Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dân phá trước, Nhà nước giữ sau...

Thứ ba, 27/09/2011 - 16:10

(Thanh tra) - Đống Thếch là “thánh địa”, là đất “Mường ma” của dòng họ Đinh, dòng họ Quan Lang nổi tiếng vùng Mường Động, Kim Bôi (Hoà Bình). “Thánh địa” có hàng trăm ngôi mộ, hàng ngàn phiến đá lớn nhỏ dựng đứng tạo thành một rừng đá uy nghi trong một thung lũng, tồn tại hơn 300 năm. Tiếc thay, Đống Thếch bây giờ chỉ còn hơn chục ngôi mộ phục chế với vài chục phiến đá phơi mình giữa trời đất. Hơn thế, khu mộ cổ đã trở thành vườn mía, ruộng lạc của nhiều hộ dân Mường Động.

Những phiến đá còn sót được phục dựng lại quanh mộ

Bí ẩn “Mường ma”

Từ hàng trăm năm nay, Đống Thếch là nơi chôn cất những người quá cố trong dòng họ Đinh vùng Mường Động (1 trong 4 Mường lớn của tỉnh Hoà Bình). Theo Gia phả dòng họ Đinh  lưu truyền thì cách đây hơn 300 năm, Đinh Công Lệnh, Thổ Tù Mường Động đã khai lập ra dòng họ Đinh trên vùng đất này. Khi Thổ Tù Đinh Công Lệnh già yếu, con trai trưởng là Đinh Quý Khiêm kế nghiệp làm Thổ Tù Mường Động. Do có công phò Vua triều Lê, Đinh Quý Khiêm được Vua ban chức “Phụ quốc tướng quân Khiêm nghĩa hầu” coi sóc xứ Sơn Tây. Cha truyền con nối. Đời con, cháu, chắt, chít... của Đinh Công Lệnh kế nghiệp làm Thổ Tù vùng Mường Động.

Trong khu “thánh địa” họ Đinh, có mộ của những vị chức sắc thời Lý, Trần, Lê... như mộ Đinh Công Cương “Trịnh Nguyên soái”, “Phụ quốc thượng Tướng quân tước Uy lộc hầu, giữ chức Phiên thần”. Mộ Đinh Công Kỷ, một vị tướng tài thời Lê có công giúp Triều đình chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Triều chính (cuối thế kỷ XVI). Phụ thân Đinh Công Kỷ là Bạch Thị Thừa được phong tước Quận công. Khi chết, ông Kỷ được mai táng theo nghi lễ Tước hầu; quan tài làm bằng gỗ trám đen, sơn son thiếp vàng. Vua Lê đã ban lệnh cho quân sỹ vào vùng đất Thanh Hoá khai thác hàng chục phiến đá xanh, dùng voi kéo về Đống Thếch dựng xung quanh mộ ông Kỷ làm hòn mồ. Mộ ông Đinh Công Cương và ông Đinh Công Kỷ là hai ngôi mộ lớn nhất, uy nghi nhất trong khu “thánh địa”.

Trong khu mộ cổ, thay vào rừng cây Sở là ruộng mía tím, ruộng lạc.

Theo phong tục của người Mường xưa, khi người chết đều được chia tài sản như người sống. Vì họ cho rằng, người chết xuống đất cũng có cuộc sống như người trên trần. Đinh Mường Động là dòng họ quan lang, giàu có nhất vùng nên trong hàng trăm ngôi mộ, dưới lòng đất có biết bao của cải quý giá... Đặc biệt là những ngôi mộ của các vị chức sắc, Thổ Tù.

Năm 1984, Viện Khảo cổ học đã khai quật khu mộ cổ Đống Thếch, hiện vật thu được khá phong phú gồm: Tiền đồng (Trung Quốc thời Đường), đồ trang sức bằng bạc, trống đồng, lon sành, ấm men chạm trổ hoa lam, bát đĩa thời Lý, Trần, Lê. Tiếc rằng...     
               
Dân phá trước, Nhà nước giữ sau...


Cụ Đinh Công Dũng, đời hậu duệ thứ 21 của dòng họ Đinh Mường Động, người đang lưu giữ Gia phả dòng họ Đinh kể: Vào những năm 70 của thế kỷ 20, khu mộ Đống Thếch vẫn là nơi linh thiêng, là “thánh địa” bất khả xâm phạm của dòng họ Đinh Mường Động. Khu “thánh địa” nằm trong một thung lũng rợp bóng mát của rừng sở, tán rộng sum suê, mùa hè hoa nở trắng, toả hương thơm khắp vùng.

Quanh những ngôi mộ là hàng rào bằng đá nhọn cao quá tầm tay với. Mộ của người có chức sắc được dựng những phiến đá to, cao, trên phiến đá có khắc chữ Hán ghi ngày, tháng, năm sinh ngày, tháng, năm mất, tước hiệu.

Nhưng, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, “phong trào” đào đồ cổ rộ lên khắp vùng. Khu “thánh địa” của dòng họ Đinh Mường Động trở thành mục tiêu của những kẻ đào, buôn bán đồ cổ. Hàng chục ngôi mộ bị đào bới lật tung, những phiến đá xanh bao quanh mộ bị đào đổ ngổn ngang.

Nạn đào đồ cổ vừa lắng thì bà con lại kéo nhau ra đập những phiến đá (hòn mồ) để lát đường làng, làm mương, bai, có nhà còn làm bờ rào. Rừng sở cổ thụ, um tùm râm mát cũng bị chặt làm củi đun. Những phiến đá còn sót lại hôm nay là vì quá nặng, không đập được, không khênh được. Mấy năm nay, UBND xã Vĩnh Đồng còn cho dân thầu trồng mía tím, lạc. Năm 1984 thì khu mộ cổ Đống Thếch cơ bản… bị phá xong.
 
Năm 1984, các nhà khảo cổ và Viện Khảo cổ học Việt Nam trở lại khai quật khu mộ cổ Đống Thếch. Lúc này, “thánh địa” chỉ còn 17 ngôi mộ và khoảng 100 phiến đá. Các nhà khảo cổ phục dựng lại một số ngôi mộ, trong đó có 2 ngôi mộ lớn của ông Đinh Công Cương và ông Đinh Công Kỷ. Đến năm 1994, UBND tỉnh Hoà Bình mới ra quyết định về việc bảo tồn những di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, trong đó có khu mộ cổ Đống Thếch. Năm 1997, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận khu mộ cổ Đống Thếch là “Di tích cấp Quốc gia”. Và, 5 năm sau (2001) khi được xếp hạng, Bộ này cấp gần 122 triệu đồng để tu bổ, tôn tạo các hạng mục cơ sở hạ tầng như đường, tường rào, nhà bảo vệ.

Cuối tháng 9/2011, chúng tôi trở lại khu mộ cổ Đống Thếch. Con đường cấp phối từ quốc lộ 12B vào khu mộ cổ gần 1km um tùm cỏ dại, mặt đường lầy lội. Vào “thánh địa”, chẳng nhìn thấy ngôi mộ cổ nào, thay vào đó là mía tím, lạc. Những rãnh mía xanh rờn bao quanh, phủ kín mộ. Hai ngôi mộ chính của ông Đinh Công Cương và ông Đinh Công Kỷ cỏ mọc um tùm. Cả khu A và khu B còn trên 12 ngôi mộ lớn, nhỏ nằm rải rác trong ruộng màu, vườn mía tím. Cả trăm ngôi mộ cổ, cả ngàn phiến đá xanh ngày nào nay đã biến mất. Người dân ở đây nói rằng, nếu khu mộ được bảo vệ thì quý lắm. Đây sẽ là điểm đến tham quan, nghiên cứu của khách tứ phương.

Dòng họ Đinh Mường Động có một mong muốn là được đứng ra bảo vệ khu mộ cổ này để ngày tết, ngày giỗ tổ của dòng họ sẽ huy động con cháu trong Mường đem cây sở đến trồng, tạo dựng lại cảnh quan khu mộ xưa. Đã đến lúc chính quyền địa phương phải có biện pháp ngăn chặn các hộ dân trồng hoa màu trong khu Mộ cổ Đống Thếch, đừng biến Di tích cấp Quốc gia thành bãi đất màu.


Bài, ảnh: Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Thái Hải

20:29 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm