Theo dõi Báo Thanh tra trên
TS Ngô Quốc Đông
Thứ sáu, 15/10/2021 - 15:42
(Thanh tra) - Thế kỷ X ghi dấu ấn trong lịch sử Việt Nam đầy những biến động và bất ổn. Từ năm 905 đến 1.009 có 5 vương triều thay nhau thiết lập quyền cai trị. Cụ thể là họ Khúc 20 năm, họ Dương 7 năm, Ngô Quyền 27 năm, nhà Đinh 12 năm, Tiền Lê 29 năm.
Ảnh: ITN/daibieunhandan
Những biến động thời đại này được tạo ra do cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các phe phái cát cứ gắn với những biến cố trong cung đình và từ cuộc xâm lăng của ngoại bang đem lại. Tất cả những biến động ấy nhằm thực hiện hai vấn đề của lịch sử suốt nghìn năm Bắc thuộc “cộng dồn” lại từ thế kỷ I đến thế kỷ X là: Độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia.
Rõ ràng trong suốt mấy chục năm đầu thế kỷ X, xu hướng cát cứ phân quyền luôn thắng thế. Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân đã khẳng định vị trí của xu hướng thống nhất tập quyền. Tuy nhiên từ triều Đinh cho đến Tiền Lê, sự tập quyền này chưa hoàn toàn ổn định. Chúng ta thấy rõ qua việc kinh đô nước Đại Cồ Việt đặt ở Hoa Lư - một địa điểm nặng về phòng thủ quân sự hơn hơn là tầm nhìn chiến lược về phát triển kinh tế văn hóa cho đất nước. Do đó chế độ tập quyền thời Đinh, Tiền Lê là một dạng “tập quyền quân sự” - tức dùng sức mạnh quân sự để “áp chế” cho ổn định vương triều và trật tự chính trị. Sự lựa chọn thiết chế chính trị cứng rắn như một giải pháp tình thế của nhà Đinh, Tiền Lê cộng với hệ thống pháp luật nghiêm khắc cuối cùng cũng dẫn tới sự đổ vỡ về mặt chính trị.
Sự việc được đánh dấu bằng sự kiện Lý Công Uẩn lên ngôi vua năm 1009, lập ra vương triều Lý. Đây là thời kỳ Phật giáo có một vị thế đặc biệt.
Việc thuyên chuyển quyền lực và triều đại trên gắn với một vị sư rất nổi tiếng, thiền sư Vạn Hạnh.
Vậy tại sao nhà Lý lại chọn Phật giáo làm giá trị tinh thần chủ đạo của vương triều bên cạnh đó vẫn tôn trọng Nho, Đạo? Chúng ta cùng xem xét nguồn gốc vấn đề:
1. Phật giáo không chỉ đóng góp trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi mà còn có một bề dày thành tích với dân tộc từ các triều đại trước. Điều này vốn dĩ đã là một tiền lệ được triều Lý tôn trọng và phát huy.
Mặt khác, Phật giáo Việt Nam đến đầu thế kỷ XI đã là một thực thể tôn giáo lâu đời, là một tôn giáo “chủ lưu” cho đến thời điểm đó, lại luôn gắn bó với dân tộc. Quá khứ đó đã tạo ra những giá trị căn bản cho việc gắn “đạo” với “đời” (nhập thế) nổi trội trong 4 thế kỷ (từ X đến XIII). Về phương diện văn hóa tôn giáo, Phật giáo là một thành tố văn hóa quan trọng bậc nhất trong tâm thức tôn giáo người Việt.
2. Tuy Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ, thế nhưng Phật giáo Việt Nam không mất thời giờ vào tự biện siêu hình. Điều này cũng thật dễ hiểu.
Vì dân tộc Việt Nam không thể “mộng mơ” trước họa xâm lăng thường trực của phong kiến Trung Quốc, cho nên Phật giáo Việt Nam có đầu óc thực tiễn, và giúp cho các ông vua là Phật tử từ đời Lý đến đời Trần các giá trị thực tiễn đó để thường xuyên cảnh giác phòng bị, bảo vệ nền độc lập đất nước.
Từ nhà Đinh, Tiền Lê đến Lý, Phật giáo hướng đến việc giải quyết các sự việc không thuần túy lý luận hay siêu nghiệm mà hướng vào các việc cụ thể gần gũi với nhân dân, thiết thực với dân tộc. Thấy rất rõ điều này qua việc Phật giáo Lý đề cao khát vọng độc lập, hòa bình, một nhu cầu mà dân tộc Việt Nam đặt ra trong 1.000 năm dưới chế độ Bắc thuộc.
Phật giáo Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo và nền văn hóa Nho giáo của Trung Hoa, thế nhưng Phật giáo Việt Nam không tán thành quan điểm thiên mệnh (vua trị nước là theo ý trời), và cho rằng vua cai trị dân là theo ý dân, lấy ý muốn của dân làm ý muốn của vua, đồng thời nhà vua ở cương vị lãnh đạo phải thực hành đạo đức, vô ngã...
Rõ ràng đến thời Lý, Phật giáo Việt Nam đã kết thúc quá trình du nhập, khẳng định đường hướng và phong cách độc lập với những đóng góp to lớn cho dân tộc. Phong cách riêng của Phật giáo Việt Nam so với nguồn gốc xuất xứ rất rõ rệt ở việc Lý Thánh Tông (1054-1072) đã lập ra Thiền phái Thảo Đường.
Theo một số tác giả thì Thảo Đường là một dạng Phật giáo tổng hợp dụng hợp cả thiền, tịnh, Nho, Lão. Bản thân Lê Thánh Tông cũng chủ trương nền văn hóa Đại Việt có mặt của cả Nho, Lão. Chính vì vậy mà Thiền phái Thảo Đường ra đời, một hệ tư tưởng tổng quát, phù hợp với thực tiễn xã hội lúc bấy giờ. Thảo Đường có sự chắt lọc của cả Phật giáo từ Trung Hoa, Ấn Độ, văn hóa Chiêm Thành và văn hóa Đại Việt, trong đó văn hóa Đại Việt là hạt nhân nòng cốt.
3. Khác với thời Đinh, Tiền Lê, thời Lý chính thức khẳng định sự tự tin của chủ quyền và vương quyền trước các thế lực cát cứ và ngoại xâm. Sự kiện rời đô, di chuyển nội các triều đình từ Hoa Lư về Đại La (sau mới đổi thành Thăng Long) vào năm 1.010 nói rõ điều này.
Rời đô có ý nghĩa rằng nước Đại Việt (đầu Lý mới đổi thành Đại việt) đã trưởng thành về lực lượng, nhận thức, tầm nhìn quản lý đất nước và trách nhiệm với dân tộc. Với sự tự tin đó thì, mô hình thiết chế “chính trị - hành chính” mà triều Lý lựa chọn không phải là “tập quyền quân sự” mà là một thiết chế “tập quyền thân dân.” Mô hình này hoàn toàn phù hợp khi sự “phong kiến hóa” phỏng theo theo mô hình Trung Hoa chưa sâu sắc vào thời Lý, khi đó vai trò của Nho sĩ chưa mạnh. Điều quan trọng là với mô hình “tập quyền thân dân” thì các giá trị tư tưởng và nền tảng triết học Phật giáo có tính tương hỗ rất lớn cho việc quản lý đất nước.
Trước đó, thời Đinh, Tiền Lê, sự “áp chế” bằng quân sự, và sự hà khắc của luật pháp để giữ ổn định chính trị và vương quyền đã tạo ra một “sức căng” của các xung đột chính trị. Vào thời Lý các vua đã không làm vậy. Sự chọn lựa “khoan thư sức dân” và tìm kiếm sự đồng thuận của các hiệu ứng xã hội từ phía nhân dân đã giúp cho nhà Lý duy trì được vương quyền hơn hai trăm năm với sự kế tục của 9 đời vua. Nhìn chung đó là cách trị nước dựa vào “đức trị” và đi vào “lòng dân”.
Trong một đường hướng chính trị như vậy, Phật giáo với các thuyết của Tứ diệu đế, Bát chính đạo, đặc biệt Phật giáo kết hợp với các tín ngưỡng dân gian và Nho, Đạo đã tạo ra một trạng thái xã hội hài hòa và ổn định. Đây cũng chính là những lý do mà Phật giáo thời Lý được xem trọng như là một hệ thống “giá trị giường cột” cho vương triều, là điểm tựa chính thức về mặt tinh thần.
Thật vậy! Các vua thời Lý thường lấy đức trị dân và giáo hóa dân theo tinh thần Phật giáo. Chúng ta nghe vua Lý Thánh Tông nói với thần dân lúc mùa Đông giá rét: “Ta ở trong thâm cung, sưởi lò than thú, mặc áo hồ cừu mà khí lạnh còn như thế này, huống hồ những kẻ bị giam trong ngục, xiềng xích khổ sở, ngay gian chưa định, bụng không cơm no, thân không áo ấm, một khi gặp cơn gió lạnh thổi vào, há chẳng bị chết mà nguyên là vô tội ư? Ta rất lấy làm thương xót”.
Vua sai Hữu Ti đem chăn chiếu trong kho vua ban cho tù nhân và mỗi ngày cho ăn hai bữa cơm. Vua ban cho trong nước một nửa số tiền thuế năm đó. Nhờ ảnh hưởng Phật giáo nên thời Lý có nhiều vị vua nhân từ rất mực, nhưng không kém vẻ hào hùng. Vì thế, quốc gia hưng thịnh, dân chúng an vui.
Mối tương quan Phật giáo và chính trị ở thời cực thịnh như thời Lý đầu thời Trần hoàn toàn khác với tương tranh thần quyền và thế quyền tại Châu Âu thời trung cổ. Người ta không thấy đấu tranh chính trị - tôn giáo mà trái lại dường như tất cả tôn giáo và các hệ tư tưởng khác đã kết hợp với nhau trong tinh thần khoan dung và đều ảnh hưởng ít nhiều đến sự cường thịnh của quốc gia. Đây là một nét đặc biệt trong sự liên hệ tôn giáo và chính trị Việt Nam thời Lý khi tham chiếu với Châu Âu trung cổ cùng tương đồng về mặt lịch đại.
Mối liên hệ Phật giáo và chính trị thời Lý tuy có đầy đủ hình thức ưu thế của tôn giáo đối với chính trị nhưng trong thực tế đặc tính của mối liên hệ ấy cho thấy không có sự lấn áp của tôn giáo đối với chính trị, mà trái lại đã dung hòa trong tinh thần hợp tác với chính quyền. Đó là điểm đặc biệt trong quan hệ tôn giáo và chính trị thời Lý. Có lẽ vì thế mà Đại Việt thời Lý, Phật giáo đã đạt tới sự thịnh vượng. Nhìn chung Phật giáo và vương quyền cùng phát triển và đạt tới sự hài hòa.
Phật giáo, một nhân tố đặc biệt quan trọng như chất keo để đoàn kết dân tộc. Nhìn chung từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII, Phật giáo Việt Nam cộng với chủ nghĩa yêu nước và khát vọng độc lập, hòa bình đã hòa trộn vào nhau tạo ra một quốc gia Đại Việt thời Lý ổn định phát triển.
Phật giáo thời Lý đã luôn có mặt trong guồng máy chính quyền để tiếp sức xây dựng đất nước, bảo vệ quê hương. Sự có mặt của Phật giáo chẳng những giúp cho vua chúa một đường lối chính trị sáng suốt, mà còn hướng dẫn dân tộc tiến cao trên con đường nhân văn, đạo đức. Thời Lý, sự vẻ vang, oai hùng của đất nước gắn liền với sự hưng thịnh của Phật giáo. Phật giáo Lý phát triển trên tinh thần yêu nước và ý thức tự hào dân tộc.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.
Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024TC
23:39 09/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC