang. Mấy chục cây số từ thành phố Vị Thanh đến trung tâm huyện trở nên ngắn lại khi xe cứ bon bon qua hai hàng phượng vĩ mùa này giấu bông, cặp theo dòng kinh đỏ phù sa và thấp thoáng những ngôi nhà trong màu xanh cây lá, đưa chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình về nơi một thời lửa khói.
Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ_Chu Tuấn
Câu chuyện cảm động nơi Đền thờ Bác Hồ
Nếu không được nghe, được đọc về những trang sử oanh liệt của Long Mỹ, có lẽ tôi đã không thể hình dung được sông ngòi, kênh rạch, hoa trái, rồi đô thị của Long Mỹ hôm nay, lại là vùng rốn của bom cày đạn xới, ngập tiếng đạn bom, máy bay quần thảo nát cả cỏ cây, đồng bưng, nhà cửa…, tàn sát bao nhiêu người dân vô tội và khiến bao chiến sĩ ngã xuống. Tôi nhớ, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình từng kể: Long Mỹ, Phụng Hiệp là nơi địch trút bỏ những tấn bom cuối ngày khi chúng đi oanh kích các vùng lân cận trở về. Cứ thế, mảnh đất vốn nghèo càng oằn xuống, xác xơ. Có lẽ tôi cũng sẽ không hình dung được trong những ngày đen tối ấy, tấm lòng người dân Long Mỹ lại bừng sáng niềm tin yêu vị Cha Già của dân tộc đến vậy.
Giờ giữa lòng xã Lương Tâm hiện diện một Đền thờ Bác Hồ, có từ khi Bác mất và ngày càng được tôn tạo, xây dựng khang trang. Ngày ấy muôn trái tim quặn đau khi nghe tin Bác mất. Giữa sự kìm kẹp, truy quét của kẻ thù, nhân dân Long Mỹ vẫn lặng lẽ đặt lư nhang tại cơ quan xã ủy để được thắp nhang tưởng niệm Bác. Mùa hè năm 1972, cơ quan Đảng ủy xã bị bom pháo Mỹ đánh sập phải dời đi nơi khác, nhưng bàn thờ của Bác vẫn được lập lại và vẫn tổ chức các ngày lễ kỷ niệm Bác hàng năm. Nhân dân trong vùng thờ Bác và tổ chức lễ giỗ tại nhà với đầy đủ con cháu và bà con xóm giềng. Có gia đình người Hoa tổ chức lễ giỗ Bác công khai trong vùng giặc kìm kẹp, xem là “'cúng cơm ông tổ” để che mắt địch...
Sau ngày hòa bình, từ nguyện vọng tha thiết của Đảng bộ và nhân dân xã Lương Tâm, Đền thờ Bác được xây dựng lại tại vị trí cũ (ấp 3, xã Lương Tâm). Ngày 02/9/1990, lễ khánh thành Đền thờ Bác được tổ chức trọng thể, ảnh Bác được rước từ cơ quan Đảng ủy xã Lương Tâm về Đền thờ (cách 3km). Sau đó, khu Đền được quy hoạch tổng thể gần 2 ha, gồm có 7 hạng mục công trình. Đền thờ Bác được xây mới cách đền cũ 50 mét, kiến trúc mang tính dân tộc, trang trọng, tôn kính; xây dựng Nhà trưng bày thời niên thiếu và cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Mỗi năm có hàng mấy chục ngàn lượt người đến viếng tưởng niệm công đức của Người. Nơi đây không chỉ là một công trình tưởng niệm Bác mà còn là trung tâm văn hóa - thể thao của nhân dân trong vùng, trở thành Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia ngày 07/01/2000; là một trong 5 Đền thờ Bác Hồ ở Đồng bằng sông Cửu Long sống mãi trong lòng nhân dân.
Về nơi địch “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ công”
Ngược lại thời gian năm 1973, Quân đoàn 4 - Quân khu 4 của Quân đội Sài Gòn thực hiện kế hoạch tràn ngập lãnh thổ, hành quân lấn chiếm trên diện rộng khắp Đồng bằng sông Cửu Long. Long Mỹ lúc đó là một quận của tỉnh Chương Thiện do địch lập ra từ năm 1961, bao gồm 5 quận có vị trí chiến lược đặc biệt mà cả ta và địch đều “một mất một còn” muốn nắm giữ cho được. Địch chiếm Chương Thiện nhằm bảo vệ cơ quan đầu não Quân đoàn 4 - Quân khu 4 ở Cần Thơ, làm bàn đạp tấn công vào căn cứ U Minh và các tỉnh xung quanh. Ta giành giật Chương Thiện để bảo vệ U Minh, làm bàn đạp tấn công vùng đầu não địch. Chính vì vị trí chiến lược này mà ngay sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, chính quyền Sài Gòn đã huy động lần lượt 75 Tiểu đoàn với các loại phương tiện chiến tranh hiện đại dồn về khu vực Long Mỹ - Vị Thanh định “nhổ cỏ U Minh”, “tiêu diệt cách mạng”. Dưới sự lãnh đạo của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 9, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Cần Thơ tập trung sức mạnh 3 thứ quân và chủ lực quân, tập hợp sức mạnh của chiến tranh nhân dân đã lần lượt đánh bại 75 lượt Tiểu đoàn địch trong năm 1973. Sức mạnh quân dân, ý Đảng lòng dân đã làm nên chiến thắng vang dội có ý nghĩa chiến lược này, góp phần vào Đại thắng Mùa Xuân 1975.
