Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, đảm bảo tính toàn diện trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thái Hải

Thứ năm, 02/11/2023 - 06:35

(Thanh tra) - Tại văn bản trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều vụ án tham nhũng đã được xử lý, tài sản tham nhũng đã được thu hồi. Việc kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực được quan tâm.

Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan PCTN, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả

TTCP cho biết, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN) tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng; sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án dân sự đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả; gắn PCTN, tiêu cực với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá.

Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng thuộc TTCP, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (KSNDTC) tiếp tục được kiện toàn tổ chức, bộ máy, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác quản lý nhà nước về PCTN, tiêu cực, phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nhất là các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, cụ thể:

TTCP tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc triển khai, thực hiện chương trình công tác trọng tâm hàng năm của Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN, tiêu cực; xây dựng Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2030 và kế hoạch thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; chủ động nắm tình hình, thông tin phản ánh về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”), thực hiện kế hoạch thanh tra và các nhiệm vụ thanh tra đột xuất được giao.

Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp: Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định; chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm, phát hiện và xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng.

9 tháng đầu năm 2023, tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện 82 vụ việc, 117 người; trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 10 vụ, 22 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 39 vụ, 54 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 33 vụ, 41 người liên quan đến tham nhũng. Trong kỳ báo cáo có 33 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 25 người.

Cùng với đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) thuộc Bộ Công an đã tăng cường công tác phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế; đã thụ lý điều tra 11 vụ/46 bị can; thiệt hại trong các vụ án thụ lý ước tính trên 981 tỷ đồng; tài sản thu hồi trong các vụ án thụ lý trên 924 tỷ đồng, hơn 20.000 cổ phiếu và kê biên 10 bất động sản (trị giá khoảng trên 100 tỷ đồng). Kết luận điều tra 7 vụ/28 bị can, hiện đang điều tra 4 vụ/18 bị can.

Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5) thuộc Viện KSNDTC đã thụ lý, thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết 13 vụ/96 bị can tham nhũng, chức vụ….

Đy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, xử lý các vụ việc tham nhũng

Theo TTCP, công tác PCTN, tiêu cực vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế như: Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số quy định về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp... Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện, một số biện pháp hiệu quả thấp; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng vẫn còn hạn chế, vướng mắc.

Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có chuyển biến rõ nét; rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số vụ án, vụ việc cụ thể còn hạn chế; công tác giám định, định giá tài sản có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn một số trường hợp chậm ban hành kết luận giám định, định giá tài sản làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc. Trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn; tương trợ tư pháp hình sự còn gặp khó khăn. Công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án hiệu quả chưa cao.

Từ thực tiễn nêu trên, Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với công tác đấu tranh chống tham nhũng.

Đặc biệt, chú trọng công tác cán bộ, gắn PCTN, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong PCTN, tiêu cực phải đặc biệt coi trọng công tác phòng ngừa, đồng thời kết hợp chặt chẽ với xử lý nghiêm khắc những hành vi tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ sớm, ngăn chặn từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời có cơ chế bảo vệ, khuyến khích, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Triển khai có hiệu quả các cuộc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; tăng cường, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: đất đai, tài nguyên khoáng sản; tài chính, ngân sách, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện. Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực.

TTCP và toàn ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp tập trung thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;  xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm, phát hiện và xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có vi phạm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm