Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bảo tồn văn hóa các dân tộc và hướng đến công nghiệp văn hóa

Thanh Hòa

Chủ nhật, 26/09/2021 - 16:25

(Thanh tra) - Khánh Hòa là tỉnh có bề dày lịch sử, văn hóa với 32 dân tộc anh em sinh sống: Kinh, Raglai, Êđê, Cơ Ho, Tày, Nùng, Mường, Thái, Chăm, Khmer... Đồng thời, Khánh Hòa có rất nhiều di tích, danh lam thắng cảnh và các loại hình nghệ thuật nổi tiếng, có giá trị đang được bảo tồn, nghiên cứu và phát huy cũng như hướng đến công nghiệp văn hóa.

Di tích Tháp Bà Ponagar thu hút rất đông du khách tới tham quan. Ảnh: Thanh Hòa

Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam, giáp với tỉnh Phú Yên về hướng Bắc, tỉnh Đắk Lắk về hướng Tây Bắc, tỉnh Lâm Đồng về hướng Tây Nam, tỉnh Ninh Thuận về hướng Nam và biển Đông về hướng Đông; có mũi Hòn Ðôi trên bán đảo Hòn Gốm huyện Vạn Ninh, là điểm cực Ðông trên đất liền của nước ta.

Dân số Khánh Hòa có khoảng hơn 1 triệu người với 32 dân tộc đang sinh sống (Kinh, Raglai, Hoa, Ê-đê, Cơ-ho, một nhóm nhỏ dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái, Chăm, Khmer, Thổ...) với đa dạng, đặc sắc về văn hóa.

Để các loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh không bị biến mất theo thời gian, ngành Văn hóa và các địa phương đã triển khai thực hiện hàng loạt đề án, kế hoạch, dự án, mô hình về bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS, nhất là đối với dân tộc Raglai, Ê-đê, Cơ-ho. Nhờ đó đến nay, hàng trăm bộ mã la, cồng chiêng, trống, ché, đồ dùng sinh hoạt… của đồng bào đã được gìn giữ trong nhà dân hoặc ở các nhà truyền thống.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) đã trang bị 81 bộ mã la cho 81 thôn, tổ dân phố trong tỉnh. Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được hơn 300 hiện vật có giá trị của đồng bào DTTS ở Khánh Hòa. Riêng tại huyện Khánh Sơn, hiện đang có 92 bộ mã la với 622 chiếc thuộc sở hữu của các gia đình, thôn xóm.

Toàn tỉnh cũng đã thực hiện việc kiểm kê, lập được 5.298 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh; lựa chọn 5 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào dân tộc đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó lễ bỏ mả của người Raglai đã được công nhận. Hàng trăm lượt cán bộ, công chức, viên chức được tham gia các lớp học dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Raglai. Có 4 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Các lễ hội lớn của đồng bào DTTS đều được tổ chức trang trọng, đúng với nghi lễ dân gian truyền thống. Các địa phương đều đã thành lập được những đội văn nghệ để biểu diễn các loại hình nghệ thuật của dân tộc mình.

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa: Đến nay, tỉnh có  trên 1.098 di tích và địa chỉ có dấu hiệu di tích, được phân bố đều khắp các thành phố, thị xã và huyện. Trong số các di tích và địa chỉ có dấu hiệu di tích nêu trên đã có 16 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và  trên 100 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

Di tích ở Khánh Hòa có nhiều thể loại: Di tích khảo cổ học; di tích lịch sử - cách mạng; di tích kiến trúc - nghệ thuật; di tích thắng cảnh... Trong đó đáng chú ý là hệ thống di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu như Am Chúa, Tháp Bà Ponagar; đền thờ những nhân vật lịch sử như: Trịnh Phong, Trần Đường, Trần Quý Cáp; di tích liên quan đến lịch sử phong kiến với Phủ đường Ninh Hòa, Thành cổ Diên Khánh. Ngoài ra, nhiều địa phương trong tỉnh còn lưu giữ được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo như: Hô hát bài chòi, hát văn múa bóng, hát bội, đờn ca tài tử...

Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Sở VHTT Khánh Hòa, cho biết: Địa phương có bề dày lịch sử văn hóa, đặc biệt là có rất nhiều di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị. Những năm gần đây, công tác bảo tồn phát huy giá trị các di tích, danh thắng thu hút du khách đến tham quan được các cấp chính quyền, đặc biệt là ngành Văn hóa tỉnh chú trọng, quan tâm.

Theo ông Nguyễn Thanh Hà, với nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng của địa phương hiện nay, nếu khai thác đúng hướng và hiệu quả trong thời gian tới sẽ tạo ra nguồn thu cho ngân sách rất lớn.

Thực tế cho thấy, thời gian qua trước khi có dịch Covid-19, chỉ tính riêng di tích quốc gia Tháp Bà Ponagar ở TP Nha Trang mỗi năm nguồn thu từ bán vé tham quan đạt hàng chục tỷ đồng. Nếu hàng loạt di tích ở Khánh Hòa đều được bảo tồn và khai thác hiệu quả như vậy thì sẽ tạo ra nguồn thu “khổng lồ”, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm và nguồn thu nhập cho nhiều lao động.

Hiện nay, công nghiệp văn hóa ở nước ta được xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Tuy nhiên, thế mạnh của Khánh Hòa chủ yếu tập trung ở 2 lĩnh vực: Nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa.

Trong định hướng phát triển ngành Văn hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng các công trình thiết chế văn hóa quan trọng gồm: Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa, Bảo tàng mới của tỉnh; đồng thời thực hiện việc tôn tạo, quy hoạch lại khu vực di tích Thành cổ Diên Khánh và di tích Am Chúa để xứng tầm di tích cấp quốc gia.

Một số hình ảnh về nét văn hóa đa dạng, đặc sắc của Khánh Hòa:

Di tích Thành cổ Diên Khánh cần trùng tu, phát huy giá trị trương xứng. Ảnh: Thanh Hòa

Di tích Tháp Bà Ponagar. Ảnh: Thanh Hòa

Bảo tồn nét văn hóa độc đáo của đồng bào DTTS Ảnh: Thanh Hòa

Lưu giữ nghề làm gốm Chăm ở Khánh Hòa Ảnh: Thanh Hòa

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm