Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)

Thứ sáu, 09/11/2012 - 22:51

(Thanh tra)- Hôm nay (9/11), Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội tập trung thảo luận tại hội trường. Trong đó, có 3 nội dung đáng chú ý còn nhiều ý kiến khác nhau: phạm vi điều chỉnh dự án luật; phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập; cơ quan phòng, chống tham nhũng (PCTN) chuyên trách.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng: Dự luật quy định vai trò của các cơ quan báo chí, doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp còn rất mờ nhạt (Ảnh: nguồn Quốc hội)

Cần quy định cụ thể phạm vi, trách nhiệm cơ quan PCTN chuyên trách

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật PCTN được ban hành có hiệu lực từ ngày 1/6/2006 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Qua 6 năm thực hiện, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực trên các phương diện hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện pháp luật và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác này. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật PCTN đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, một trong những nguyên nhân là một số biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng chưa có cơ chế vận hành cụ thể, gây khó khăn, lúng túng cho việc tổ chức thực hiện. Do đó, phải cần thiết sửa đổi Luật này.

Về phạm vi điều chỉnh dự án luật, có 3 luồng ý kiến: Nhiều ý kiến đồng ý với tờ trình của Chính phủ là cần sửa đổi toàn diện Luật PCTN hiện hành; Một số ý kiến khác cho rằng với thời gian chuẩn bị ngắn, Chính phủ chưa tiến hành tổng kết, đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thi hành Luật PCTN trong 6 năm qua, dự án luật lại chỉ thông qua tại một kỳ họp, với chất lượng dự án và phạm vi những nội dung sửa đổi mà Chính phủ trình Quốc hội lần này khó có thể sửa đổi toàn diện được. Do đó, đề nghị chỉ tập trung sửa đổi một số điều thật sự bức xúc, đang gây khó khăn, vướng mắc cho việc thi hành luật và thể chế hóa kịp thời Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Có ý kiến chỉ nên điều chỉnh về Ban chỉ đạo PCTN.

Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài tài sản, thu nhập, trong dự thảo luật, Chính phủ nêu 2 ý kiến về vấn đề này: Ý kiến thứ nhất cho rằng, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập bao gồm người có chức vụ, quyền hạn theo quy định hiện hành và bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là Đảng viên; Ý kiến thứ hai cho rằng, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập cần quy định tất cả những người có chức vụ, quyền hạn theo khoản 3 Điều 1 của uật hiện hành.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng
Nam) tán thành với bổ sung của loại ý kiến thứ nhất, tuy nhiên đại biểu này lưu ý khi hướng dẫn thực hiện, đề nghị bỏ các đồng chí hưu trí ra. Vì, mở rộng như thế là hình thức và không nên, nên gom lại nhất là những người giữ chức vụ, quyền hạn.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) phân vân về việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản và cho rằng, thời gian qua, với phạm vi đối tượng như nêu trong luật hiện hành đã khó có thể kiểm soát được tài sản thu nhập của các đối tượng này, do vậy nếu mở rộng nữa càng không có hiệu quả. Đại biểu Yến đề nghị phải làm sao nâng cao được hiệu quả, bổ sung các biện pháp quản lý, kiểm soát có tính khả thi. Đặc biệt chú ý các chế tài xử lý vi phạm như việc không kê khai tài sản khi phát hiện thì xử lý ra sao hoặc tài sản không giải trình được nguồn gốc sẽ xử lý thế nào.

Thảo luận vấn đề này, nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm xác định việc kê khai tài sản thu nhập của cá nhân là một trong những biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả nhất. Tuy nhiên, vướng mắc chủ yếu mang tính cốt lõi hiện nay là quy định của luật về vấn đề này chưa nghiêm, chưa có chế tài dẫn đến việc kê khai còn mang tính hình thức. Do vậy, các đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, quy định thêm một chế tài đủ mạnh, có tác dụng bắt buộc người kê khai phải kê khai trung thực đầy đủ tài sản thuộc quyền sở hữu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Liên quan đến quy định về Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, các đại biểu nhất trí Ban này được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Tuy nhiên, luật vẫn cần quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban này, như vậy mới bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với hệ thống pháp luật.

Riêng về cơ quan PCTN chuyên trách, rất nhiều ý kiến phong phú, khác nhau kiến nghị nên thành lập cơ quan độc lập trực thuộc Chủ tịch nước; hoặc thành lập mô hình trực thuộc Quốc hội; cũng có ý kiến cho rằng cơ quan này phải là một cơ quan độc lập có đủ quyền năng, điều kiện để PCTN có hiệu quả. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng hiện nay chưa tổng kết công tác PCTN thì nên tiếp tục nghiên cứu đề xuất sau; còn tiếp tục tăng cường cho cơ quan chuyên trách hiện nay trong luật… đồng thời, đề nghị cần quy định cụ thể phạm vi, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đối với công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

Phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo


Ngoài những nội dung trên, nhiều ý kiến đại biểu đề cập đến vai trò và trách nhiệm của xã hội về PCTN, trong đó nhấn mạnh vai trò của người dân và báo chí cần phải được thể hiện rõ ngay trong những điều khoản quy định, đặc biệt là cơ chế bảo vệ người tố cáo, phóng viên khi điều tra, phản ánh. Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng: Chương VI của dự luật quy định về vai trò và trách nhiệm của xã hội về PCTN, về cơ bản không có gì mới so với luật hiện hành. Các quy định về vai trò của các cơ quan báo chí, doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp còn rất mờ nhạt, mang tính thống kê các nhiệm vụ đối với các đối tượng này mà không nêu được cơ chế và điều kiện bảo đảm phát huy vai trò của các đối tượng này.

Thảo luận nội dung này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) băn khoăn dự luật sửa đổi lần này cũng nhắc lại vai trò, trách nhiệm báo chí, nhưng điều bổ sung lại đòi hỏi cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi chống tham nhũng có trách nhiệm cung cấp nội dung thông tin, tài liệu yêu cầu cho những người đứng đầu Viện Kiểm sát và Tòa án ở địa phương để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng, y như đối xử với người dưới quyền của mình, trong khi không hề có biện pháp bảo vệ an toàn cho các nhà báo, cơ quan báo chí.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng,
lẽ ra phải là sự cộng tác có trách nhiệm thì trong luật lại là sự ràng buộc như điều kiện, "khiến cho các nhà báo tốt nhất là đừng dính vào đấu tranh chống tham nhũng để nghỉ cho khỏe, lại tránh được những cạm bẫy nguy hiểm. Những biện pháp để bảo vệ nhân chứng hầu như vẫn chưa được rõ lắm trong bản dự thảo nên chưa khuyến khích để người dân có trách nhiệm vào cuộc. Do đó, phải mở ra một mặt trận rộng rãi các tầng lớp nhân dân, trong đó có báo chí vào cuộc, cũng có nghĩa là phải củng cố được lòng tin thì mới vào trận được.


Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm