Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 11/01/2013 - 14:33
(Thanh tra) - Cả cuộc đời cống hiến vì nghệ thuật, rất nhiều người đã từng đứng trên bục vinh quang, lung linh dưới ánh đèn sân khấu và được công chúng mến mộ. Nhưng mấy ai biết, đằng sau ánh hào quang ấy, những phận đời nghệ sĩ thuộc Nhà hát Dân ca Nghệ An đang gặp vô vàn khó khăn. Họ đang “lay lắt” sống qua từng ngày.
Những căn lều như thế này là nơi tá túc của hơn 10 hộ gia đình nghệ sĩ
Nhà” nghệ sĩ
Tiếp chúng tôi trong một căn nhà tuềnh toàng, lụp xụp với diện tích chưa đầy 20m2 nằm giữa TP Vinh, chị Phạm Minh Hiền tỏ ra rất ái ngại khi chúng tôi tới thăm, bởi căn nhà chị ở không khác nào một ngôi nhà ổ chuột. “Từ ngày chuyển đến đây ở, tôi đã bao giờ dám mời bạn bè về nhà chơi đâu, bạn đến chơi mà chứng kiến "cơ ngơi" này thì ngại lắm” - chị Hiền chia sẻ.
Sống cảnh tạm bợ ven rạp hát Bến Thủy gồm có 11 hộ gia đình là cán bộ đoàn Nhà hát Dân ca Nghệ An. Lương thấp, chế độ ưu đãi thấp là nguyên nhân chính khiến cho các nghệ sĩ phải chấp nhận sống cảnh tạm bợ. Mỗi tháng, họ chỉ nhận được 1,8 triệu đồng tiền lương, còn những nghệ sĩ ký hợp đồng với đoàn thì lương chưa đầy 1 triệu đồng/tháng.
Trước khi chuyển về sống cảnh tạm bợ bên rạp hát Bến Thủy, có không ít gia đình nghệ sĩ đã thuê phòng trọ ở, nhưng do đồng lương quá bèo bọt, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày nên họ đã phải ngậm ngùi chuyển về tá túc nơi đây. “Trước kia gia đình tôi thuê trọ ở phường Trường Thi, nhưng lương ba cọc, ba đồng mà giá cả ngày một leo thang, cùng với đó là tiền con cái ăn học hàng tháng nên chúng tôi phải chuyển về đây, dựng tạm căn nhà ở, giảm bớt một phần chi phí”, chị Nguyễn Thị Lê cho hay.
Những căn nhà dựng lên ở đây đều tận dụng một phần bờ tường của rạp hát Bến Thủy ngày xưa, nó chỉ được xây tạm bợ, chắp vá. Cứ vào những ngày trời đổ mưa là nước lại tràn vào nhà. “Ai cũng nghĩ đời nghệ sĩ, diễn viên sướng lắm, nhưng có ai ngờ chúng tôi phải sống chui, sống lủi thế này. Nhiều hôm trời mưa to, nước tràn vào ngập nhà, vợ chồng tôi phải xin nghỉ dở buổi tập để về tát nước ra ngoài” - anh Hồ Minh Thanh cho biết.
Nói là nhà, nhưng những ngôi nhà ở đây chẳng khác nào một khu ổ chuột nằm ngay giữa TP Vinh. Đến thăm các gia đình nghệ sĩ, chúng tôi mới thực sự hiểu hết được những khó khăn, vất vả mà họ đang phải đối mặt từng ngày. Nhìn những “căn lều” tuềnh toàng bám trụ bên những bức tường loang lổ, không ai nghĩ đây là chỗ ở của những người nghệ sĩ Nhà hát Dân ca Nghệ An.
Tất cả vì niềm đam mê với nghề
Đồng lương ba cọc, ba đồng không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày nên nhiều nghệ sĩ ngoài giờ hành chính phải đi làm ngoài để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Các nghệ sĩ thường phục vụ ở các đám cưới, tại các nhà hàng, thậm chí là phục vụ cả đám ma chay.
Hầu như tất cả nghệ sĩ ở đây ai cũng “chạy sô” ngoài giờ hành chính. “Ngoài giờ lên cơ quan, vợ chồng tôi thường đi hát tại các đám cưới hay tại các nhà hàng để kiếm thêm thu nhập. Còn nếu cứ trông vào ba đồng lương thì chắc cả nhà tôi chết đói. Chỉ tính riêng mỗi tháng tiền học của hai đứa con tôi cũng đã ngót ngét hai triệu rồi, chưa tính các chi phí sinh hoạt hàng ngày” - anh Hồ Minh Thanh chia sẻ thêm.
“Những chuyến đi diễn xa, cả đoàn được hỗ trợ 2 triệu đồng. Mỗi lần như vậy, đoàn thường có hàng nghệ sĩ, tính ra mỗi người cũng chỉ được 20 nghìn. Nhưng số tiền hỗ trợ này không phải chuyến đi diễn nào cũng có, thậm chí cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của những lần đi diễn gần đây”, chị Phạm Minh Hiền cho biết.
Tiếp lời chị Hiền, chị Hồng Liên nói: “Tiền hỗ trợ cho đoàn đã thê thảm lắm rồi, tiền hóa trang dành cho diễn viên còn thê thảm hơn nữa chú à. Như chúng tôi diễn vai phụ nên mỗi đêm diễn chỉ nhận được 2.000 đồng, còn những người đóng vai chính mới được nhiều hơn chút là 10.000 đồng/đêm diễn”.
Chị Liên vừa dứt lời, tôi liền hỏi, với mức 2.000 đồng làm sao chị đủ để hóa trang cho một đêm diễn, chị liền cười và trả lời: “Làm sao đủ được, tôi phải lấy tiền nhà ra để bù vào đấy”.
Chia tay gia đình chị Liên, men theo con đường nhỏ sau nhà hát, chúng tôi tìm đến gia đình nhạc công Đỗ Sĩ Lượng. Phòng của vợ chồng anh có diện tích khoảng 15m2 được xây trên nền cũ của rạp hát. Đến nay, căn phòng đã được tu sửa nhiều lần, nhưng mỗi khi mưa to là vợ chồng anh cùng các con phải tìm chỗ để tránh nước mưa dột. “Đời nghệ sĩ nó bạc bẽo vậy đó, tôi vào nghề đã gần nửa đời người rồi nhưng cho đến nay vẫn chưa có căn nhà tử tế để ở. Khó khăn là vậy, nhưng do lòng yêu nghề nên chúng tôi ai cũng cố gắng bám trụ lại với đoàn” - anh Lượng ngậm ngùi.
Trao đổi với PV về vấn đề này, NSND Hồng Lựu - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn, phát triển di sản dân ca xứ Nghệ cho biết: “Trung tâm chúng tôi đang tìm hướng phục hồi phong trào hát dân ca nhằm từng bước xây dựng dân ca xứ Nghệ trở thành di sản văn hóa thế giới, nhưng cơ chế chính sách đối với các nghệ sĩ lại quá bạc bẽo”.
Như vậy, để bảo tồn và đưa phong trào hát dân ca xứ Nghệ trở thành di sản văn hóa thế giới, thiết nghĩ các cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh Nghệ An cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho các nghệ sĩ thuộc Nhà hát Dân ca Nghệ An để họ có thể yên tâm dành trọn niềm đam mê với nghề.
Bài, ảnh: Trần Quốc
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang
Nam Dũng
Trần Quý
Lê Hữu Chính
Trần Quý