Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 24/06/2013 - 22:30
(Thanh tra) - Tại Quảng Ninh, Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh quy định về tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn thu tại các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn, theo đề xuất của Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết (giữa) điều hành hội nghị. Ảnh: Tuấn Kiệt
Tại buổi lấy ý kiến đóng góp cho bản dự thảo, hầu hết tăng, ni đại diện các chùa, tu viện trên địa bàn tỉnh không đồng tình với các chương, điều đề ra trong bản dự thảo. Bởi, việc thu nguồn công đức, tài trợ quyên góp, thu hoạt động, dịch vụ tín ngưỡng tôn giáo (như dự thảo nêu), đương nhiên không phải là các khoản tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước.
Các ý kiến viện dẫn, khi xây dựng dự thảo cần căn cứ vào Điều 70 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (đã sửa đổi, bổ sung năm 2001), Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo ngày 18/6/2004, Nghị định 92/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo quy định tại Điều 1, Điều 28 của Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo và Điều 33, Điều 36 Nghị định 92/2012/NĐ-CP.
Điều đáng nói, bản dự thảo quy định về việc thu tiền tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo từ các dịch vụ như: Giỗ Tổ, lễ Phật, bán khoán, cầu an… là không phù hợp với khoản 1 Điều 9 Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo. Còn tại khoản 2, điểm 2, Điều 6 dự thảo quy định các hiện vật giá trị như đồ thờ, tượng Phật, tượng Thánh, chuông đồng… cũng đều phải quy ra giá trị vật chất cụ thể để theo dõi trên sổ sách là không phù hợp, thiếu thực tế.
Tại hội nghị, Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Hạ Long băn khoăn: Tiền công đức là tiền thành tâm cúng dàng tự tâm tự nguyện của thập phương vì lý do tâm linh, nay người thuộc Ban quản lý di tích (người đời) đứng ra thu nhận, và quyết định việc thu chi thì thập phương sẽ không dâng cúng nữa hoặc có dâng cũng chỉ là tượng trưng “giọt dầu”. Thực tế, ngân sách Nhà nước đầu tư cho nhiều công trình di tích nhưng hiệu quả không cao, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Nay thành lập Ban Quản lý di tích do cơ quan Nhà nước quyết định với quá nhiều hoạt động mà cơ sở tôn giáo tín ngưỡng phải chi trả bằng tiền công đức như: điện nước, điện thoại của Ban Quản lý, phụ cấp, làm thêm giờ, tham quan học tập, bằng khen… không phù hợp với truyền thống tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam, không thể thực hiện được với những cơ sở còn khó khăn (chiếm tỷ lệ khá cao). Bên cạnh đó, vấn đề nguồn thu trong dự thảo cũng được đặt ra: Nếu do người làm tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện rồi nộp cho Ban Quản lý di tích thì vô hình chung biến các chức sắc, người làm chủ tâm linh thành người “làm công ăn lương”?
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh đánh giá: "Sau khi nghiên cứu bản dự thảo, tôi cho rằng việc quản lý, sử dụng nguồn thu tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cho hiệu quả là việc làm cần thiết, phù hợp với mong muốn chung của nhiều người. Dự thảo “Qui định về tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn thu tại các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn” cũng không nằm ngoài mục đích đó".
Tuy nhiên, bản dự thảo cũng đặt ra khá nhiều vấn đề nhạy cảm, từng được dư luận quan tâm trong thời gian qua. Cần nhắc lại, năm 2002, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) từng đưa đề xuất quản lý, sử dụng nguồn thu công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tại tỉnh. Nhưng đề xuất này không thành hiện thực vì không đủ căn cứ pháp lý và không nhận được sự đồng tình của xã hội. Ngay tại Quảng Ninh, năm 1998 đã xảy ra một sự việc: Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phải ban hành Quyết định số 51/KSTTPL về việc kháng nghị Văn bản số 924/UB ngày 14/8/1998 của UBND tỉnh Quảng Ninh: Chỉ đạo UBND phường Bạch Đằng đình chỉ quy định tạm thời của Ban quản lý di tích chùa Long Tiên vì vi phạm pháp luật. Đây là một bài học để rút kinh nghiệm.
Từ năm 2011 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu thực tế và đưa ra Dự thảo Thông tư liên tịch “Hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng tôn giáo” cũng có nội dung qui định quản lý, sử dụng tiền công đức. Ngay cả Dự thảo Thông tư này đến nay vẫn bị bỏ ngỏ, chưa được các ngành đồng thuận.
Ngày 12/6/2013, Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh về việc lấy ý kiến cho dự thảo quản lý tiền công đức trên địa bàn tỉnh.
Ngày 23/6, tại Quảng Ninh, thêm một lần nữa vấn đề này được mang ra bàn thảo.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho rằng, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phần lớn do công sức xây dựng của nhân dân có từ lâu đời, thực hiện chức năng tín ngưỡng, tôn giáo, sau đó mới có những sự kiện lịch sử hoặc cơ sở tín ngưỡng tôn giáo có cấu trúc đặc trưng được xem là biểu trưng văn hóa. Nhờ có sự độc đáo đó mà một số cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo ấy đã được Nhà nước xếp hạng di tích, xong các cơ sở đó vẫn thực hiện chức năng của mình chứ không phải được xếp hạng rồi lại mất chức năng tín ngưỡng, tôn giáo.
Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, sau khi được xếp hạng, được quản lý chặt chẽ theo qui định của pháp luật. Do đó, việc tu sửa, xây dựng phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, “hầu bao” của Nhà nước dành cho phục dựng các công trình di tích còn eo hẹp. Trong khi, phần lớn các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (kể cả cơ sở di tích) đã vận động được sức dân, thực hiện xã hội hóa nguồn kinh phí. Khi cơ sở được trùng tu, tôn tạo khang trang, thu hút đông đảo khách thập phương tới sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh và công đức đầu tư thì thường bị xem là thu, chi không kiểm soát được, đòi hỏi cần có sự điều chỉnh.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết nhấn mạnh: Với tín ngưỡng tâm linh, tiền dâng cúng rất thiêng liêng, ai sử dụng trái mục đích phải chịu nhân quả “của Phật lấy một đền mười”, triết lý đó đã đi sâu vào tiềm thức, bởi vậy tiền sử dụng trong tín ngưỡng tâm linh là hiệu quả rất cao, chứ không như câu “tiền chùa” mà một số người thường nói.
Hầu hết các ý kiến của Tăng, Ni, Phật tử chưa đồng thuận khi chỉ ra những bất cập của dự thảo như: Chưa phù hợp, không bám sát thực tế, nhà quản lý “ngồi trên trời” làm chính sách…
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh thừa nhận, tuy mới chỉ là dự thảo, nhưng do sơ suất của nhóm soạn thảo, chưa điều tra, thẩm định đúng chức năng, ý nghĩa và mục đích của việc quản lý tiền công đức. Ngay cả việc dùng câu chữ trong bản dự thảo chưa đúng với ngôn từ dùng trong đạo Phật; thậm chí trong dự thảo còn có cả 2 điều 7; một số đề xuất thu, chi tiền công đức không sát với thực tế cuộc sống tu hành của các Tăng, Ni.
Ông Minh cho rằng, trong những năm qua, đồng hành cùng Phật giáo cả nước, Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh đã huy động số tiền công đức hàng trăm tỷ đồng để trùng tu di tích như: Xây dựng chùa Đồng hơn 70 tỷ (2005), Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông hơn 100 tỷ (2013)… Đẩy mạnh công tác từ thiện nhân đạo, mỗi năm ủng hộ từ thiện hàng chục tỷ đồng như: xây nhà đại đoàn kết, ủng hộ các loại quỹ tại địa phương. Mỗi năm chùa Yên Tử cúng tiến tiền công đức hỗ trợ TP Uông Bí trong công tác tổ chức lễ hội (năm 2013 là 1,7 tỷ đồng), hỗ trợ Ban quản lý di tích hơn 1,2 tỷ đồng và rất nhiều chi phí hậu cần khác, trong lúc nguồn thu từ công đức chỉ khoảng hơn 20 tỷ đồng.
"Việc lấy ý kiến dự thảo quy định quản lý tiền công đức là để UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét. Đây mới chỉ là dự thảo, chưa có ý kiến kết luận. Chúng tôi xin ý kiến quý vị ban trị sự và hết sức cầu thị để tiếp thu những ý kiến đã tham gia đóng góp", ông Minh nhấn mạnh.
Ông Minh khẳng định, phía quản lý muốn đồng tiền đóng góp cho nhà chùa được sử dụng một cách thống nhất, công khai chứ không phải đưa ra cơ chế quản lý nào khác.
Trà Vân
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.
Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024TC
23:39 09/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC