Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 08/03/2015 - 06:59
(Thanh tra) - Cái lý do tôi viết chân dung Lê Hoàng, chẳng phải là vì tôi quý mến gì lão, mà do có đôi ba lần lão dọa sẽ viết chân dung tôi.
Các nhân vật trong seri chân dung của Lê Hoàng được trưng lên mặt báo đều ai nấy xây xẩm mặt mày. Nên suốt hai quý cuối năm, tôi ủ mưu cho lão điêu đứng, tàn tạ trước, vì bài chân dung này ra mắt công chúng ngay vào dịp đầu xuân, để ít ra trong suốt cả năm con dê, lão sẽ mất hứng mà khỏi xuất chiêu.
Lê Hoàng có cách viết chân dung rất ngộ, chẳng giống ai từ cổ chí kim, chẳng theo một phong cách văn học hay nguyên tắc báo chí nào, nhưng đọc cả trăm bài thì cho dù cứ bịt tên lão đi, chỉ lướt nhanh hai dòng là biết ngay “Made by Le Hoang”. Người nào bị lão dựng chân dung theo cách “không cần gọi điện thoại báo trước”, cầm tờ báo trên tay cứ gọi là run run, vừa sướng vừa sợ. Đầu tiên lão tung nhân vật lên tuốt tận mây xanh, để nhân vật sướng điên người, cảm giác phiêu diêu như lơ lửng trên thảm bay Aladin, ngọt ngào như ngậm kẹo bông trong miệng, êm ái như đang gối đầu lên lông ngỗng. Thế rồi, chờ vài giây cho nhân vật lim dim mắt mơ màng và ngây ngất, sau khi đã đủ độ phê, lão giật bụp nhân vật xuống đống rơm khô, vương vất đầy mùi phân bò và hắc ín, ram ráp ổ gà ổ trâu, rùng rợn như quỷ sứ hiện hình. Rồi ngay khi nhân vật đang định cất lời rủa xả, miệng còn mở tròn vo chưa kịp phát âm, lão lại tung vèo (lần này) lên tận thiên đàng và tiếp tục lôi, giật, tung, hứng.
Thủ pháp này các tác giả khác thi thoảng cũng hay sử dụng, nhưng chỉ “đủ sức” tung và hứng vài lần. Đàng này Lê Hoàng cứ tung câu trước, lại giật câu sau, liên tục từ đầu bài đến cuối bài cho nhân vật mệt lử lả, hoa mày chóng mặt thì thôi, cảm giác như được đi thang máy cảm giác mạnh trong công viên giải trí Disneyland. Khách chơi trò cảm giác mạnh xong, tháo đai an toàn bước ra ngoài, người thì khiếp sợ chảy nước mắt, người bị kích động đến đỏ mặt tía tai, người xì trét đến mức ngơ ngơ, thậm chí có người chóng mặt nôn thốc nôn tháo nhưng rồi phấn khích, toét miệng ra cười.
Nhân vật của Lê Hoàng cũng vậy, trót một lần bị lão cho đi tàu bay cảm giác mạnh chưa chịu cạch đến già mà lần sau gặp lão vẫn cứ hơn hớn, ngơ ngẩn để cho lão xoay như chong chóng tiếp. Người nổi tiếng bị lão dựng chân dung hồi hộp đã đành, người vô danh đọc chân dung lão viết cũng hồi hộp không kém, chả hiểu nhân vật sẽ bị lão kéo tàu bay đi mãi tận đâu.
Thành ra, cuốn “Sao trong mắt Lê Hoàng” vừa ra mắt đã thành của hiếm khó tìm. Ra Đinh Lễ ngót ba lần mà vẫn bị chủ tiệm sách báo tin không vui đối với độc giả, tin mừng vui đối với nhà xuất bản và tin đáng ghen tị đối với các cây viết khác: Sách bán hết rồi. Đọc các chân dung của Lê Hoàng, người đần độn chẳng biết lão đang chê, lại cứ ngồi im sung sướng, người thông minh chẳng biết lão đang khen, lại cứ nghi ngờ lão chơi xỏ mình. Tóm lại, đọc tất cả những gì Lê Hoàng viết, người ta chẳng biết đâu mà lần, cứ quay cuồng như đi tàu lượn không trung. Các biên tập viên cũng chẳng hiểu Lê Hoàng viết gì, thôi thì cứ in đại cho yên tâm, không in lại mang tiếng mình tối dạ không hiểu. Thành ra lão cứ thế làm mưa làm gió, lũng đoạn, thâu tóm hết trang “hot” nhất của mọi tờ báo.
Lê Hoàng không những tung hứng người khác cho ruột gan lộn lên đầu mà bản thân hành tung của lão cũng giật cục theo lối khó hiểu, giật gân như thế. Đang học về gạch vữa (ĐH Xây dựng), lão chuyển sang màn bạc (ĐH Sân khấu Điện ảnh). Đang làm phim nghiêm túc, viết kịch bản nghiêm túc để thu hoạch giải thưởng nghiêm túc (Lưỡi dao, Ai xuôi vạn lý, Chiếc chìa khóa vàng, Vị đắng tình yêu), lão nhảy sang làm phim “Gái nhảy” để thu hoạch tiền (bộ phim giải trí này đã cán mốc 12 tỷ đồng, doanh thu kỷ lục lúc bấy giờ).
Đang chăm chú viết báo để chọc giận đủ mọi ban, ngành, lão quay sang ngồi ghế giám khảo đủ loại truyền hình thực tế để chọc giận các ngôi sao và cả chọc giận khán giả.
Và, đang đi dự hội chợ sách, chuẩn bị còn vài phút nữa lên phát biểu ca ngợi về sách thì lão bỏ ngang, về nhà kéo ghế tự ngồi viết sách.
Số là, hôm ấy tôi dẫn chương trình cho một sự kiện ra mắt sách trong Tuần Hội chợ Sách TP Hồ Chí Minh lần 8. Trước đó gửi sách tác giả cho lão đọc, rụt rè hỏi lão nếu có nhã ý thích cuốn ấy thì mời lão lên phát biểu đôi ba câu (miễn đừng làm tác giả xanh mặt). Lão phấn khởi nhận lời ngay (dù lúc ấy tôi chưa tin lắm). Đúng ngày đúng hẹn lão có mặt. Trước giờ khai mạc lão đeo kính râm ngồi bệt ngoài bồn hoa trong hội chợ buôn dưa lê với cả tá fan hâm mộ vây xung quanh. Đến giờ khai mạc lão (vẫn đeo kính râm) ngồi nghiêm túc trong góc phòng, tay cầm một lô sách. Sau giờ khai mạc, còn vài phút nữa thì đến phiên lão phát biểu, từ trên sân khấu, tôi tá hỏa thấy lão biến mất khỏi phòng họp. Bụng điên tiết, truy mãi không ra lý do tại sao lão mất tích, hồi lâu mới biết lão phấn khởi ra về để viết sách, lần này không phải tiểu phẩm, tác phẩm nữa mà là siêu phẩm.
Ngót hai tháng sau, lão cho tôi xem siêu phẩm trên ipad, nói là cuốn sách này trẻ em, trẻ teen, ông cụ, bà già đều đọc được. Lão bắt tôi đọc một đoạn trong khi lão ngồi ăn kem. Như lệ thường đọc bất cứ thứ gì của lão tôi đều cười toét miệng, nhưng chưa kịp bình luận thì đã bất mãn vì lão ngang nhiên bảo viết cuốn này đúng hôm đi dự hội chợ sách ấy, lão đi một vòng hội chợ thấy chẳng có cuốn sách nào đúng nghĩa dành cho tuổi teen thời Facebook nên lão bỏ về viết luôn một chập, tháng là xong.
Sách ra mắt, đề ‘siêu phẩm dành cho teen’, tiêu đề “Sao thầy không mãi teen teen”, số lượng 1 vạn bản in. Hôm lão bỏ về ngồi viết sách là 27/3/2014, cuối sách đề hoàn thành ngày 29/4/2014. Nghĩ mà tức. Mua sách về định làm bài phê bình xỉa xói cho bõ tức, nhưng không ngờ đọc xong lại tức cái khác: Là lão chả được bộ tịch gì, chỉ được mỗi cái nói đúng. Đọc sách của lão xong chắc trẻ teen ngây ngất vì bikini và bài học sử, người đã qua thời teen thì ngơ ngác trước cuốn sách không biết đâu mà lần của trong sáng và lọc lõi, ngây thơ và tinh quái, ngọt ngào và man trá.
Lão bịa ra một siêu thầy giáo đẹp trai đến từng nửa xen-ti-mét, body gây sửng sốt khi mặc quần bơi, quần áo thời trang mỗi ngày một bộ, thông minh tuyệt đỉnh, đi xe SH, ở nhà biệt thự, hào phóng, tâm lý và ga lăng, đã thế lại làm thầy giáo dạy sử, đã đi dạy sử thì chớ lại còn yêu nghề, đến mức dẫn cả lớp đi bảo tàng lịch sử để giảng bài, sẵn sàng trả tiền taxi, vé vào cửa và kem que cho tất cả.
Và cô nàng học trò Ly Cún thì lần đầu tiên trong đời được đi bar, vũ trường, dạo đêm trên phố Sài Gòn và ngắm bình minh lên bên bờ sông cùng siêu thầy giáo.
Chẳng man trá là gì. Lão vốn đã quen với giới showbiz toàn siêu mẫu, siêu minh tinh, siêu sao, siêu xe nên tức mình nghĩ sao học trò không thể thần tượng siêu thầy giáo, mà phải là thầy giáo dạy sử kia.
Báo đài mở hẳn một seri chuyên đề để giải mã việc học trò sau khi được thông báo kỳ thi tốt nghiệp THPT không có môn lịch sử đã vui mừng hớn hở xé vụn các đề cương môn sử rồi rải trắng xóa sân trường như pháo bông, bằng cách mời vô số giáo sư và chuyên gia vào cuộc, ngồi trả lời phỏng vấn và đề ra biện pháp.
Còn Lê Hoàng giải mã sự khốn khổ của môn sử bằng một siêu phẩm dành cho teen (thì thầm vào tai độc giả rằng muốn thay đổi cách dạy và học, chỉ cần thầy cô giáo đừng… vừa già vừa xấu vừa nhàm chán như thế), chưa kể giải mã nốt vì sao sách văn học hay ế, vì sao trẻ teen đua nhau đọc ngôn tình Trung Quốc và truyện chicklit của Mỹ bằng số lượng bản in cũng “chảnh” như lão.
Đọc “Sao thầy không mãi teen teen” lại nhớ hồi 20 năm trước lần đầu tiên đọc tiểu phẩm của Lê Hoàng với bút danh Lê Thị Liên Hoan, vẫn cái lối thậm xưng đặc trưng ấy, kiểu “những hạt cơm nàng nấu trắng ngần và sáng bóng như ngọc trai, nhìn chỉ muốn xâu chuỗi rồi đeo vào cổ”. Giờ lão có khiến cho bản thân thay đổi kỳ bí, giật gân cỡ nào thì văn lão vẫn nguyên là lão, là loại luôn pha trộn giữa thơ ngây và quái đản.
Nhân vật Trà My trong truyện có cái túi da sáng bóng như gương, xịn và đẹp đến nỗi nếu thả vào đó một con chuột chết thì khi rút ra sẽ thành con thiên nga. Chích Chòe mê thầy giáo đến độ ngắm thầy mắt sáng rực như than hồng, giờ lấy một cây bắp non lăn qua, bắp ấy chắc chắn bị nướng chín, thơm lừng. Siêu thầy giáo thì điển trai bằng Ngô Kiến Huy và Lee Min Hoo cộng lại rồi nhân lên gấp mười lần, đến mức không cần đeo túi mà đeo cái chổi cũng đẹp. Đọc truyện của lão, trai đẹp gái xinh dễ chạnh lòng vì lão đề cao những người thông minh đến độ rùng mình, đến độ toát mồ hôi vì khâm phục, tự dưng bỗng đâm lo vì mình hình như bị xếp vào loại “ra đường dùng xẻng mà xúc nửa ngày không hết”.
Nhưng sang trang sau người thông minh bỗng phát hoảng vì lão tiếp tục chỉ ra tiêu chí nữ tính là dù sinh ra để mặc bikini hay chả bao giờ nên mặc thì ngày nào cũng phải nên nghĩ đến bikini.
Lão mặc dù đã qua tuổi nam sinh từ cả gần nửa thế kỷ nhưng hình như chưa nguôi nỗi kỳ thị lũ nữ sinh “rụt rè, nhút nhát, đến lớp như cái bóng, không yêu không ghét, không dốt không giỏi… Chúng lẫn vào nhau, hòa trộn với nhau như một tảng rêu, các nữ sinh ấy ra khỏi nhà xin phép cha mẹ ông bà, vào trường xin phép thầy cô bác bảo vệ, ra đường xin phép xe cộ. Chúng thần tượng Miu Lê vì dễ thương. Khoái Bảo Thy vì là công chúa bong bóng, mê Ông Cao Thắng vì vẻ đẹp baby. Nhưng nếu thấy Ông Cao Thắng bị đánh ngoài đường, chúng ù té chạy chứ không khi nào dám lao đầu vào cứu, sau đó về nhà đọc tin trên mạng xem chàng nằm bệnh viện nào. Sức học của chúng trung bình. Ước mơ của chúng là thi đậu đại học, bất kể trường gì, rồi mơ ước cháy bỏng là xin được việc ở một công ty có thang máy, có nhiều máy lạnh, làm hai chục năm sẽ lên được chức phó phòng”.
Đọc lão người teen đau, người không teen cũng xót (cuộc đời mình), học trò học sử thì nuối tiếc còn thầy cô giáo dạy sử thì ân hận. Người không xinh thấy mình có lỗi còn kẻ kém thông minh cũng đâm có tội nốt. Đọc lão luôn thấy lão hơi thiên vị, lão mắc bệnh nghề nghiệp nên yêu cầu ta phải vừa đẹp vừa thông minh, chưa đủ, lại còn phải có cá tính và văn minh nữa, giống như thể lão đang tuyển chọn diễn viên hạng một vào vai chính trong phim của lão.
Ngoài bìa sách, Đoàn Thạch Biền khen lão thông minh. Nhớ mươi, mười lăm năm trước, nhà thơ Trần Hòa Bình bảo tôi “về sự thông minh, anh chỉ nể có lão Lê Hoàng”. Kệ, tôi cứ kể chuyện này cho lão đáng kiếp. Vì giờ Trần Hòa Bình đã khuất núi rồi, có ai muốn ghét cố thi sĩ thì cũng chịu bó tay, nhưng rồi sẽ đổ xô vào ghét lão. Muốn người ta thêm tức lão, rủa xả lão cũng dễ, đi đâu tôi cũng rêu rao: Lê Hoàng thông minh, Lê Hoàng nói gì cũng đúng. Khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Trong truyện, Ly Cún luôn nghe theo châm ngôn: Ở đâu có hai kẻ cãi nhau, ở đó có kẻ thứ ba sung sướng. Ờ thì lão lại nói đúng rồi, trên chiến trường, trong chính trường, thương trường, tình trường và cả showbiz trường mà lão đã thấm thía, kẻ thứ ba (chờ) sung sướng có mặt ở khắp mọi nơi. Trách gì mỗi lần thấy có người công kích, dù ngọt nhạt, dù chua cay, đắng chát, cứ thấy lão im thít. Hóa ra lão khổ nhục kế, thà ta chịu đựng chớ quyết không cho đứa nào được sung sướng. Nói bâng quơ, cạnh khóe mãi lão không thèm lên tiếng, thì quyết gọi điện nói thẳng xem sao, hỏi dạo này lão đang làm gì, ý rằng lão cảm thấy thế nào trước mấy nỗi thị phi. Lão tỉnh bơ dụi kính râm (có lẽ), thản nhiên làm người khác chưng hửng: Chả làm gì, chỉ viết báo lá cải, làm phim mì ăn liền kiếm sống.
Năm nay lão năm tuổi, và mặc dù lão luôn ăn kem vani trước mặt công chúng để chứng minh, thì tôi cũng vạch trần với độc giả teen rằng người viết ra siêu phẩm teen năm nay đã có thể mừng thọ lục tuần. Nên tôi ngờ rằng, năm trước lão viết tiểu thuyết teen cho người lớn đọc, biết đâu năm con dê lão lại viết truyện người già cho teen xem. Cả teen lẫn chưa teen, hết teen cứ thử chờ coi sao.
Di Li
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân