Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Khó trăm bề” vẫn phải tìm một lối để phát triển!

Thứ sáu, 19/02/2021 - 06:38

(Thanh tra)- Sâu sắc. Cá tính. Nhà báo Trần Lan Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Nhà báo & Công luận (NB&CL) thu hút người đối diện bởi cách trả lời thông minh và không ngại đụng chạm. Cuộc trò chuyện giữa tôi và chị kéo dài hơn dự kiến cũng bởi những ấn tượng đầy thiện cảm đó!

Nhà báo Trần Lan Anh

Tinh gọn bộ máy, một người làm việc bằng hai

+ Khoảng 3 năm trở lại đây, với sự điều hành của đội ngũ lãnh đạo trẻ, Báo NB&CL đã có sự thay đổi vượt bậc cả về nội dung và hình thức, trên mọi ấn phẩm. Ngoài “thuyền trưởng” Lê Trần Nguyên Huy - Tổng Biên tập - ra thì vai trò của chị, theo nhận định của rất nhiều người, là cực kỳ quan trọng. Đối với tôi, là không thể thiếu! Còn chị?

- Anh hoặc nhiều đồng nghiệp nhận xét như vậy là ưu ái cho tôi rồi. Báo chí là sản phẩm của tập thể, vị thế và uy tín của tờ báo được xây dựng nên bởi sự cố gắng, phấn đấu, nỗ lực của mỗi cán bộ, mỗi phóng viên, mỗi biên tập viên. Ở Báo NB&CL, chúng tôi luôn khuyến khích, tạo cơ chế để mỗi cá nhân phát huy tối đa sức sáng tạo, từ đó tạo nên thành quả. Có thể vẫn còn rất nhỏ bé và khiêm tốn trong làng báo, nhưng với một tờ báo còn nhiều khó khăn và cũng từng bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển, đây là thành quả đáng khích lệ để chúng tôi, những cán bộ, phóng viên đang vì yêu mà gắn bó với báo nỗ lực hơn nữa, phấn đấu hơn nữa, cống hiến hơn nữa để có thể từng bước từng bước đưa tờ báo phát triển nhất là năm nay, một năm đặc biệt đối với báo, khi chúng tôi  đón tuổi 25 tràn đầy sinh lực và khát vọng vươn lên.

+ “Huy chuyên đề” hay “Lan Anh chuyên đề” là câu cửa miệng, hàm ý sự ngưỡng mộ, mà nhiều lãnh đạo báo vẫn dùng để nói khi nhắc đến anh, chị. Phải thừa nhận, việc hàng năm cho ra đời 5 - 6 ấn phẩm dày cả trăm, thậm chí mấy trăm trang, với nhiều chủ đề, ý tưởng khác nhau là điều không dễ. Tôi tò mò muốn biết, nguồn cảm hứng nào giúp Ban Biên tập Báo NB&CL có thể biến điều khó khăn trở nên đơn giản như vậy, thưa chị?

- Không phải cảm hứng đâu, là sự sống còn của tờ báo đấy. Không làm chúng tôi không có nguồn thu tái đầu tư vào nội dung và quan trọng là không đủ điều kiện để đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, phóng viên của tòa soạn. Còn tất nhiên, làm báo giấy thời này rất khó, làm được mấy trăm trang một ấn phẩm đặc biệt càng khó hơn. Báo NB&CL cũng vậy thôi. Chúng tôi vừa phải đảm bảo nội dung thông tin chất lượng theo đúng tôn chỉ mục đích, vừa phải xoay xở tự chủ để đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Trong bối cảnh hiện nay, đúng là “khó trăm bề”. Nhưng “khó trăm bề” thì vẫn phải tìm ra một lối để đi, để phát triển.

Công nghệ phát triển tạo ra những thay đổi sâu rộng trên nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội khắp thế giới. Báo chí cũng không nằm ngoài vòng xoáy mãnh liệt này, với vô số những đổi thay, thậm chí có những thời điểm sự thay đổi diễn ra ở tốc độ chóng mặt mà nhiều người khi đã đi qua ngoái lại nhìn vẫn chưa hết sững sờ. Và tất nhiên, vòng xoáy tác động này chưa hề dừng lại. Kỷ nguyên số 4.0 đã và đang tạo áp lực để mỗi nhà báo, mỗi cơ quan và loại hình báo chí phải khách quan, thẳng thắn nhìn nhận lại chính mình.

Vì vậy, người quản lý nói chung đều phải thay đổi để thích nghi với những biến chuyển về công nghệ làm báo, cách thức tiếp cận thông tin của công chúng báo chí. Chúng tôi đã từng nhanh, bây giờ phải nhanh hơn nữa. Đã từng quyết đoán, bay giờ phải quyết đoán hơn nữa. Và cái gì chưa biết thì phải học, thậm chí tham khảo cả phóng viên của mình để không bỡ ngỡ với công nghệ làm báo đang thay đổi từng ngày, làm chủ các phương tiện kỹ thuật để có những sản phẩm báo mang tính hiện đại hơn.

Tuy nhiên, vẫn có những giá trị phổ quát không bao giờ mất đi, không bao giờ suy giảm tầm quan trọng: Báo chí phải là  nơi phát ngôn đáng tin cậy để công chúng tin tưởng. Chỉ khi giữ được những giá trị đó thì báo chí cách mạng mới có thể biến thách thức thành cơ hội và tận dụng tối đa cơ hội đó để phát triển bền vững, bất kể đó là thách thức từ cách mạng công nghiệp 4.0 hay những cuộc cách mạng kỹ thuật tiếp theo. Gần hai năm nay, chúng tôi thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ, tinh gọn bộ máy, một người làm việc bằng hai. Phát huy tối đa thông tin thời sự trên điện tử, thực hiện thông tin chuyên biệt trên báo in. Rút cuộc, lối đi vẫn luôn luôn ở dưới chân mình đó thôi, chuyên đề là một cách để chúng tôi làm các ấn phẩm báo in một cách đàng hoàng và có hiệu quả.

+ Rõ ràng, chị đang có một ê kíp làm việc rất đồng bộ, hiểu nhau và hợp tác để cùng cống hiến cho tờ báo, từ Tổng Biên tập đến các cán bộ, phóng viên, biên tập viên?

- Ở Báo NB&CL, chúng tôi gọi đó là ê kíp của sự tôn trọng và tinh thần đoàn kết. Không có sự tôn trọng của Ban Biên tập và của Tổng Biên tập, chúng tôi không thể phát huy được hết sự sáng tạo và khả năng vốn có của mỗi cá nhân và càng không có được những ấn phẩm đặc biệt dày dặn như anh vừa nói tới. Sự tôn trọng tạo ra hiệu quả, tinh thần đoàn kết giúp chúng tôi đi xa và đi nhanh cùng nhau, tạo động lực phát triển bền vững cho tờ báo.

Nghề báo, không đơn thuần là nơi kiếm sống

+ Là dân chuyên văn, từng đạt học sinh giỏi quốc gia, không khó hiểu khi chị viết báo cũng giỏi. Tuy nhiên, điều tôi thấy phục chị ở chỗ, chị không ngại “lao vào” thể loại được đánh giá là rất khó, là chính luận, vốn được coi là “thế mạnh” của các cây viết nam. Không ít bài bình luận, phân tích của chị được đánh giá cao, ngay cả tại Giải Báo chí Quốc gia. Bằng chứng là chị đã được vinh danh nhiều lần tại giải danh giá này ở những hạng mục chính thức rất cao: Giải C, giải B…

- Anh lại quá khen rồi! Tôi không nghĩ mình viết báo giỏi. Tôi chỉ là người thạo nghề và yêu nghề báo. Thực ra, với nhà báo, không có thể loại nào thực sự dễ và thực sự khó, chủ yếu là anh có muốn viết và muốn đầu tư cho nó nghiêm túc không mà thôi. Tôi chưa từng thấy ai dốc toàn bộ tâm trí để theo đuổi một cái gì đó quá 10 năm mà không thành công cả (cười). Còn về các giải báo chí anh vừa nhắc tới, tôi nghĩ là do tôi may mắn thôi. Nhưng thành thật mà nói, đó là sự ghi nhận, là động lực khiến tôi “hăm hở” với nghề hơn nữa…

Nhà báo Trần Lan Anh, Phó Tổng Biên tập Báo NB&CL

+ Không chỉ Giải Báo chí Quốc gia, tôi được biết, chị còn tham dự và đạt nhiều giải báo chí khác do các bộ, ngành tổ chức?

- Thực ra, nhiều đồng nghiệp khi vui vẫn trêu tôi về chuyện này. Nhưng tôi vẫn nghĩ, trước khi làm một người quản lý, tôi còn là một nhà báo. Một nhà báo thì đương nhiên phải có tác phẩm rồi. Tuy nhiên, như tôi đã nói, có lẽ tôi là người may mắn và có duyên với các giải báo chí mà thôi!

+ Vừa lãnh đạo, quản lý lại trực tiếp lên kế hoạch và duyệt xuất bản nhiều ấn phẩm từ báo in, báo điện tử cho đến mảng truyền hình. Tôi không hiểu chị lấy đâu ra năng lượng để vừa sáng tạo và vừa biến ý tưởng thành hiện thực như vậy?

- NB&CL chưa phải tờ báo lớn, chúng tôi đang thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ, tinh giản bộ máy, một người làm việc gấp hai, gấp ba. Được giao phụ trách nội dung, đương nhiên tôi phải làm tròn nhiệm vụ được giao rồi (cười). Nhưng có lẽ, điều quan trọng nhất khiến tôi có nhiều “năng lượng” như anh nói, là tình yêu, niềm đam mê với các nghề mình chọn, vì nghề báo, không chỉ đơn thuần là nơi bạn kiếm sống, nó còn mang thêm sứ mệnh phản ánh, định hướng dư luận. Nếu không yêu, bạn sẽ không bao giờ dám dấn thân đến cùng vì nó.

Bền bỉ vun đắp niềm tin, nhất định sẽ được yêu mến

+ Dấn thân, nói thì dễ, làm lại vô cùng khó, thưa chị?

- Chúng ta đang ở những ngày đầu Xuân Tân Sửu với nhiều bất thường do hệ lụy từ đại dịch Covid. Nhưng có lẽ trong gian nan, chúng ta sẽ thấy được bản lĩnh, sự kiên cường của một Việt Nam đang trở mình mạnh mẽ. Báo chí Việt Nam cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Báo chí tồn tại nhờ niềm tin xã hội, không ngẫu nhiên mà từ rất lâu rồi, dân ta có câu “nói hay như đài”, hay “báo đăng đây này”. Niềm tin mà đông đảo thính giả, khán giả, độc giả dành cho các cơ quan báo chí từng là niềm vinh dự, tự hào của những người cầm bút chân chính! Nhưng trước guồng quay nghiệt ngã của cơ chế thị trường, nhiều cơ quan báo chí, nhất là các báo có xu hướng chạy theo thị trường, các báo điện tử muốn tồn tại đòi hỏi phải lao vào cuộc chạy đua tìm kiếm thông tin - thậm chí là “cuộc chiến” cạnh tranh thông tin - vô cùng quyết liệt. Thật lòng mà nói, nghề báo tuy có tổn thất dăm bảy người cầm bút vì bản lĩnh non, phẩm chất kém, trách nhiệm tồi... cũng chả sao. Nhưng mất mát lớn hơn, đấy chính là niềm tin của công chúng với giới báo bị lung lay, chao đảo!

Tôi vẫn tin rằng, những người làm báo chân chính vẫn đủ niềm tin trong sự bùng nổ thông tin của thời đại ngày nay, báo chí càng cần có mặt để làm nơi neo đậu niềm tin cho xã hội, với điều kiện người làm báo phải thực hiện bằng trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp của mình. Nếu không làm được điều đó, độc giả không cần báo chí nữa. Một khi nhà báo bền bỉ, thành tâm nuôi dưỡng niềm tin, ngày ngày tháng tháng - thông qua những tác phẩm báo chí tốt đẹp của mình - để gieo trồng niềm tin cho công chúng, vun đắp niềm tin cho xã hội, thì nhất định sẽ được công chúng và xã hội dành trọn tình cảm mến yêu.

Nhân đây, tôi xin kính chúc độc giả Báo Thanh tra một năm mới mạnh khỏe, bình an, dành trọn niềm tin và đồng hành cùng báo chí để cùng vượt qua thử thách trước mắt, hướng tới một tương lai phát triển ổn định và bền vững.

+ Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện cởi mở này!

Thành Nam Định (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm