Theo dõi Báo Thanh tra trên
Bài và ảnh: Trung Hiếu
Thứ hai, 25/10/2021 - 18:44
(Thanh tra) - Bà Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty CP Du lịch cộng đồng (DLCĐ) huyện Đà Bắc (Đà Bắc CBT) đã khẳng định như vậy. Và, sau 5 năm hoạt động (2017 - 2021), các điểm DLCĐ trên địa bàn huyện Đà Bắc đã chứng minh điều đó.
Đến bản Sưng, du khách được chiêm ngưỡng nghệ thuật thêu, dệt của người Dao Tiền. Nghề này được bảo tồn, phát triển qua nhiều thế hệ. Ảnh: TH
Đà Bắc có 3 điểm DLCĐ là: Xóm Ké, xã Hiền Lương, xóm Đá Bia. Xã Tiền Phong và bản Sưng, xã Cao Sơn. So với các điểm DLCĐ trên địa bàn tỉnh Hòa Binh, mô hình DLCĐ Đà Bắc thuộc diện “sinh sau, đẻ muộn”, nhưng sau hai năm đầu (2017 - 2018) hoạt động, điểm DLCĐ Đà Bắc đã tạo được uy tín, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Đến nay (2021), ba điểm DLCĐ ở Đà Bắc đã xây dựng được thương hiệu, là địa chỉ “đỏ” của các tour du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái; là nơi mà du khách “đã đến thì chẳng muốn đi. Đi rồi, mong ngày trở lại”.
Bà Đinh Thị Hảo cho biết: Năm 2014, tổ chức phi chính phủ Action on Poverty (AOP), Australia đã hỗ trợ xóm Đá Bia, xã Tiền Phong xây dựng điểm DLCĐ. Các hộ tham gia làm DLCĐ được AOP cho vay vốn, hướng dẫn sửa chữa nhà cửa, kỹ năng đón tiếp khách du lịch, bước đầu có 4 hộ làm homestay (du khách ăn, ngủ, nghỉ tại nhà dân). Nay, xóm Đá Bia đã có hơn 50 thành viên tham gia trực tiếp vào các nhóm, tổ dịch vụ phục vụ DLCĐ như: Đội múa, tổ hướng dẫn du khách tham quan, trải nghiệm, tổ thêu, dệt thổ cẩm, may trang phục dân tộc, đan lát, tổ chăn nuôi (gà, lợn bản), trồng trọt (rau xanh bản địa). Đây là lực lượng lao động gián tiếp nhưng góp phần quyết định hiệu quả của điểm DLCĐ và uy tín của các hộ làm homestay.
Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Xa Văn Thức, cho biết: Đá Bia là nơi sinh sống lâu đời của người dân tộc Mường Ao Tá. Du khách đến Đá Bia được trải nghiệm cuộc sống, phong tục tập quán của người dân bản địa, được thưởng thức những món ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc Mường Ao Tá, cùng gia đình homestay dùng bữa cơm hàng ngày. Mâm cơm chỉ có bát măng chua nấu cá tép suối, đĩa rau rừng đồ, măng đắng luộc chấm muối ớt, bữa tươi hơn thì có bát thịt gà rang gừng hoặc đĩa cá kho, canh rau sắng, rau dớn.
Nhiều vị khách ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, đã nói: Bữa cơm đạm bạc nhưng ấm cúng, ngon miệng, ăn một lần lại muốn ăn nhiều bữa nữa.
Đến Đá Bia, du khách còn được đi tắm suối, bơi bè mảng, leo núi, đi kéo vó, thả rọ tôm. Phụ nữ thì xem các bà dệt vải, thêu hoa văn trên thổ cẩm, được mặc váy, áo Mường ra máng nước vo gạo, rửa rau, vào bết đốt lửa nấu cơm, thái măng. Tối, giao lưu văn nghệ cùng dân bản, “mút” rượu cần, uống rượu hoãng. Đêm ngủ trên sàn bương, sàn ván ghép nghe gió từ mặt hồ thổi hun hút “cạy” ván vách lách vào nhà như tiếng nhạc rừng…
Thú vị nữa là, trên đường vào xóm Đá Bia còn có nhiều quán bán hàng “tự giác”. Hàng hóa như nải chuối, quả bưởi, đu đủ, mớ măng, mớ rau, măng khô, mật ong, cá nướng, trứng gà. Tất cả đều là sản phẩm “cây nhà lá vườn” của đồng bào. Sản phẩm được bày trên sạp nứa hoặc cái nong. Khách cần thứ gì tự xem giá ghi trên vách rồi bỏ tiền vào ớp treo trên cột. Phong tục này có từ xa xưa, một văn hóa độc đáo chỉ có người Mường Ao Tá mới có, được bảo tồn và phát triển, đây cũng là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Năm 2019, điểm DLCĐ xóm Đá Bia là một trong 3 mô hình DLCĐ cả nước được Tổng cục Du lịch Việt Nam trao Giải thưởng ASEAN về DLCĐ.
Đến điểm DLCĐ bản Sưng, xã Cao Sơn, chúng tôi thật sự bất ngờ trước vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, núi non hùng vĩ với cánh rừng nguyên sinh trải dài trên độ cao hơn 1.000 mét so với mặt nước biển, bao quanh bản Sưng, che chắn mưa ngàn, gió núi cho 75 nóc nhà người Dao Tiền nơi lưng núi.
Chị Lý Sao Mai, điều phối viên Đà Bắc CBT cho biết: Bản Sưng còn giữ được gần như nguyên vẹn nếp sống, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của người dân tộc Dao Tiền Đà Bắc, từ ngôn ngữ, trang phục đến nếp nhà, ẩm thực, các nghề thủ công như: Xe tơ, dệt vải, thêu thùa, đan lát chưa bị mai một.
Ông Lý Hồng Minh, bản Sưng lý giải: Không phải người bản Sưng không đủ tiền làm nhà xây kiên cố, mà cái chính là người bản Sưng đồng lòng giữ lại nếp nhà truyền thống của người Dao Tiền từ bao đời cha ông tạo dựng, truyền lại. Cũng như việc bảo tồn trang phục, phụ nữ bản Sưng đủ điều kiện may, mặc những bộ váy áo theo phong cách trang phục của người dân tộc kinh. Nhưng không, ngay từ khi sinh ra, từ cái tá lót, cái khăn, cái chăn, cái đệm sau là cái váy, cái áo đều làm bằng vải bông do người nhà dệt, may. Như vậy du khách khách xa, gần khi bước chân vào bản, họ đều nhận ra: Đây là bản người Dao Tiền chứ không phải xóm Mường Đá Bia, Tiền Phong hay xóm Ké, xóm Doi, xã Hiền Lương.
Nét văn hóa đặc sắc nhất của người Dao Tiền là các lễ hội: Lễ lập tĩnh (đặt tên cho con trai); lễ đám chay (do trưởng họ đứng ra làm), lễ này diễn ra từ 6 - 7 ngày; lễ nhảy, diễn ra 2 - 3 ngày; lễ háng chộm đàn (lễ, Tết); lễ cúng thần đất, thần rừng; lễ cầu mưa, cầu mùa được chắt lọc, bảo tồn và phát huy.
Có đoàn khách nước ngoài khi chứng kiến một buổi lễ tạ ơn thần đất, xin thần linh cho chủ nhà bỏ mái nhà cũ, làm mái nhà mới (lợp lại mái nhà), sau khi được thầy cúng giải nghĩa từng câu, từng lời trong bài cúng, đã quỳ xuống nền nhà vái tay trước mâm cỗ cúng. Theo lịch trình, đoàn khách chỉ ở lại bản Sưng một đêm, nhưng sau đó đoàn đăng ký ở lại hai đêm nữa, và họ bỏ tiền sắm lễ, mời thầy cúng làm một số lễ đặc sắc nhất của người Dao Tiền để quay phim, chụp ảnh.
Một chuyện nữa xảy ra tại hộ homestay Xuân Lan, một nữ du khách nước ngoài hỏi mua một bộ trang phục nữ dân tộc Dao. Bà Lan mở tủ lấy ra một bộ váy, áo mới tinh, rất đẹp đưa cho vị khách. Xem một lúc, vị khách lắc đầu, trả lại, chị ta chỉ vào bộ váy phơi trên dây ngoài vườn, ra hiệu thích bộ đó. Bà Lan nói, đấy là bộ váy bà dùng đi làm nương. Vị khách cười, nói: Đấy mới là trang phục đúng bản sắc người phụ nữ Dao Tiền, bộ váy mới đã bị cách điệu.
Bà Lan thừa nhận, bộ váy cũ làm bằng vải bông nhà trồng, tự dệt, may. Nhìn thì thô nhưng mặc lại mát. Bộ váy mới dệt bằng chỉ mua ở chợ, hoa văn thêu bằng máy. Khi may dáng điệu váy, áo được cách điệu cho hợp thời trang, bắt mắt khách. Đẹp nhưng không đúng bản sắc trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Dao Tiền.
Chuyện nữa, trong bữa ăn cùng chủ homestay, ông Xuân rót rượu hoẵng ra li mời khách. Ông khách “Tây” xua tay, rồi đưa bát cho chủ nhà, nói: Rượu hoẵng phải uống bằng bát mới đúng phong tục của đồng bào. Uống bằng ly là uống theo kiểu mới.
Chị Lý Sao Mai bày tỏ, trước khi đến một điểm DLCĐ nào đó, họ tìm hiểu rất kỹ phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của dân tộc ở điểm DLCĐ đó. Và họ đến điểm DLCĐ không chỉ tham quan vãng cảnh mà mục đích chính là được trải nghiệm bản sắc văn hóa của dân tộc đó.
Có những đoàn vừa đến bản Sưng, du khách đã yêu cầu được xem lễ lập tĩnh. Rồi họ đọc vanh vách tên các tập tục, cúng lễ của người Dao Tiền, thể thức tổ chức cúng lễ, họ sẵn sàng bỏ tiền đặt chủ homestay làm mâm cúng lễ. Điều đó cho thấy, nếu ở điểm DLCĐ nào đó mà không bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc thì điểm DLCĐ đó sẽ không mang lại hiệu quả, sẽ bị mất khách - điều phối viên Lý Sao Mai khẳng định.
Nhiều năm lăn lộn, xây dựng điểm DLCĐ trên địa bàn huyện Đà Bắc, Giám đốc Đà Bắc CBT Đinh Thị Hảo đúc kết: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là đòn bẩy cho DLCĐ phát triển, DLCĐ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cả về đời sống kinh tế và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) huyện Đà Bắc. Đó là, thu nhập của các hộ làm DLCĐ ngày càng tăng cao; tạo việc làm và thu nhập cho các hộ trong khu dân cư; từng bước phá thế thuần nông, tập quán canh tác tự cung, tự cấp của đồng bào. Đặc biệt, DLCĐ đã làm cho đồng bào DTTS&MN Đà Bắc khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương để chiến thắng “giặc” nghèo bằng chính nội lực của mình. Điều đó cho thấy, quan điểm của Đà Bắc CBT là vừa trao cho đồng bào DTTS & MN “con cá” (vốn) vừa trao chiếc “cần câu” (kỹ năng làm DLCĐ) là đúng hướng và hiệu quả.
Tuy nhiên, điều phối viên Lý Sao Mai cũng bày tỏ điều trăn trở chung của các điểm DLCĐ huyện Đà Bắc, đó là: Các ngành chức năng của tỉnh Hòa Bình và huyện Đà Bắc cần có cơ chế hỗ trợ vốn cho các hộ homestay và khu dân cư điểm DLCĐ để sửa chữa, chỉnh trang nhà cửa, trang thiết bị; xây dựng cơ sở hạ tầng xóm, bản; xây dựng công trình vệ sinh, xử lý rác thải sinh hoạt; tập huấn nâng cao kỹ năng làm DLCĐ cho những hộ có điều kiện làm homestay và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.
Được biết, mới đây, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt Dự án “Nâng cao năng lực và tiếp cận cho cộng đồng” do AOP, Australia viện trợ cho huyện Đà Bắc. Dự án có tổng mức viện trợ trên 5,823 tỷ đồng. Các hoạt động của dự án gồm: Khảo sát, đánh giá và xây dựng các điểm DLCĐ mới, hỗ trợ cho người dân vay vốn không lãi xuất để cải tạo nhà cửa và mua sắm trang thiết bị để làm du lịch; truyền thông về du lịch cộng đồng… Đây sẽ là cơ hội để Đà Bắc mở rộng quy mô, phát triển DLCĐ, khai thác hiệu quả thế mạnh là địa phương vùng lõi “Khu Du lịch quốc gia hồ Hòa Bình”.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị “Phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Hội và nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác văn phòng Hội Nhà báo khu vực phía Bắc”.
Phương Anh
21:55 22/11/2024(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.
N. Phê - L. Bình
13:19 22/11/2024Vũ Linh
12:37 22/11/2024Phương Anh
12:37 22/11/2024Lê Hữu Chính
08:59 22/11/2024Thái Hải
21:03 21/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương