Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Biến tướng của các “tà đạo”, giáo phái “tà đạo”

TS Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban Tôn giáo Hà Nội

Thứ hai, 27/12/2021 - 17:04

(Thanh tra) - Hiện nay, các đối tượng xấu lợi dụng “tà đạo” đăng ký hoạt động như một tổ chức, một hội đoàn tôn giáo chính thức thì bị kiểm soát bởi cơ quan chức năng quản lý Nhà nước, vì thế môi trường internet và nền tảng mạng xã hội là môi trường màu mỡ cho đối tượng xấu hoạt động dưới hình thức “tà đạo”.

Các đối tượng của Hội thánh Đức chúa trời truyền đạo trái phép. Ảnh minh họa: TTXVN/https://tuyengiao.vn

Tà đạo” không vận hành lộ liễu mà biểu hiện tinh vi, phức tạp

Hiện tượng các giáo phái “tà đạo” trên thế giới và ở Việt Nam chắc quần chúng nhân dân không có gì lạ lẫm. Nhắc đến “tà đạo”, giáo phái chúng ta thường nghĩ nó liên quan đến ma quỷ, cúng bái cực đoan, thực hành các hành động kỳ quái… nhưng nếu thế thì lại quá dễ và người nào xem nhiều phim có thể nhận biết ngay đó chính là “tà đạo”.

Trên thực tế “tà đạo” không vận hành lộ liễu như vậy mà biểu hiện rất tinh vi, phức tạp. Trước những thực trạng hiện nay của vấn đề “tà đạo” gây nhức nhối trong cộng đồng quần chúng nhân dân, nhằm vạch rõ bản chất của “tà đạo”, những biểu hiện, cách thức hoạt động nhằm mục đích “tẩy não” mà các đối tượng xấu lợi dụng “tà đạo” đang vận hành, nhan nhản trên các trang mạng, diễn đàn, hội nhóm phổ biến trên các nền tảng trực tuyến như facebook, zalo, tiktok, zoom…

Có thể nhận thấy biểu hiện “tà đạo” thông qua ngôn ngữ, dùng một số từ ngữ tích cực để mê hoặc như “thiện”, “ thiền” “chữa lành”, “lạc quan”, “sống chủ động”, “tiềm thức”… Một số từ trong số từ này có ý nghĩa khoa học, một số khác hoàn toàn bịa ra, vô nghĩa. Những từ có ý nghĩa khoa học khi bị “tà đạo” đánh cắp, chúng thay đổi hoàn toàn nghĩa và chỉ sử dụng như một vỏ bọc để tung hỏa mù thu hút nạn nhân. Ngôn ngữ của “tà đạo” nghe có vẻ rất cao siêu nhưng thực ra rỗng tuếch và lệch lạc.

Các đối tượng lợi dụng “tà đạo” thường có những biểu hiện hay phô trương thanh thế, xây dựng hình ảnh trái ngược với người thực hành tâm linh chân chính. Đa phần hình ảnh thường ma mị, bất chính, kỳ quái, khó hiểu. Để thu hút người tin theo, đối tượng thường sử dụng các mạng xã hội, lập các nhóm kín, group không công khai, chỉ có những người tin theo mới được đăng ký thành viên để chia sẻ các video thực hành thờ cúng, vẽ bùa chú, hướng dẫn tu tập, chữa bệnh bằng năng lượng, yểm bùa, bắt ma....

Trên thực tế, đa phần các giáo chủ sẽ thu hút tín đồ tin theo qua việc tự nhận được trời, Phật, các đấng siêu nhiên chỉ dụ, sắc phong, báo mộng... được phái xuống trần thế, được giao sứ mệnh trở thành người lãnh đạo, dẫn dắt, giác ngộ con người nên có được sức mạnh siêu nhiên như có thể thông công với các đấng thần linh, các vong linh người đã mất, có năng lực chữa bệnh bằng năng lượng, bằng phù chú, có khả năng giúp người dân tìm lành tránh dữ...

Không những vậy, “tà đạo” thường có hệ thống kinh sách và thờ cúng sơ khai, đơn giản. Kinh sách chủ yếu được tự sáng tác dưới dạng thơ, văn vần, dễ đọc dễ thuộc, giáo lý mang màu sắc “đa tôn giáo”, vay mượn khái niệm, hình tượng của các tôn giáo, lồng ghép hình tượng tín ngưỡng truyền thống, mượn hình ảnh một số anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa.

“Tà đạo” dùng công nghệ và hiệu ứng đám đông đánh vào tâm lí

Qua công tác quản lý Nhà nước của Ban Tôn giáo Hà Nội, hiện nay các đối tượng lợi dụng thời đại công nghệ 4.0, kết nối mạng ngày càng phát triển, đã mạo danh nhà chùa và các sư thầy, ngày đêm "núp bóng" cửa Phật để trục lợi bất chính, trục lợi từ lòng tin của con người. Các đối tượng xấu thường lập những tài khoản mạng xã hội giả rồi lấy danh nghĩa là người nhà chùa, dùng thủ đoạn bói toán, tâm linh để người dân hoang mang, lo lắng và dễ sa vào lời chào mời của chúng.

Tại một số hội thảo nghiên cứu về vấn đề này, các nhà quản lý và nhà khoa học thống nhất nhận định “tà đạo” vay mượn lý thuyết của các tôn giáo đã có để đưa ra lý thuyết mới trái với lý thuyết các tôn giáo truyền thống, chắp vá, pha tạp, cải biên từ lý thuyết, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo truyền thống, nên đã có những điều răn hướng thiện, an ủi người dân về mặt tinh thần trước những bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống, đây là điểm làm cho các “tà đạo” có thể tồn tại.

Cũng có “tà đạo” nội dung giáo lý trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc, phản văn hóa, phản khoa học như khuyên người ốm không dùng thuốc, chỉ cần cúng, dâng hoa, cầu nguyện, dùng “nước thánh”, “thuốc Phật”…, trái với quy luật tự nhiên, lợi dụng các tà thuyết về “ngày tận thế” hoặc gắn với các nhu cầu về sức khỏe để lôi kéo, mê hoặc, khống chế người dân.

Không những vậy, “tà đạo” đánh vào tâm lí nghi ngờ dè chừng mất tiền thế nên ban đầu “tà đạo” sẽ tổ chức những buổi hội thảo, video, live stream miễn phí và đây chính là các buổi tẩy não. Các buổi live stream hay hội thảo sẽ có ngập tràn các nick ảo (thậm chí có cả nick thật, thường là con mồi đã được thu phục) gọi là đội seeding, được thuê để ăn chia (hoặc tin vào giáo phái) để tạo hiệu ứng đám đông.

Sau đó, sẽ dùng hiệu ứng đám đông đánh vào tâm lí là có nhiều người tin tưởng và nghe theo. Vì thế nó cũng khiến người nghe nghi ngờ chính họ và ép bản thân cũng phải tin theo. Đây là trò sơ đẳng nhất của giáo phái dù là “luật hấp dẫn” hay đa cấp đều dùng chiêu trò này.

Giáo phái “tà đạo” giờ lập group, fanpages, chơi telegram hùng mạnh, tinh vi, khi bắt đầu để lôi kéo, họ chỉ nói đến hướng thiện hay chữa lành gì đó thôi, miễn phí, rất nhân văn, cao đẹp nhưng một khi đã săn được con mồi cuồng đạo, họ sẽ lợi dụng bằng cách này hay cách khác.

Quần chúng nhân dân nếu có nhu cầu “tâm linh” gia nhập các tôn giáo, tín ngưỡng hợp pháp

Trước thực trạng như vậy, quần chúng nhân dân cần nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo, không nghe, không theo các đối tượng này. Phải lý trí sáng suốt, cân nhắc, suy xét, tìm hiểu thật kỹ. Vì mọi lời nói và những việc làm của chúng có thể ngụy tạo để tạo uy tín, tạo lòng tin đối với mọi người.

Thực tiễn cuộc sống, “chính đạo và “tà đạo” chỉ cách nhau một sợi chỉ. Bởi vậy, người dân thực hiện tín ngưỡng cần phải hiểu rõ bản chất của tín ngưỡng, cần tìm đến những người thầy có trí tuệ, có tâm đức và sự hiểu biết sâu rộng”.

Quần chúng nhân dân cần tìm hiểu kiến thức, tham khảo các nguồn tin uy tín, hiểu rõ tác hại của các “tà đạo” thông qua các kênh chính thống và từ những người thực hành tâm linh, tín ngưỡng có uy tín, được cộng đồng tôn vinh, ghi nhận và các tổ chức hợp pháp được cơ quan quản lý Nhà nước chấp thuận.

Khuyến cáo quần chúng nhân dân nếu có nhu cầu “tâm linh” gia nhập các tôn giáo, tín ngưỡng hợp pháp để được tiếp nhận thông tin từ việc các tổ chức hợp pháp tuyên truyền, giới thiệu về tôn giáo mình để khi người dân gia nhập sẽ kiểm soát được hành vi, chính kiến của mình, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào những tổ chức “tà đạo”.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp, tổ chức quần chúng ở các địa phương sẽ có trách nhiệm phối hợp, tổ chức các hoạt động cần thiết để một mặt tuyên truyền rộng rãi trong xã hội, nhất là giới trẻ, nhằm vạch rõ tính chất phạm pháp và bản chất phản văn hóa của “tà đạo”, mặt khác phát hiện, có biện pháp ngăn chặn kịp thời giúp mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội không bị lôi kéo vào hoạt động phạm pháp, từ đó góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn sự lành mạnh của đời sống tinh thần.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm