Theo dõi Báo Thanh tra trên
Công Nhật
Thứ sáu, 29/04/2022 - 13:28
(Thanh tra) - Di tích “Căn cứ Khu uỷ miền Đông Nam bộ - Chiến khu Đ” (1962-1967) thuộc địa phận Phân trường 6, Lâm trường Hiếu Liêm, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu, cách TP Biên Hoà 70km, được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia ngày 29/11/1997. Di tích toạ lạc giữa đỉnh đồi đất sỏi bằng phẳng, độ dốc thoai thoải, diện tích 28ha, độ cao 20m so với bề mặt suối Linh, được bao phủ bởi rừng cây dày đặc, chằng chịt dây rừng.
Di tích “Căn cứ Khu uỷ miền Đông Nam bộ - Chiến khu Đ” (1962-1967) thuộc địa phận Phân trường 6, Lâm trường Hiếu Liêm, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu; nay thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Di tích huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: Công Nhật
Hơn 60 năm bề dày lịch sử
Sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, ngày 23/1/1961, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa III) đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam bộ. Trung ương Cục miền Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương do Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là Bí thư Trung ương Cục. Để tăng cường sự lãnh đạo đối với từng địa bàn, tháng 2/1961, tại suối Linh (Chiến khu Đ), Khu ủy Đông Nam bộ (Khu ủy miền Đông) cũng chính thức được thành lập. Đồng chí Mai Chí Thọ giữ chức Bí thư Khu ủy...
Chiến khu Đ là căn cứ địa quan trọng của miền Đông Nam bộ, là hiện thân của tinh thần “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, là nơi che giấu, nuôi dưỡng, rèn luyện các lực lượng cách mạng. Từ Chiến khu Đ có thể liên lạc với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, với chiến trường Nam Trung bộ và chiến trường Tây Nguyên. Cùng với các căn cứ Bắc Tây Ninh, Củ Chi... tạo thế áp sát các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn.
Từ căn cứ địa này, trong giai đoạn 1962 - 1967, Khu ủy miền Đông, Bộ Tư lệnh Quân khu đã lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang phối hợp với quân chủ lực miền làm nên những chiến thắng vang dội như tiến công diệt một loạt đồn bốt địch nằm sâu trong chiến khu như đồn Bàu Cá Trê, chi khu Hiếu Liêm, đồn Cây Gáo, đồn Trị An; mở chiến dịch Bình Giã (2/12/1964 - 3/1/1965) thắng lợi, sau đó mở chiến dịch Đồng Xoài (đường 14) tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đây cũng là nơi sản sinh cách đánh đặc công, để từ đó hình thành nên bộ đội đặc công, phát triển kỹ thuật đánh đặc công ra cả nước…
Bảo tồn, tôn tạo và phát triển giá trị khu di tích
Trải qua hai cuộc kháng chiến, Chiến khu Đ tuy có nhiều thay đổi, nhưng đã đi vào lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại chiến khu và cả với những người chưa một lần đặt chân tới. Chiến khu Đ với những nội dung lịch sử và những bài học lớn đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Để tái tạo một Chiến khu Đ lịch sử, bảo tồn một căn cứ kháng chiến tầm cỡ làm nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ Việt Nam, cũng như tạo điều kiện cho việc nghiên cứu khoa học lịch sử, văn hóa nghệ thuật… ngày 26/7/1996, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng khu di tích lịch sử và khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Chiến khu Đ. Ban Chỉ đạo gồm các đồng chí Nguyễn Trùng Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Nam Ngữ - Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin - Thể thao, Trần Đình Thành - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh còn ra quyết định thành lập Ban Tư vấn chỉ đạo xây dựng khu di tích lịch sử để giúp Ban Chỉ đạo xác định địa điểm, xây dựng phương án và triển khai thực hiện sưu tầm tài liệu, hiện vật để phục vụ cho việc phục hồi, tái tạo khu di tích quan trọng này. Trung tướng Phan Trung Kiên, nguyên Tư lệnh Quân khu 7 (nay là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng); đồng chí Lê Hoàng Quân, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai; Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước; Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Ngô Bá Cao, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Biên Hoà… cũng đã đi khảo sát thực địa và góp ý chỉ đạo xây dựng công trình di tích lịch sử Chiến khu Đ.
Trải qua hơn 60 năm lịch sử hình thành và phát triển, Căn cứ Khu uỷ miền Đông Nam bộ - Chiến khu Đ, hiện tại gần như nằm hoàn toàn trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai. Khu bảo tồn được thành lập đầu năm 2004, là đơn vị sự nghiệp khoa học có thu trực thuộc UBND tỉnh Đồng Nai, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng và di sản văn hoá của Việt Nam. Khu bảo tồn được thành lập với mục tiêu khôi phục lại sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng cây tự nhiên bản địa thuộc lưu vực sông Đồng Nai và vùng miền Đông Nam bộ; tạo ra phạm vi bảo tồn thiên nhiên rộng lớn nối liền với Vườn Quốc gia Cát Tiên, bảo tồn nơi cư trú và di trú cho các loài động vật hoang dã, phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của các di tích, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng và phát triển du lịch sinh thái, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư với các tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo điều kiện thuận lợi để đăng ký khu bảo tồn thành khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Tổng diện tích tự nhiên của khu bảo tồn là trên 100.303ha, gồm 67.903ha đất lâm nghiệp và 32.400ha mặt nước (hồ Trị An). Khu bảo tồn nằm trên địa bàn các xã Phú Lý, Mã Đà, Hiếu Liêm, thị trấn Vĩnh An thuộc huyện Vĩnh Cửu; xã Thanh Sơn thuộc huyện Tân Phú; xã Phú Cường, Phú Ngọc, La Ngà và Ngọc Định thuộc huyện Định Quán; xã Thanh Bình thuộc huyện Trảng Bom; xã Gia Tân thuộc huyện Thống Nhất - tỉnh Đồng Nai. Khu bảo tồn nằm về phía Bắc tỉnh Đồng Nai; phía Tây giáp tỉnh Bình Dương; phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước; cách TP Hồ Chí Minh 70km và cách TP Biên Hòa khoảng 40km (nằm cạnh Nhà máy Thủy điện Trị An).
Bên cạnh giá trị về đa dạng sinh học, trước đây còn là vùng căn cứ cách mạng với địa danh nổi tiếng Chiến khu Đ. Đây là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Có hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng miền Đông Nam bộ, là nơi sinh sống của nhiều loại động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng nằm trong sách Đỏ Việt Nam và danh lục Đỏ IUCN thế giới.
Theo kết quả điều tra của Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam bộ, Viện Sinh thái - Tài nguyên Sinh vật và Viện Nghiên cứu - Nuôi trồng Thuỷ sản II (2008-2009), hệ sinh thái tại khu bảo tồn rất đa dạng về chủng loại và nhiều số lượng cá thể, bao gồm 1.401 loài thực vật, trong đó có 6 loài thực vật đặc hữu của Đồng Nai (cù đèn Đồng Nai, lát hoa Đồng Nai, ngâu Biên Hoà, bướm bạc Biên Hoà, Hạ Đệ, xú hương Biên Hoà), 2 loài quý hiếm là cây vấp, thông tre và 103 loài cây dược liệu; 1.729 loài động vật, trong đó nhiều loài được ghi vào sách đỏ Việt Nam (báo gấm, gấu chó, bò tót, chà vá chân đen, gà so cổ hung…); 85 loài thú, trong đó có nhiều loài quý hiếm đặc hữu và được ghi vào danh lục đỏ IUCN; 259 loài chim; 64 loài bò sát; 33 loài ếch nhái; 99 loài cá; 1.189 loài côn trùng…
Sự đa dạng sinh học và những tiềm năng của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai - nơi đang giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và thiên nhiên; bảo tồn, phát huy các giá trị vốn có, khai thác lợi thế và tiềm năng của du lịch huyện Vĩnh Cửu nói riêng, du lịch Đồng Nai nói chung.
Theo quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030, huyện Vĩnh Cửu nằm trong vùng du lịch sinh thái thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu cùng với các khu, điểm du lịch: Vườn Quốc gia Cát Tiên, suối Mơ, ca cao Trọng Đức, thác Mai - hồ nước nóng, đá 3 chồng, Cao Minh, thác Giang Điền, đảo Ó - Đồng Trường, thác Reo… So với các vùng du lịch khác trong và ngoài tỉnh, vùng du lịch này có những đặc trưng rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái.
Một thế mạnh nữa, du lịch huyện Vĩnh Cửu không những phong phú về loại hình du lịch sinh thái rừng mà còn đa dạng về du lịch sông nước, thác, hồ như hồ Bà Hào với diện tích 400ha, ẩn mình bên khu rừng tự nhiên, hoang sơ, thơ mộng; thác Ràng - điểm đến tuyệt vời cho du khách yêu thích thiên nhiên, khám phá; công viên đá và đặc biệt Hồ Trị An được công nhận là khu du lịch quốc gia, thích hợp cho các loại hình du lịch hồ gắn liền với các hoạt động du lịch trên các đảo lớn nhỏ khác nhau.
Điểm Du lịch Vườn - Làng bưởi 5 Huệ ở xã Tân Bình có nét nổi bật gần gũi với du lịch của miền Tây sông nước, lại đậm nét đặc trưng của miền Đông Nam bộ với các đặc sản được chế biến từ bưởi và đã trở thành một điểm đến thân quen của nhiều du khách. Do đó, đây cũng là một trong những thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái ở Vĩnh Cửu mà trong quá trình phát triển sẽ trở thành một lợi thế cạnh tranh đáng kể.
Việc khôi phục tái tạo di tích căn cứ Chiến khu Đ, kết hợp với du lịch sinh thái rộng lớn, được đầu tư rất lớn của tỉnh Đồng Nai và chia thành nhiều giai đoạn, sẽ đem lại những lợi ích thiết thực về lịch sử, văn hóa và kinh tế vùng Chiến khu Đ, góp phần tôn vinh truyền thống vẻ vang của một vùng đất sáng ngời chiến công, đã từng là “Việt Bắc” của miền Đông Nam bộ anh hùng.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong xã hội hiện nay. Song song với sự phát triển về đời sống vật chất thì nhu cầu về tinh thần của con người được đề cao hơn. Vì nhu cầu về đời sống tinh thần là vô hạn nên mở ra dư địa lớn để làm CNVH. Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, là một bước tiến lớn để nâng cao nhận thức về ngành CNVH, khuyến khích các doanh nghiệp và xã hội cùng làm CNVH.
Thái Hải
21:03 21/11/2024(Thanh tra) - Hướng đến Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11/2024), ngày 21/11, tại Bảo tàng Bình Định diễn ra Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận bảo vật quốc gia hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn và giới thiệu các bảo vật quốc gia tỉnh Bình Định.
N. Phê - L. Bình
16:20 21/11/2024Hương Trà
14:31 19/11/2024Trọng Tài
08:49 19/11/2024Thanh Giang
20:29 18/11/2024Trần Kiên
08:47 17/11/2024Phương Anh
Công Thắng - Bạch Vân
Kim Thành
Phương Anh
Thái Hải
Trần Quý
Nam Dũng
Lê Phương
Hoàng Nam