Trên địa bàn ấp 1, xã Vĩnh Viễn hiện nay còn đó Di tích Lịch sử - Văn hóa “Chiến thắng 75 Tiểu đoàn địch năm 1973”, nơi trưng bày những chứng tích ghi dấu, tái hiện một thời kỳ bi hùng với tên tuổi của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta từng tham gia chiến đấu và chiến thắng 75 Tiểu đoàn địch: Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh… Không ai nghĩ một vùng quê nhỏ bé hiền hòa như Long Mỹ lại đủ sức gánh chịu sức nặng đạn bom như thế, lại là nơi đứng chân lâu dài của hàng chục cơ quan kháng chiến suốt hai thời kỳ; từ cấp Miền, cấp Khu, cấp Quân khu, cấp tỉnh, huyện… đón nhận hàng loạt quân chủ lực về cùng chiến đấu trên địa bàn, cùng dệt nên trang sử hào hùng của Long Mỹ.
Sau khi biển lặng, trời yên
Sau thăng trầm của chiến tranh, thăng hoa của chiến thắng, mảnh đất Long Mỹ lại hiền hòa với sông rạch bao quanh, với những mùa phù sa vun đắp cho hoa màu, cây trái. Nhưng với xuất phát điểm từ một “vùng trắng” tan hoang sau chiến tranh, bom mìn tiềm ẩn trong lòng đất, làm ăn còn mang nặng chất thuần nông, sản xuất nhỏ, manh mún; kênh rạch chằng chịt cũng khiến giao thông trở ngại, vì là vùng trũng nên lũ lụt cứ ùa về… Long Mỹ phục hồi chậm hơn so với các thị trấn và các xã khác của huyện. Còn đó tên tuổi hơn 100 Mẹ Việt Nam Anh Hùng (nay chỉ còn 15 Mẹ), gần 300 thương binh nặng, 2.567 đối tượng chính sách cần chăm sóc. Hàng trăm căn nhà tình nghĩa đã mọc lên rồi lại hư hao qua thời gian mà chưa đủ sức tu sửa cho hết. 15 xã, thị trấn mà mới có khoảng 5 trường THPT, bao học sinh lặn lội xuồng ghe, đường đất tới trường. Cơ sở làm việc còn nghèo, cán bộ còn thiếu, còn yếu… Ngần ấy thứ đưa Long Mỹ trở thành huyện khó khăn nhất Hậu Giang, bên cạnh cái nhất về truyền thống, thành tích.
Nhìn lại, không có lý nào Long Mỹ đầu hàng nghèo khó. Trên mảnh đất mà người dân Long Mỹ tự hào với truyền thống mở đất, giữ đất, được coi là “địa linh” với bao “nhân kiệt” là nhà nông tài giỏi, là trí thức văn sĩ tài hoa, là liệt sĩ anh hùng quân đội, là những hạt giống đỏ ưu tú cho đất nước; lại là nơi hội tụ hào khí, nhân tài về cùng chung tay chiến đấu, dựng xây; một phần trong tim họ tự hào là Người Long Mỹ, thì chuyện đưa quê hương trở nên phồn thịnh là tâm huyết chung của cả địa phương. Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hậu Giang đặt sự quan tâm tích cực vào Long Mỹ, từng bước vực dậy một vùng quê đầy gian lao mà anh dũng. Hương sắc Long Mỹ bắt đầu lan tỏa bởi chính những gì lòng đất này vốn có: Vị ngọt lành quýt Long Trị, dẻo thơm cá thát lát cườm, xanh mát rau đọt choại… đang trở thành đặc sản riêng. Hệ thống công trình cơ sở hạ tầng - kinh tế xã hội của huyện đang từng bước hoàn chỉnh. Những con đường bê tông xinh xắn đang tỏa về thôn ấp, những cây cầu kiên cố mọc lên qua những dòng kinh uốn lượn. Những công trình văn hóa, phúc lợi xã hội đang thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Và lũ, lũ luôn là tai ương, nhưng lũ cứ về trong mong đợi. Người dân có lúc phải buông những vùng đất cằn, nhiễm phèn để lũ ngập, đổi lấy phù sa cho vụ mùa sau.
Ngày xưa thời khẩn hoang, “Đến đây xứ sở lạ lùng/ Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh” bởi nỗi ám ảnh cọp dữ, rắn độc, cá sấu…, thế mà bước chân người mở đất cứ bước tới, mới có một vùng đất thênh thanh sông nước ruộng vườn như bây giờ. Chiến tranh hai thời kỳ, Long Mỹ không những đứng vững mà còn tỏa sáng khí phách anh hùng, lưu dấu vàng son. Và nay, bạn đến Long Mỹ đã thấy trung tâm huyện lỵ mọc lên bên bờ sông Cái Lớn. Năm 2011, Long Mỹ được công nhận là đô thị loại 4 và đang được đề xuất nâng cấp thành thị xã trong năm 2012 - 2015, sẽ là trung tâm đô thị thứ 3 của tỉnh Hậu Giang sau thành phố Vị Thanh và thị xã Ngã Bảy.
Tôi lại nhớ khi ở chỗ Đền thờ Bác, nhìn sang phía bên kia, một chiếc cầu mới vắt vẻo ngang dòng kênh dẫn sang trụ sở UBND xã Lương Tâm, xã đầu tiên trong huyện được xây dựng theo mô hình mới, như một nét son nổi lên giữa màu xanh của trời, của sông rạch và cây lá; như nét son của lòng người dân Long Mỹ yêu kính Bác bền bỉ cùng năm tháng, nguyện vượt qua những vết thương hậu chiến, vượt qua đói nghèo, xây dựng quê hương. Quê hương Long Mỹ dưới bàn tay và ý chí của con người đã biến đất dữ thành đất lành, đất thiêng.
Chuyện kể từ đất, từ người Long Mỹ là như thế.
Thảo Vi
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân