Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đưa then thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Thứ ba, 08/04/2014 - 08:08

(Thanh tra)- Tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Lai Châu, Bắc Giang, lập hồ sơ đề xuất và đệ trình lên Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, ghi danh loại hình hát then vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015.

Hát then. Ảnh: Trà Vân

Hát then, đàn tính đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. “Cùng với nhiều loại di sản văn hóa phi vật thể như hát xoan, ca trù, hát văn... thì hát then, đàn tính cũng trong tình trạng thất truyền. Đó là lý do Viện Âm nhạc đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm hồ sơ hát then, đàn tính để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, PGS.TS Lê Toàn - Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam nói. 

Để chuẩn bị cho tiến trình đưa hát then trở thành di sản phi vật thể của nhân loại, những năm qua, từng có 4 kỳ liên hoan hát then, đàn tính diễn ra ở các tỉnh phía Bắc, với kỳ vọng khẳng định lại vị trí của loại hình nghệ thuật này. Thế nhưng, ở góc nhìn của nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, đây vẫn chỉ là những hoạt động theo kiểu sinh hoạt văn hóa phong trào. Then cổ cùng với môi trường diễn xướng chiếm tỉ lệ rất nhỏ, phần lớn các tiết mục trong liên hoan là then mới, then cải biên. Lý do, then luôn gắn với hoạt động tín ngưỡng nên một thời bị cấm, không còn người quan tâm nên cũng không có người truyền và dạy; phần nữa do cuộc sống và khoa học ngày càng phát triển, thanh niên dân tộc có xu hướng mê các dòng nhạc trẻ, nhạc thị trường, ít quan tâm đến nhạc dân tộc; người dân không còn tin vào tính tâm linh, tính thiêng của hát then như ngày xưa nữa.

Trong khi đó, di sản phải là trầm tích văn hóa của thời gian, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, phát triển mà vẫn đọng lại và có sức sống bền vững. Nhưng hiện ở ta, nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể chỉ mải nhìn cái ngọn mà phát triển, phát huy, đến khi “sờ” đến gốc thì nó mất rồi… Hiện một số tỉnh cũng có những câu lạc bộ hát then, nhưng đó chỉ là then mới, then cải biên. Điều quan trọng là, những “người giữ lửa” là các “ông then”, “bà then” còn lại không nhiều, người kế thừa cũng chẳng được bao nhiêu.

Truyền dạy hát then cho giới trẻ. Ảnh: Trà Vân

Tuy nhiên, với sự nỗ lực trong thời gian qua của các tỉnh đã rút gần khoảng cách đưa then ra quốc tế. Theo ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang, tỉnh đã ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghi lễ then dân tộc Tày”. Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang còn phối hợp với Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức hội nghị kiểm kê di sản và lập hồ sơ “then Tày - Nùng - Thái Việt Nam”. Riêng tại Tuyên Quang quy tụ được 50 câu lạc bộ hát then, đàn tính với gần 1.000 nghệ nhân và người yêu then tham gia. Ngoài phát huy vai trò các đội văn nghệ, câu lạc bộ hát then, tỉnh còn có nhiều hình thức để bảo tồn và phổ biến hát then trong xã hội. Ðoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh thường xuyên sưu tầm, dàn dựng nhiều tiết mục then cổ, cải biên cho phù hợp hơn, dễ hát hơn. Cơ quan quản lý văn hóa ở các huyện trong tỉnh cũng có nhiều hình thức bảo tồn hát then như mời các nghệ nhân về để dạy hát then, đàn tính cho học sinh.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình giảng dạy để đưa hát then vào các trường học. Đồng thời, tổ chức sưu tầm, tập hợp tư liệu, sách cổ về then đang lưu giữ trong nhân dân để dịch ra tiếng phổ thông làm tài liệu tuyên truyền… Những hoạt động tích cực này giúp cho di sản phi vật thể nói trên từng bước đáp ứng tiêu chí của UNESCO.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng: Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, vừa mô tả, vừa gửi gắm nhắn nhủ những ngọt bùi đắng cay của cuộc sống ông cha. Có thể thấy, trong then không chỉ các thể thơ dân tộc, mà còn cả những biện pháp thi pháp, tu từ, ẩn dụ... của nghệ thuật ngôn từ; tìm thấy những làn điệu của tầng dân ca, dân nhạc cổ xưa nhất; những điệu múa đã song hành với hát then không biết bao năm tháng. 


Trà Vân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm