Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giải quyết kiến nghị khởi tố phát hiện thông qua hoạt động thanh tra: Vẫn còn hạn chế, vướng mắc

Hoàng Nam - Hoàng Long

Thứ bảy, 12/10/2024 - 09:31

(Thanh tra) - Theo báo cáo chuyên đề về phối hợp giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, không có vụ việc nào cơ quan thanh tra chuyển hồ sơ đến mà không đồng ý với kết quả giải quyết của cơ quan điều tra.

Toàn cảnh Hội nghị Tập huấn công tác xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, công tác chuyển giao vụ việc có dấu hiệu phức tạp và kiến nghị khởi tố được phát hiện qua hoạt động thanh tra đến các cơ quan điều tra có thẩm quyền do Bộ Công an tổ chức sáng ngày 11/10/2024. Ảnh: Hoàng Long

Tại Hội nghị Tập huấn công tác xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, công tác chuyển giao vụ việc có dấu hiệu phức tạp và kiến nghị khởi tố được phát hiện qua hoạt động thanh tra đến các cơ quan điều tra có thẩm quyền do Bộ Công an tổ chức ngày 11/10/2024, báo cáo chuyên đề của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết, từ ngày 10/12/2018 đến hết ngày 31/7/2023, số vụ việc có dấu hiệu tội phạm được cơ quan thanh tra chuyển cho cơ quan điều tra là 911 vụ việc. Trong đó, có 154 vụ việc vi phạm pháp luật có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, phải tổ chức họp liên ngành (chiếm 16,9%); 391 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được cơ quan thanh tra thông báo cho viện kiểm sát (chiếm 44,9%)...

Trong số 912 vụ việc được cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý, giải quyết (cơ quan thanh tra chuyển 911 vụ việc, có 1 kiến nghị được thụ lý thành 2 tin báo), có 398 vụ việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự (chiếm 42,65%); 241 vụ việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự (26,42%); 180 vụ việc tạm đình chỉ giải quyết (19,73%); không có vụ việc nào do cơ quan thanh tra chuyển hồ sơ sang mà không đồng ý với kết quả giải quyết của cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra vẫn còn những hạn chế khó khăn, vướng mắc

Khó trong công tác triển khai, thi hành

Về phía cơ quan thanh tra, trong một số vụ việc, mới chỉ phát hiện hành vi vi phạm pháp luật mà chưa thu thập đầy đủ hồ sơ, tài liệu để xác định được các yếu tố cấu thành tội phạm, nhất là đối với các hành vi vụ lợi, đưa và nhận hối lộ… hay chưa xác định chính xác hậu quả, thiệt hại xảy ra... nên khó khăn, lúng túng trong việc chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.

Trong nhiều vụ việc cơ quan thanh tra chuyển cho cơ quan điều tra, hồ sơ không đầy đủ tài liệu, không có giá trị chứng minh; kết luận không chỉ rõ sai phạm, hậu quả thiệt hại và trách nhiệm cụ thể dẫn đến cơ quan tố tụng phải trưng cầu giám định, định giá nên kéo dài quá trình giải quyết hoặc không đủ căn cứ để khởi tố vụ án. Thậm chí khi cơ quan điều tra đề nghị làm rõ hành vi vi phạm cũng như tính chất, mức độ, xác định thiệt hại cụ thể thì cũng chưa làm rõ được.

Về phía cơ quan điều tra và viện kiểm sát, việc giải quyết một số kiến nghị khởi tố do vơ quan thanh tra chuyển đến còn bị kéo dài; một số viện kiểm sát địa phương chưa thực hiện tốt việc cập nhật thông tin theo dõi, quản lý thông tin về tội phạm; tình trạng cơ quan điều tra không thực hiện đúng quy định về việc thông báo kết quả giải quyết kiến nghị khởi tố vẫn xảy ra, từ ngày 10/12/2018 đến hết ngày 31/7/2023 có 38 vụ việc (chiếm 0,41%) đã hết thời hạn giải quyết kiến nghị khởi tố nhưng cơ quan thanh tra không nhận được thông báo kết quả giải quyết của cơ quan điều tra.

Công tác phối hợp chưa đồng đều, thường xuyên

Theo báo cáo chuyên đề, công tác phối hợp giữa cơ quan thanh tra với viện kiểm sát cùng cấp trong việc thực hiện Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP ngày 18/10/2018 đôi lúc vẫn có trường hợp sau khi cơ quan thanh tra chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra nhưng không thông báo cho viện kiểm sát cùng cấp (kiến nghị khởi tố cơ quan thanh tra chuyển cho cơ quan điều tra 911 vụ việc, nhưng viện kiểm sát chỉ được thông báo 391 vụ việc (44,69%), phần nào ảnh hưởng đến tính kịp thời trong việc kiểm sát tiếp nhận, thụ lý nguồn tin của viện kiểm sát đối với cơ quan điều tra.

Một số địa phương, công tác phối hợp giữa cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra và viện kiểm sát cùng cấp, dù có triển khai thực hiện nhưng chưa đồng đều, chưa thường xuyên, chỉ tổ chức phối hợp thực hiện khi có yêu cầu công việc phát sinh, chưa tạo sự thống nhất, ràng buộc trách nhiệm trong việc thực hiện phối hợp. Việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố, chỉ phát sinh khi cơ quan thanh tra phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra và viện kiểm sát chưa tạo sự chủ động, ràng buộc trách nhiệm trong việc thực hiện công tác phối hợp.

Trong khi cơ quan thanh tra được pháp luật thanh tra, pháp luật về phòng chống tham nhũng quy định có vai trò quan trọng trong phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhưng quy định hiện nay về cơ chế phối hợp với cơ quan điều tra, viện kiểm sát chưa tương xứng với tính chất và hoạt động của cơ quan thanh tra - đó là thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an trình bày chuyên đề tại buổi tập huấn. Ảnh: Hoàng Long

Giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp

Báo cáo chuyên đề đã nêu ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra như: tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và triển khai có hiệu quả Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Thanh tra, Thông tư liên tịch số 03/2018 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, trao đổi thông tin về tội phạm và phối hợp giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra bảo đảm việc phối hợp, giải quyết kiến nghị khởi tố được thông suốt, đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường phối hợp liên ngành thực hiện có hiệu quả công tác trao đổi thông tin về tội phạm, giải quyết kiến nghị khởi tố thông qua hoạt động thanh tra; rà soát, đề nghị sửa đổi bổ sung các nội dung về quy chế phối hợp bảo đảm đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, quy định trách nhiệm trao đổi thông tin, phương pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Nâng cao ý thức trách nhiệm, kỹ năng thu thập, đánh giá chứng cứ của điều tra viên, kiểm sát viên, cán bộ của cơ quan thanh tra bảo đảm việc giải quyết kiến nghị khởi tố đúng thời hạn, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Mỗi cán bộ thanh tra, kiểm sát viên, điều tra viên cần tích cực trau dồi trình độ và kỹ năng nghiệp vụ để bảo đảm việc giải quyết kiến nghị khởi tố đúng hạn, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Cơ quan thanh tra cần đa dạng hóa hình thức nắm thông tin tội phạm, tăng cường mối quan hệ với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở nhất là các cán bộ chủ chốt; tập trung tìm hiểu đơn thư tố giác, khiếu nại của công dân, thu thập thông tin từ các phương tiện đại chúng, thông tin trên mạng xã hội và nhiều kênh thông tin khác để nắm tình hình vi phạm pháp luật kịp thời yêu cầu cơ quan điều tra tiếp nhận, xử lý theo quy định.

Cơ quan điều tra, viện kiểm sát các cấp cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc thẩm quyền thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm nói chung; tiếp nhận, giải quyết kiến nghị khởi tố do cơ quan thanh tra phát hiện, kiến nghị nói riêng; chủ động phối hợp giữa các cơ quan trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra.

Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo tại chỗ, tập huấn nghiệp vụ, tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm trong giải quyết kiến nghị khởi tố đê từng bước nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cho đội ngũ cán bộ thanh tra, điều tra viên, kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm trong tình hình mới.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hoá cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra, viện kiểm sát các cấp; kịp thời trang bị thiết bị khoa học công nghệ cao bảo đảm cho hoạt động trong nội bộ các cơ quan, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan cấp trên cũng như tạo thuận lợi trong trao đổi thông tin trong quá trình phối hợp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh tra 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng: Thực hiện thắng lợi giao ước thi đua năm 2024

Thanh tra 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng: Thực hiện thắng lợi giao ước thi đua năm 2024

(Thanh tra) - Năm 2024, với chủ đề: “Siết chặt kỷ cương, tăng cường hiệu quả công tác của ngành Thanh tra”, Thanh tra 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng (Cụm Thi đua số II) đã triển khai thực hiện các phong trào thi đua và công tác thi đua khen thưởng đã có sự đổi mới cả nội dung và phương thức, các hoạt động được tổ chức thiết thực, phù hợp và hiệu quả.

Trung Hà

09:36 21/11/2024
Thanh tra các tỉnh miền Tây Bắc sông Hậu: Tạo động lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị

Thanh tra các tỉnh miền Tây Bắc sông Hậu: Tạo động lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thi đua, khen thưởng được Cụm Thi đua Thanh tra các tỉnh miền Tây Bắc sông Hậu chú trọng về nội dung, hình thức. Thông qua việc thực hiện các phong trào thi đua, đã khơi dậy và phát huy tinh thần tích cực, chủ động sáng tạo, tạo động lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị tại từng đơn vị.

Cảnh Nhật

07:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm