Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đọc sách hôm nay, ngày mai vững bước!

Hồng Hoa

Thứ tư, 27/04/2022 - 07:00

(Thanh tra) - Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2022, Khoa Xuất bản đã tổ chức thành công buổi tọa đàm với chủ đề “Sách cho ngày mai” tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Các diễn giả chia sẻ những câu chuyện thực tiễn sống động về nghề làm sách

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hoá đọc 2022 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Toạ đàm “Sách cho ngày mai” là điểm nhấn ấn tượng của Khoa Xuất bản, cũng là hoạt động ý nghĩa hướng đến chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập khoa.

Toạ đàm nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; nâng cao nhận thức về văn hoá đọc, khơi dậy lòng ham mê đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang - Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã khẳng định vai trò và giá trị của việc đọc sách, nhấn mạnh “sách là kho báu” để tạo nên thành công cho mỗi người.

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang tin tưởng “với sự tham gia của các khách mời là những nhà quản lý, những chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, toạ đàm sẽ mang lại những thông tin thiết thực về hướng đi của ngành Xuất bản trong tương lai, nâng cao hiểu biết và trách nhiệm trong việc chung tay xây dựng một cộng đồng đọc sách và xã hội học tập bền vững”.

Toạ đàm đã được diễn ra với 2 phần chính.

Phần một tập trung vào chủ đề “Câu chuyện về nghề làm sách”. Các diễn giả đã cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về nghề, nêu quan niệm của mình về một cuốn sách hay, chỉ ra những xu hướng mới của xuất bản hiện đại hay bàn luận các vấn đề xoay quanh bản quyền, truyền thông trong xuất bản…

Nếu như ông Vũ Trọng Đại - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần sách Omega+ và ông Đặng Cao Cường - Trưởng ban Biên tập truyện tranh, Nhà xuất bản Kim Đồng - có những diễn giải rất thú vị về quy trình làm nên một cuốn sách thì ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - lại bày tỏ những quan điểm sâu sắc về cách nhìn nhận giá trị đích thực của sách: “Giá trị thương mại của một cuốn sách có thể cần thời gian để thẩm thấu, nhưng giá trị và ý nghĩa thực sự của nó thì sẽ mãi mãi không thay đổi”.

TS Vũ Thuỳ Dương - Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - khi được hỏi về “vai trò của truyền thông trong xuất bản” đã nhấn mạnh, để một cuốn sách đến tay bạn đọc, không thể bỏ qua khâu truyền thông và phát hành sách.

Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn cập nhật và cung cấp những tri thức hiện đại, thiết thực cho sinh viên, góp phần đào tạo nguồn nhân lực tinh hoa cho thị trường xuất bản của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các khách mời cũng thẳng thắn phân tích những khó khăn của ngành Xuất bản nói chung, của từng đơn vị xuất bản khi phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Sự thách thức của hoàn cảnh, áp lực phải thay đổi để vươn lên, những nhu cầu mới của thị trường và người đọc… đều trở thành động lực để các nhà xuất bản và các công ty sách chuyển mình mạnh mẽ.

Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng Khoa Xuất bản

Phần hai có chủ đề “Góc nhìn Xuất bản”. Các khách mời đã cùng nhìn lại chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển của Khoa Xuất bản, về những thành tựu đã đạt được và định hướng mới cho tương lai.

Là người đứng đầu một đơn vị đã nhiều năm đạt được giải thưởng sách quốc gia, ông Vũ Trọng Đại chia sẻ những bí quyết để làm ra một cuốn sách hay và có giá trị cao, kêu gọi các bạn sinh viên hãy chủ động hơn, lăn xả hơn để có được cơ hội làm việc trong đơn vị của mình.

Ông Đặng Cao Cường, cựu sinh viên Khoa Xuất bản, khẳng định rằng chương trình học tập của khoa đã và đang bám rất sát với thực tiễn xuất bản hiện nay, từ đó nhắn nhủ với các em sinh viên: “Nếu ta quyết tâm, ta sẽ thực hiện được đam mê của mình”.

Những câu chuyện khi bước chân vào nghề và khi làm nghề của các diễn giả đã thực sự thu hút các bạn sinh viên trong toạ đàm, tạo động lực và truyền cảm hứng mạnh mẽ để sinh viên Khoa Xuất bản tự tin học tập và rèn luyện, có mục tiêu rõ ràng hơn và xác định được cách thức để đạt được mục tiêu ấy.

Sinh viên Khoa Xuất bản nhận quà tặng từ diễn giả Đặng Cao Cường

Ngoài ra, các vị khách mời cũng không quên dành lời khen cho những gương mặt sinh viên xuất sắc của Khoa Xuất bản hiện đang công tác tại các đơn vị khác nhau.

TS Vũ Thùy Dương cũng nhấn mạnh những tố chất cần có của một sinh viên để trở thành “người làm sách chân chính” cũng như gửi những lời động viên đến các bạn trẻ để các bạn nỗ lực hơn trong những chặng đường tiếp theo.

Sinh viên Khoa Xuất bản sôi nổi tham gia buổi toạ đàm

Với vốn hiểu biết sâu rộng và cách chia sẻ gần gũi, chân thành, các khách mời đã mang đến cho toạ đàm những góc nhìn và nhận định quý giá về chuyện nghề, chuyện đời.

Cuối chương trình, khán giả đã được giao lưu, nêu câu hỏi để được các vị diễn giả giải đáp những thắc mắc xoay quanh nghề làm sách, được nhận những món quà ý nghĩa và khó quên từ các đơn vị xuất bản.

Toạ đàm “Sách cho ngày mai” đã diễn ra thành công tốt đẹp và khép lại với những dư âm đáng nhớ.

Toạ đàm không chỉ mang đến những kiến thức chuyên ngành bổ ích mà còn gợi mở thêm nhiều kĩ năng cần thiết cho các bạn trẻ trong học tập và định hướng nghề nghiệp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm