1/Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm 2013 - 2014. Đây là Chỉ thị có ý nghĩa quan trọng sau 3 năm Thanh tra Chính phủ được giao là cơ quan thường trực giúp Chính phủ triển khai thực hiện Quyết định 137/2009/QĐ-TTg ngày 02/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng (gọi tắt là Đề án 137). Tại Chỉ thị số 10/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ: Rà soát, hoàn thiện, phê duyệt, phát hành các tài liệu bồi dưỡng, tập huấn về phòng, chống tham nhũng dành cho giảng viên, giáo viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; giáo viên các trường trung học phổ thông; giảng viên, giáo viên các trường hành chính, quản lý nghiệp vụ thuộc cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội; hoàn thiện chuyên mục phòng, chống tham nhũng trên Trang thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ, đăng tải, cung cấp thông tin kịp thời các tài liệu đã được các Bộ, ngành biên soạn, phê duyệt, tư liệu về các vụ án tham nhũng trong và ngoài nước, kinh nghiệm của nước ngoài về phòng, chống tham nhũng phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập của giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên; Hỗ trợ tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu, báo cáo viên giúp các Bộ, ngành trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng; Chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thực hiện và giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật; Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, các Bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh nội dung tài liệu giảng dạy phòng, chống tham nhũng trong các cơ sở giáo dục, đào tạo phù hợp, hiệu quả; Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong việc rà soát, điều chỉnh, phê duyệt chương trình, nội dung giảng dạy phòng, chống tham nhũng trong các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.2/Theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ, Chính phủ ban hành 3 Nghị định: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập và Nghị định quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đây là các văn bản quan trọng trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng của cơ quan Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra.3/Quốc hội thông qua Luật Tiếp công dân, có hiệu lực từ 01/7/2014. Chiều 25/11, với 84,14% số phiếu tán thành, các đại biểu Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tiếp công dân. Với 9 Chương 36 Điều, Luật quy định đầy đủ những nguyên tắc tiếp công dân gồm công khai, dân chủ, kịp thời, giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo, tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện khiếu nại, tố cáo, phản ánh theo quy định của pháp luật.4/Tổ chức thành công Ðối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12. Sáng 12/11 tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, VCCI phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bộ Phát triển Quốc tế Anh tại Việt Nam tổ chức Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12 với chủ đề: “Vai trò của doanh nghiệp và khu vực trong công tác phòng, chống tham nhũng”. Tại phiên đối thoại, các đại biểu quốc tế, các nhà tài trợ đều ủng hộ quyết tâm đẩy lùi phòng, chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam, đồng thời các ý kiến đều cho rằng, khung pháp lý phòng, chống tham nhũng hiện nay đã khá hoàn thiện.5/Tổng kết việc rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Theo đánh giá, Chỉ thị số 14/CT-TTg và Kế hoạch 1130/KH-TTCP đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các Bộ, ngành, địa phương đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, TTCP triển khai giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài một cách chủ động, tích cực. Tỉnh uỷ, Thành ủy và UBND các tỉnh, TP đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cấp, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt; trong đó, giao Thanh tra tỉnh làm đầu mối thực hiện. Trong cả nước, có 13 tỉnh, TP báo cáo không còn vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài vào cuối năm 2011, nhưng vẫn chủ động thành lập các tổ công tác do Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan để kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, đông người theo hướng dẫn tại Kế hoạch 1130. Các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành 114 văn bản chỉ đạo, trong đó 24 tỉnh, TP xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; một số bộ ban hành chỉ thị để triển khai thực hiện công tác giải quyết KNTC; tổ chức 447 hội nghị với 40.532 cán bộ tham gia để phổ biến, quán triệt và hướng dẫn việc thực hiện. So với năm 2012, số đoàn đông người giảm 14,25%; số đơn thư KNTC giảm 25%; số vụ việc KNTC giảm 33,3%. Nhiều vụ việc bức xúc trong nhân dân đã được giải tỏa, nhiều vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài qua nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm tuân thủ pháp luật của Nhà nước và góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.6/Ban hành Kế hoạch 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 về việc tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng. Sau hơn 1 năm thực hiện Kế hoạch 1130, Thanh tra Chính phủ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và mang lại ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội, nhất là đã xem xét, giải quyết 466/528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đạt tỷ lệ 88,26%. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ việc khiếu nại đông người vẫn còn nhiều, ngoài 528 vụ việc vẫn còn không ít vụ việc tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm. Trước tình hình đó, Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Kế hoạch đã được tổ chức triển khai sâu rộng đến các địa phương, Bộ, ngành.7/Cơ quan Thanh tra Chính phủ thành lập 3 vụ chức năng mới. Đó là Vụ Kế hoạch, tài chính và tổng hợp, được thành lập theo Quyết định số 38/QĐ-TTCP ngày 07/01/2013; Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra được thành lập tại Quyết định 39/QĐ-TTCP; Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư được thành lập theo Quyết định số 40/QĐ-TTCP. Các Quyết định này do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh ký ban hành để triển khai thực hiện Nghị định 83/2012/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của cơ quan Thanh tra Chính phủ. Theo đó, kể từ ngày 01/12/2012, cơ cấu tổ chức Thanh tra Chính phủ bao gồm 14 đơn vị giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và 05 đơn vị sự nghiệp.8/Triển khai Chương trình cuối trong chuỗi Chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam. Ngày 09/12, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới và các nhà đồng tài trợ đã tổ chức họp báo công bố Chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam năm 2014 (VACI 2014) với chủ đề “Tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình”. Chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam 2014 là Chương trình thứ ba và cũng là chương trình cuối trong chuỗi Chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam (VACI). Chương trình 2014 nhằm tìm kiếm và hỗ trợ thực hiện các sáng kiến về tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giảm tham nhũng. Dự kiến có ít nhất 20 giải thưởng với tổng trị giá tài trợ lên đến hơn 6 tỷ đồng sẽ được trao để tổ chức thực hiện các ý tưởng sáng tạo và khả thi nhất tại địa phương.9/Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về thanh tra” do Báo Thanh tra tổ chức nhận được sự quan tâm sâu rộng của cán bộ, công chức, Thanh tra viên ngành Thanh tra. Sau gần 2 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được gần 6.500 bài dự thi ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với trên 80 đơn vị tham dự. Ban Giám khảo đã lựa chọn và trao 56 giải thưởng, trong đó có 19 giải Nhóm tác giả, 19 giải Cá nhân và 18 giải Tập thể. Phát biểu tại Lễ trao giải, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, kết quả mà cuộc thi đạt được là một thành công không nhỏ. Phó Tổng Thanh tra cũng hy vọng những đề xuất, kiến nghị, nhất là về thể chế trong mỗi bài thi, những kinh nghiệm quý trong hoạt động thực tiễn tại các đơn vị sẽ được quan tâm nghiên cứu, phổ biến, áp dụng cho phù hợp với tình hình hoạt động của các cơ quan.Đan Anh