Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khai hội Chọi trâu Hải Lựu 2024

Trần Quý

Chủ nhật, 25/02/2024 - 17:43

(Thanh tra) - Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu, tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024 đã chính thức diễn ra vào sáng nay (25/2, tức ngày 16 tháng Giêng). Tham gia Lễ hội năm nay có 20 “ông Cầu” (cách gọi của trâu chọi) đến từ 10 thôn thuộc xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Khai hội Chọi trâu Hải Lựu 2024. Ảnh: TQ

Trước lúc diễn ra phần hội là phần lễ với nhiều tiết mục đặc sắc như: Tổ chức Lễ tế Thành Hoàng; các chủ trâu làm lễ Thành Hoàng; rước lễ yết cáo từ sân trụ sở UBND xã đến đền thờ Thành Hoàng, thực hiện nghi lễ yết cáo tại đền; đồng diễn múa dân vũ, lân, rồng…

Cùng với sự chuẩn bị chu đáo từ chính quyền địa phương và ban tổ chức lễ hội, tập thể các thôn đã chuẩn bị cho mình những “ông Cầu” dũng mãnh nhất, sẵn sàng bước vào thi đấu. Những “ông Cầu” tham dự lễ hội năm nay được các thôn, các chủ trâu đi lựa chọn trên mọi miền Tổ quốc, có “ông Cầu” được mua về từ Thái Lan.

Theo lịch trình, Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu 2024 được tổ chức trong 2 ngày 25 - 26/2 (tức ngày 16 và 17 tháng Giêng).

20 “ông Cầu” được bốc thăm chọn cặp, thi đấu theo thể thức loại trực tiếp (thua loại, thắng vào vòng trong), trong đó có 8/20 “ông Cầu” phải thi đấu vòng loại thứ nhất. 4 “ông Cầu” thắng trong 4 kháp đấu vòng loại thứ nhất vào thi đấu vòng loại thứ hai với 12 “ông Cầu” không phải thi đấu vòng loại thứ nhất với 8 kháp đấu. 8 “ông Cầu” thắng ở các kháp đấu vòng loại thứ hai vào thi đấu vòng bán kết. 4 “ông Cầu” thắng ở các kháp đấu vòng bán kết vào vòng tứ kết. 2 “ông Cầu” thắng ở trận tứ kết vào thi đấu trận chung kết phân Nhất - Nhì lễ hội.

Sơ đồ các kháp đấu. Ảnh: TQ

Trong ngày 25/2 chỉ diễn ra 12 kháp đấu vòng loại thứ nhất và vòng loại thứ hai.

Ngày 26/2 sẽ diễn ra các kháp đấu vòng bán kết, tứ kết và chung kết.

Như vậy, các “ông Cầu” phải thi đấu ở vòng loại thứ nhất nếu vào đến trận chung kết phải thi đấu 5 kháp. Những “ông Cầu” không phải thi đấu ở vòng loại thứ nhất mà vào đến trận chung kết thì chỉ thi đấu có 4 kháp, do đó có những lợi thế nhất định.

Với thể thức loại trực tiếp, tùy vào sở trường của các “ông Cầu” nên các chủ trâu sẽ đưa ra các miếng đánh khác nhau như: Hổ lao, tiếp cận từ từ…

Theo ghi nhận của PV, ngay từ sáng sớm, ngoài những người dân trong xã Hải Lựu và các xã lân cận còn có hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lễ hội Chọi trâu xã Hải Lựu năm 2024 vẫn duy trì không bán vé vào xem.

Theo dự báo của các bậc cao niên có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi trâu chọi, Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu năm Giáp Thìn 2024 sẽ có nhiều kháp đánh hay, đánh đẹp, kháp đấu kéo dài, nhiều miếng đánh hiểm như: Cáng hầu, móc mắt, khóa sừng… vì các “ông Cầu” đều được lựa chọn, chăm sóc, huấn luyện chu đáo, bài bản.

Kháp đấu đầu tiên của Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu năm 2024 giữ “ông Cầu” số 16 và “ông Cầu” số 12, phần thắng nghiêng về "ông Cầu" số 12. Ảnh: TQ

Theo tương truyền, Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu có từ thế kỷ II trước Công nguyên (tính đến nay đã hơn 2000 năm). Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt, nhà Triệu tan rã, thừa tướng Nam Việt là tướng Lữ Gia đã lui quân về vùng núi Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để truyền cho quân sĩ tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, quả cảm như các đấu sĩ trâu, và trâu sau khi chọi đều được đem mổ thịt để khao quân.

Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm Thành hoàng làng và Lễ hội Chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó. Truyền rằng các quân được ăn thịt trâu chọi thân hình tráng kiệt sức khỏe hơn người, chính vì thế mà người dân Hải Lựu luôn trụ vững trước quân xâm lược.

Trâu chọi được gọi là "ông Cầu" để phân biệt với trâu cày bởi trâu chọi được mua về từ các địa phương khác đem về Hải Lựu để chăm sóc, huấn luyện. Trước mỗi kỳ lễ hội, ban tổ chức sẽ kiểm tra các trâu đăng ký chọi của mỗi thôn, làng; sau đó mang lên đền thành Hoàng (tức đền thờ Lữ Gia) để làm lễ, từ đó trâu được gọi là "ông Cầu".

Đối với các hộ nuôi "ông Cầu" trong nhà thì đó là cả một sự vinh dự, trong suốt thời gian huấn luyện, "ông Cầu" được chăm sóc đặc biệt, được cho ăn mật mía, mật ong, các thức ăn bổ dưỡng và huấn luyện các đòn võ của trâu chọi.

Hàng vạn du khách đến tham dự Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu 2024. Ảnh: TQ

Trước kia lễ hội vẫn diễn ra vào ngày 17 tháng Giêng Âm lịch nhưng từ năm 1947, do nhiều nguyên nhân trong đó có cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp bắt đầu khốc liệt, Lễ hội Chọi trâu bị gián đoạn trong một thời gian dài, mãi tới năm 2002 mới được khôi phục. Do sức hấp dẫn của lễ hội đã thu hút ngày càng đông khách thập phương nên từ năm 2004, ban tổ chức đã cho kéo dài lễ hội trong hai ngày 16 và 17 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Từ năm 2018 trở về trước, Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu có đến 32 “ông Cầu” tham gia và tổ chức bán vé vào xem.

Năm 2018, Bộ Văn hoá - thể thao và du lịch đã có văn bản yêu cầu giảm số lượng xuống còn 20 “ông Cầu” và không bán vé vào cửa cho du khách.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm