Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Để mùa lễ hội Xuân diễn ra an toàn, văn minh

Thái Hải

Thứ tư, 08/01/2025 - 22:08

(Thanh tra) - Chỉ còn hơn ba tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2025. Theo thông lệ, cứ mỗi độ Xuân về, là thời điểm bắt đầu các mùa lễ hội, người dân không chỉ hòa mình vào không khí Tết, mà còn chuẩn bị cho các cuộc du Xuân bằng việc tham gia các hoạt động lễ, hội của năm mới.

Nâng cao nhận thức cho người dân để lan tỏa những điểm tích cực, bảo đảm lễ hội thực sự an toàn, lành mạnh, văn minh, gìn giữ được nét văn hóa truyền thống. Ảnh: I.T

Thế nhưng làm thế nào để lễ hội không bị thương mại hóa, thực sự là hoạt động văn hóa cộng đồng văn minh, an toàn, tiết kiệm là câu hỏi của các cấp ngành, địa phương trước mỗi mùa lễ, hội và đòi hỏi cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành đặc biệt là người dân.

Theo Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), những năm trở lại đây, nhìn chung, công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở các địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, tính văn minh tại nơi thờ tự được nâng cao; không gian lễ hội được bảo đảm sạch đẹp, an toàn; các yếu tố truyền thống được bảo tồn, giữ gìn có hiệu quả; người dân và du khách cơ bản chấp hành tốt hơn các quy định… 

Đặc biệt, với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý cao nhất là Bộ VHTTDL và các đơn vị chức năng, ban quản lý lễ hội, những biến tướng ở lễ hội có chiều hướng giảm mạnh, góp phần đưa hoạt động lễ hội và nhu cầu đi lễ đầu năm của người dân dần trở về với những giá trị văn hóa truyền thống vốn có.

Các hoạt động mê tín, dị đoan như: Bói toán, xóc thẻ; tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phẩm cấm lưu hành; tổ chức trò chơi có tính chất cá cược, đánh bạc trá hình; ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… đã giảm hẳn. Hầu hết các lễ hội đã đi vào nền nếp, tổ chức theo hướng thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực, việc tổ chức một số lễ hội có lúc, có nơi còn những hạn chế nhất định. Nạn trộm cắp tài sản lại gia tăng gây hoang mang, lo lắng và mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm giảm sút các giá trị truyền thống của lễ hội.

Các chuyên gia về văn hóa nhấn mạnh, sự nghiệp đổi mới đã xây dựng được một nền tảng kinh tế nhất định để phục hưng các lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, kinh tế thị trường phát triển cũng khiến tâm lý xã hội nghiêng về ganh đua và chạy theo các giá trị vật chất. Điều đó cũng dần len lỏi vào việc tổ chức lễ hội khi mục tiêu thương mại được ưu tiên hàng đầu, không chỉ tạo nên sự phản cảm về tâm lý mà còn bào mòn các giá trị văn hóa, tinh thần của lễ hội truyền thống.

Đồng thời, các lễ hội ngày nay tăng lên rất nhiều, nhiều địa phương, cộng đồng lạm dụng, phục dựng lễ hội một cách ồ ạt, tổ chức lễ hội nghiêng về giá trị thương mại, những hoạt động như "buôn thần, bán thánh" vẫn còn.

Chính quyền và người dân một số địa phương xem lễ hội như một công cụ kiếm tiền nên đua nhau "nâng cấp" lễ hội, từ làng xã thành cấp vùng miền, tỉnh thành, càng hoành tráng, thu hút càng nhiều du khách càng tốt, với danh nghĩa khai thác nguồn lực của lễ hội. Ở một số lễ hội có hiện tượng thái quá, biến thành ngụy tạo truyền thống, làm mất đi bản sắc dân tộc…

Mới đây, Bộ VHTTDL đã ban hành Công văn số 5672/BVHTTDL-VP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025.

Theo đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tại địa phương triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động lễ hội trên địa bàn; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp quản lý.

Chỉ đạo các đơn vị chức năng, các cấp chính quyền cơ sở xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn sông nước đối với hoạt động lễ hội, thể thao, du lịch.

Đảm bảo hoạt động lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của những tiêu cực này chủ yếu là do người dân thiếu kiến thức, hiểu biết đầy đủ về di sản văn hóa, các nhân vật được thờ phụng. Nhiều người cầu Phật phù hộ cho tài lộc, may mắn, nhưng bản chất của giáo lý nhà Phật là giác ngộ, gạt bỏ mọi "tham, sân, si". Nhiều người vay tiền đầu năm, trả lễ cuối năm, thậm chí "hối lộ thần thánh"… nhưng bản chất đó là cầu lợi cho bản thân, không phải ý nghĩa đích thực của việc tham gia lễ hội… 

Để lan tỏa những điểm tích cực, bảo đảm lễ hội thực sự an toàn, lành mạnh, văn minh, gìn giữ được nét văn hóa truyền thống, các chuyên gia văn hoá cho rằng, trước tiên cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông và dư luận xã hội trong việc phê phán những hiện tượng tiêu cực, biểu dương những khía cạnh tích cực. 

Tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, song song với đẩy mạnh vai trò "tự quản" của cộng đồng, phát huy hơn nữa ý thức, trách nhiệm của các ban tổ chức lễ hội, ban quản lý các di tích để kịp thời xử lý, điều chỉnh những lệch lạc, biến tướng trong lễ hội.

Ngoài các biện pháp giáo dục và quản lý hành chính, cần sử dụng cả các chế tài pháp luật xử lý nghiêm vi phạm, nhất là những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực; lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; quảng bá các hoạt động mê tín dị đoan, "buôn thần, bán thánh" trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giới thiệu 300 hình ảnh tại triển lãm "Đảng ta thật là vĩ đại" và "Hội Xuân Ất Tỵ 2025"

Giới thiệu 300 hình ảnh tại triển lãm "Đảng ta thật là vĩ đại" và "Hội Xuân Ất Tỵ 2025"

(Thanh tra) - Triển lãm "Đảng ta thật là vĩ đại" và "Hội Xuân Ất Tỵ 2025" do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp cùng UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), mừng xuân Ất Tỵ 2025 sẽ diễn ra từ ngày 15 - 21/1, tại Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc thành phố Thái Nguyên.

Thái Hải

10:09 09/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm