Theo dõi Báo Thanh tra trên
TS Ngô Đồng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Thứ năm, 26/05/2022 - 07:00
(Thanh tra)- Quản lý Nhà nước (QLNN) về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo (TN,TG) là một dạng quản lý xã hội đặc biệt của Nhà nước, mang tính quyền lực Nhà nước, sử dụng pháp luật và chính sách TN,TG để điều chỉnh hành vi của cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực TN,TG do các cơ quan QLNN thực hiện, nhằm phục vụ nhân dân, đảm bảo quyền tự do TN,TG, duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội và đất nước.
Ban Tôn giáo Chính phủ làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh (20/9/2021): Huệ An/https://www.qdnd.vn/
Quản lý bằng pháp luật
Điều 60 Luật TN,TG năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) quy định nội dung QLNN về TN,TG bao gồm: Xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về TN,TG; quy định tổ chức bộ máy QLNN về TN,TG; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về TN,TG; phổ biến, giáo dục pháp luật về TN,TG; nghiên cứu trong lĩnh vực TN,TG; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác TN,TG; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về TN,TG; quan hệ quốc tế trong lĩnh vực TN,TG.
Trong QLNN về tôn giáo thì việc quản lý về hoạt động của các tổ chức tôn giáo theo đúng pháp luật là điều được quan tâm hiện nay. Pháp luật về hoạt động tôn giáo ở Việt Nam đã có quá trình hình thành, phát triển khá lâu và trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay khoa học pháp lý của nước ta vẫn chưa đưa ra khái niệm hoàn chỉnh pháp luật về hoạt động tôn giáo.
Qua nghiên cứu thấy rằng, pháp luật về hoạt động tôn giáo có nội dung điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa Nhà nước với giáo hội và cá nhân tín đồ, chức sắc, nhà tu lành trong hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Do vậy, có thể hiểu pháp luật về hoạt động tôn giáo là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh về hoạt động tôn giáo, bao gồm một số khía cạnh cơ bản là: 1- Quyền tự do TN,TG; 2- Việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo; 3- Thành lập tổ chức tôn giáo cũng như các điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo đến các việc như: Thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; việc thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành; quản lý cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng tôn giáo; 4- Hoạt động tôn giáo như hoạt động xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo; 5- Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo; 6- QLNN và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực TN,TG.
Hoạt động tôn giáo liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; bên cạnh những hoạt động mang tính chất tôn giáo thuần túy, một số hoạt động đã bị lợi dụng vào mục đích phi tôn giáo, hoặc vi phạm các quy định pháp luật về những lĩnh vực khác, như: Xây dựng, đất đai, xuất bản, xuất nhập cảnh... xâm hại đến lợi ích cộng đồng, xã hội. Vì vậy, pháp luật về hoạt động tôn giáo sử dụng phương pháp mệnh lệnh hay còn gọi là phương pháp bắt buộc. Việc sử dụng phương pháp này xuất phát từ yêu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước, đặt lợi ích của dân tộc, của toàn xã hội lên trên hết. Cách thức tác động của phương pháp này vào các quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh thể hiện ở các hình thức:
Thứ nhất, cấm đoán: Không cho phép các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật (tổ chức giáo hội, tín đồ, chức sắc và nhà tu hành) tiến hành một số hoạt động nhất định. Chẳng hạn như cấm báng bổ công kích các đấng thiêng của các tôn giáo; cấm tuyên truyền, lôi kéo, kích động chống phá Đảng và Nhà nước…
Thứ hai, bắt buộc: Chủ thể tham gia quan hệ xã hội do pháp luật về hoạt động tôn giáo điều chỉnh phải thực hiện những hành vi nhất định. Ví dụ: Giáo hội muốn tổ chức một đại hội, bắt buộc phải làm đơn xin phép cơ quan QLNN về tôn giáo có thẩm quyền.
Thứ ba, cho phép: Chủ thể tham gia quan hệ xã hội do pháp luật về loạt động tôn giáo điều chỉnh, được phép hoạt động trong phạm vi nhất định, ví dụ: chức sắc, nhà tu hành được phép giảng đạo, truyền đạo trong phạm vi lược phân công phụ trách. Nếu đến các địa phương khác ngoài phạm vi được phân công để truyền đạo, giảng đạo phải xin phép và được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Hoạt động tôn giáo là một hoạt động có tính đặc thù, vừa phải đảm bảo đúng lễ nghi, phù hợp với Luật TN,TG, vừa phải đảm bảo yêu cầu QLNN về hoạt động tôn giáo. Do vậy, những quy định cấm đoán, bắt buộc, cho phép đối với hoạt động tôn giáo cũng phải đảm bảo yêu cầu vừa không can thiệp vào nội bộ và những hoạt động thuần túy tôn giáo, vừa phải được cơ sở pháp lý nhằm ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng hoạt động tôn giáo xâm hại đến ích của toàn xã hội.
Do đó, bên cạnh việc quản lý bằng pháp luật với hoạt động tôn giáo cần quan tâm chú trọng đổi mới về nội dung, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức, như: Biên soạn, phát hành tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật về TN,TG; tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật cho cán bộ làm công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị và chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ để họ hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta luôn nhất quán tôn trọng và đảm bảo quyền tự do TN,TG của mọi người dân, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào có đạo, củng cố niềm tin trong chức sắc, tín đồ tôn giáo đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Quản lý bằng chính sách tôn giáo
Chính sách là tập hợp các chủ trương và hành động về phương diện nào đó của Đảng và Chính phủ, nó bao gồm các mục tiêu mà Chính phủ muốn đạt được và cách làm để thực hiện các mục tiêu đó. Chẳng hạn với chính sách tự do TN,TG đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; đoàn kết, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự... góp phần làm nên những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới.
Chính sách đối với hoạt động tôn giáo là hệ thống những quan điểm, chủ trương về nguyên tắc cho những hoạt động của các tôn giáo như: Các tôn giáo của Việt Nam được hoạt động tự do trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam; mọi công dân của Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước Việt Nam xử lý bằng pháp luật đối với bất cứ công dân Việt Nam nào vi phạm pháp luật, không phân biệt tôn giáo.
Ngay từ khi mới ra đời năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã tuyên bố và thực hiện chính sách tôn giáo hợp lòng dân, tiến bộ và hợp thời đại. Tiếc rằng, có những lúc, những nơi do hiểu biết và tầm nhìn hạn hẹp của nhiều cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính sách này đã để lại những rạn nứt không đáng có. Nhiều người cộng sản lấy sự không tương hợp giữa thế giới quan khoa học và phi khoa học, giữa duy vật và duy tâm để áp dụng vào chính trị đã tạo nên nhiều định kiến và kỳ thị về chính trị đối với tôn giáo. Nhiều người đã đánh đồng thái độ chính trị chống cộng sản, chống chính quyền của một số chức sắc tôn giáo với cả cộng đồng tôn giáo và tổ chức tôn giáo.
Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, chính sách tôn giáo của Nhà nước ta đã có nhiều tiến bộ. Chính sách tôn giáo ở Việt Nam được thể hiện qua các văn kiện chính trị của Đảng và các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành, có tác động to lớn đến đời sống tôn giáo của đất nước, phù hợp thực tế và đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Nhìn chung để đáp ứng nhu cầu tôn giáo, bất cứ một nhà nước nào, tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể, cũng phải định ra một thái độ ứng xử đối với tôn giáo. Chẳng hạn chính sách tôn giáo của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bảo đảm quyền tự do TN,TG và quyền tự do không TN,TG của công dân; nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do TN,TG; công dân theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, được hưởng mọi quyền công dân và có trách nhiệm thực hiện mọi nghĩa vụ công dân. Các hoạt động tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Mọi hành vi vi phạm quyền tự do TN,TG, mọi lành vi lợi dụng TN,TG để phá hoại hoà bình, độc lập, dân chủ, phá hoại khối đại đoàn kết, xâm phạm tự do tín ngưỡng của công dân... đều bị xử lý theo pháp luật; các tôn giáo ở Việt Nam được Nhà nước khuyến khích; tham gia các hoạt động giáo dục, từ thiện, nhân đạo, được mở trường lớp đào tạo; chức sắc, nhà tu hành, được cử đi đào tạo ở nước ngoài, được tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu quốc tế theo quy định của pháp luật…
Tuy nhiên, như thực tiễn cho thấy những vụ việc va chạm, khúc mắc giữa tổ chức tôn giáo, chức sắc và tín đồ với chính quyền thường nảy sinh ở các địa phương. Do vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là khâu thực hiện chính sách. Đây là lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, các cấp chính quyền địa phương. Khâu thực hiện chính sách bao hàm việc ban hành các văn bản pháp quy dưới luật để hướng dẫn và các hành vi thực tế của công chức và cơ quan hành chính, các tổ chức và cá nhân công dân liên quan tới TN,TG cần được chú trọng hơn.
Quản lý bằng thanh tra, kiểm tra
Mục đích của thanh tra, kiểm tra tình hình hoạt động của tổ chức tôn giáo và công tác tôn giáo ở địa phương là nhằm nắm được những mặt đã làm được, những khó khăn hạn chế; kinh nghiệm trong công tác tôn giáo... Qua đó, cơ quan chức năng cùng với chính quyền địa phương bàn thảo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, đồng thời định hướng, đề xuất một số giải pháp trong công tác QLNN về tôn giáo thời gian tiếp theo cũng như để tổng hợp, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết các vấn đề có liên quan phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đúng ý định của pháp luật.
Nội dung kiểm tra thường bao gồm: Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; việc gải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến tôn giáo; tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác tôn giáo; công tác phối hợp giữa phòng nội vụ với các ngành liên quan như: Dân vận, Mặt trận, công an; quá trình giải quyết những hoạt động không bình thường và các vấn đề phát sinh, tồn đọng về đất đai, cơ sở thờ tự liên quan đến tôn giáo...
Ngoài ra, còn có các phương thức quản lý hoạt động tôn giáo bằng phương pháp giáo dục, thuyết phục, vận động quần chúng. Xuất phát từ luận điểm nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Mọi công dân không phân biệt TN,TG đều có quyền và có nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để tránh các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo thì công tác giáo dục, thuyết phục, vận động quần chúng nhân dân là hết sức quan trọng, là cốt lõi của công tác tôn giáo. Do vậy, trong QLNN về hoạt động tôn giáo không chỉ nhằm đúng pháp luật mà còn phải được sự đồng tình của đông đảo quần chúng nhân dân, vận động giải thích cho đồng bào hiểu rõ bản chất vấn đề cùng tham gia đấu tranh chống các biểu hiện sai trái đó cũng là việc quan trọng trong QLNN về hoạt động tôn giáo.
Một số nguyên tắc để quản lý Nhà nước về tôn giáo hiệu quả
Bình đẳng : Trong quá trình QLNN đối với hoạt động tôn giáo đảm bảo cho mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật. Đây là nguyên tắc của thể chế dân chủ, có tính phổ quát ở nhiều quốc gia. Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ, của dân, do dân và vì dân. Đến nay Hiến pháp Việt Nam đã được bổ sung nhiều lần với những qui định rõ về các quyền con người được Hiến pháp bảo vệ trên tất cả các mặt từ chính trị, kinh tế đếnvăn hóa, xã hội. Nguyên tắc bình đằng đòi hỏi phải thực thi công bằng các quyền riêng trong xã hội, đặc biệt là quyền trẻ em, phụ nữ, các dân tộc thiểu số, quyền bình đẳng trước pháp luật của các tôn giáo. Công dân có quyền tự do TN,TG, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ của các tổ chức tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm do TN,TG hoặc lợi dụng TN,TG đế làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.
Bình đẳng đòi hỏi cần thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Vì vậy, không phân biệt nghĩa vụ và quyền lợi của công dân vì lý do TN,TG. Công dân theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, được hưởng mọi quyền công dân, đồng thời có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân. Đây là nguyên tắc đồng thời cũng là nội dung quan trọng của quyền tự do TN,TG ở Việt Nam hiện nay.
Đảm bảo tự do TN,TG của công dân: TN,TG là nhu cầu tinh thần của con người đã xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử hình thành và phát triển của xã hội loài người. Tín ngưỡng là hoạt động thể hiện sự tôn thờ tổ tiên, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng, thờ cúng thần thánh, các biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội. Tuy nhiên mức độ của niềm tin, sự tôn thờ ấy ở mỗi con người, mỗi cộng đồng người ở mỗi giai đoạn lịch sử là khác nhau. Niềm tin tôn giáo khó áp đặt cũng không tước đoạt, nó tồn tại như nhu cầu khách quan của đời sống hiện thực. Vì vậy tự do tín ngưỡng cũng có nghĩa là con người được tự nguyện hướng tới lực lượng siêu nhiên, đồng thời cũng có quyền khước từ hoặc loại bỏ niềm tin đã có. Tự do tín ngưỡng cũng có nghĩa là không chấp nhận sự độc tôn hoặc tham vọng thôn tính của tôn giáo này đối với tôn giáo khác, càng không thể áp đặt hoặc gạt bỏ thông qua quyền lực chính trị.
Tuy nhiên, quyền tự do TN,TG không phải là vô giới hạn, quyền của người này, cộng đồng này khi vượt qua giới hạn nào đó có thể vi phạm vào quyền chính đáng của những người khác. Tự do theo nghĩa chân chính của nó là tự do của người này, cộng đồng này không vi phạm đến tự do người khác và cộng đồng khác. Chính vì những lý do trên Nhà nước có trách nhiệm quản lý và điều chỉnh các hoạt động của cá nhân và tổ chức tôn giáo sao cho những hoạt động ấy diễn ra trong khuôn khổ của pháp luật, không ảnh hưởng đến xã hội.
Thống nhất giữa sinh hoạt tôn giáo và bảo tồn giá trị văn hóa: Hoạt động TN,TG bao giờ cũng thể hiện qua sinh hoạt vật chất của con người. Tín ngưỡng, lòng tin tôn giáo được vật chất hóa trong đời sống xã hội thể hiện qua kinh sách, luật lệ, lễ nghi... Các cơ sở thờ tự của tôn giáo thường là nơi thờ phụng của tín đồ các tôn giáo, đồng thời cũng là nơi giữ gìn văn hóa vật thể và phi vật thể. Những công trình kiến trúc, những tác phẩm hội họa, điêu khắc, những bản nhạc, bài ca, y phục đến trang trí... thực hiện các nghi thức tôn giáo đều thể hiện nét văn hóa đặc trưng của từng tôn giáo cụ thể. Vì vậy, sự tồn tại của tôn giáo cũng có nghĩa là sự giao lưu và giữ gìn các giá trị di sản văn hóa. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không thế không quan tâm đến sinh hoạt tín ngưỡng dân gian và tôn giáo truyền thống của nhân dân ta lưu giữ qua nhiều đời nay.
Bên cạnh những giá trị văn hóa đích thực không thiếu những hiên tượng phản văn hóa có trong tôn giáo, tín ngưỡng. Chằng hạn, có những hủ tục cũ vẫn tồn tại, sự mê tín dị đoan gia tăng, thương mại hóa trong tôn giáo phát triển... Rồi đến cả những hiện tượng thế tục trà trộn, thẩm thấu vào đời sống thiêng liêng của tôn giáo làm vẩn đục bầu không khí sinh hoạt tôn giáo lành mạnh. Nhà nước quản lý hoạt động tôn giáo làm sao vừa gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời loại bỏ dần những hiện tượng phản văn hóa trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng.
Đảm bảo sự thống nhất, hài hòa lợi ích cá nhân, cộng đồng và ích quốc gia, xã hội: Người có TN,TG và người không có TN,TG thường có những nhu cầu đòi hỏi trong đời sống xã hội. Đối với tín đồ các tôn giáo, nhu cầu tâm linh của họ được Nhà nước tôn trọng và tạo mọi điều kiện họ đáp ứng nhu cầu ấy. Nhưng ở vào một thời điểm nào đó đứng trước nhiều nhu cầu thì ở đây đòi hỏi tín đồ phải giải quyết hài hòa, thỏa đáng giữa ích cá nhân, lợi ích tập thể với lợi ích chung của xã hội. Thực hiện nguyên này đòi hỏi phải giải quyết tốt các xung đột, mâu thuẫn xuất hiện giữa các chủ thể nói trên.
Những hoạt động tôn giáo vì lợi ích chính đáng và hợp pháp vì tín đồ phải được đảm bảo: Những hoạt động tôn giáo vì lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân được uyến khích. Mọi hành vi vi phạm quyền tự do TN,TG, lợi dụng TN,TG để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân, phá hoại sự nghiệp đoàn kết toàn dân, làm phương hại đến nền văn hóa lành mạnh của dân tộc và hoạt động mê tín dị đoan đều bị lên án và xử lý vi phạm theo luật định.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hạn mức đất giao cho tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP HCM từ 1.000-5.000 m2 tùy địa phương.
Uyên Uyên
12:19 12/10/2024(Thanh tra) - Sáng 19/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế chùa Tam Chúc đã diễn ra các nghi thức trang trọng của Đại lễ Phật đản (Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024).
Trà Vân
18:58 19/05/2024Trà Vân
22:32 02/03/2024Trà Vân
23:53 23/06/2023Trà Vân
09:07 28/05/2023Trà Vân
11:20 31/12/2022Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC