Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Làm mới hay vá lại con đường “tráng xi măng trên cát” ở Bắc Ninh?

Thứ hai, 19/06/2017 - 12:41

Ngay sau khi sự việc được Báo Lao Động phát hiện và đăng tải, ông Lê Ngọc Tuyển - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh - đã nhanh chóng khẳng định, sẽ yêu cầu nhà thầu thi công lại toàn bộ đoạn đường có dấu hiệu bị rút ruột.

Chọc thủng lớp áo bêtông dầy 2cm thì lộ ra đất và cát phía dưới. Ảnh: BĐ.

Sẽ cho làm lại

Như Báo Lao Động đã thông tin, dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 284 đoạn Lãng Ngâm - Đại Bái (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) được UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định phê duyệt vào tháng 9.2015; chiều dài toàn tuyến là 2,1km; xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 5 đồng bằng; mặt đường rộng 6,5m; lớp trên bêtông ximăng dầy 25cm; tổng mức đầu tư dự án là trên 18 tỉ đồng, trong đó chi phí xây lắp là khoảng 10 tỉ đồng.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng đưa vào sử dụng, con đường đã lộ ra nhiều bất cập khiến người dân địa phương, dù muốn hay không, vẫn không thể không nghi vấn: Có hay không việc chủ đầu tư là Ban quản lý xây dựng dự án giao thông Bắc Ninh buông lỏng trách nhiệm để đơn vị thi công là Công ty TNHH Đăng Mạnh mặc sức làm ẩu, làm láo hòng ăn bớt?

Thực vậy, trong những ngày đầu tháng 6.2017, có mặt trên con đường tai tiếng "tráng xi măng trên cát", nhóm PV Báo Lao Động đã tận mắt thấy chất lượng đáng ái ngại tại công trình này.

Có thể dùng tay không móc được cát dưới lớp bêtông mỏng . Ảnh: LN.

Theo đó, con đường bêtông chỉ dài hơn 2km, mới đi vào sử dụng được vài tháng mà đã bong tróc, nứt nẻ, sụt lún nhiều chỗ. Đặc biệt, trên mặt đường còn chằng chịt dấu vết sửa chữa, chắp vá bằng cả xi măng lẫn nhựa đường... Tệ hại hơn, tại một số đoạn, có thể dễ dàng chọc thủng lớp bê tông trên mặt đường, để lộ ra bên dưới là đất sét, cát sỏi lổn nhổn…

Trả lời PV Báo Lao Động, ông Lê Ngọc Tuyển - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh - khẳng định, sẽ sớm yêu cầu nhà thầu thi công lại toàn bộ tuyến đường. Theo ông Tuyển, đó là giải pháp thích hợp nhất và nhà thầu là đơn phải chịu trách nhiệm bồi hoàn bởi dự án chưa được nghiệm thu.

Không dễ để làm lại

Tương tự, ông Vũ Tử Trọng - Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng giao thông, thuộc Sở GTVT Bắc Ninh - khi trả lời PV báo chí, cũng cho biết, đã tức tốc yêu cầu tư vấn giám sát chỉ đạo nhà thầu triển khai thi công lại hạng mục này, dự kiến ngay trong tháng 6.2017.

Theo thông tin cơ quan này cung cấp, ngay khi nhà thầu cắt bê tông khe co giãn (bê tông mặt đường đang bảo dưỡng), tư vấn giám sát đã phát hiện một số vết bong đoạn từ km2+790 đến 3+155. Sau đó, tư vấn giám sát đã lập biên bản về việc có một số vết bong không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu đơn vị thi công báo cáo tình hình quản lý chất lượng công trình, đề xuất biện pháp khắc phục, sửa chữa vị trí mặt đường bị bong, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trước khi nghiệm thu.

Bề mặt con đường có giá trị gần 10 tỉ đồng chi chít những vết trám vá. Ảnh: LN.

Đến khoảng tháng 5 và 6.2017, với mục đích lấp liếm cho xong chuyện, nhà thầu đã chọn phương án khắc phục cẩu thả bằng cách đi trám lại các lỗ hổng bằng nhựa đường, sau đó đào lên lấp lại bằng xi măng, nhưng do “vải thưa không che nổi mắt người dân” nên cuối cùng vẫn bị phát hiện và tố giác.

Tiếp tục trao đổi với PV Báo Lao Động về cam kết “làm lại”, kỹ sư Vũ Đông Giang (Phó Giám đốc Công ty Xây dựng Vietbuild) tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của những lời hẹn hứa trên.

Ông nói: “Làm lại là làm lại những gì? Bóc đi làm lại toàn bộ hay chỉ cào cào lên rồi lấp xuống để xoa dịu dư luận? Tôi cho rằng bê tông ở con đường này rõ ràng không đạt chất lượng, làm lại đồng nghĩa với việc bóc hết tất cả lên, vận chuyển phế phẩm đi nơi khác rồi đổ bê tông lại toàn bộ đoạn đường. Như thế mới được coi là làm lại đúng nghĩa”.

Kỹ sư Giang nêu quan điểm, ông không có niềm tin vào khả năng đơn vị thi công sẽ bóc đi làm lại bởi nếu như thế, sẽ ngốn một chi phí khổng lồ. “Tôi đã làm xây dựng nhiều năm. Trong trường hợp tương tự, nhà thầu sẽ tìm đủ mọi cách để được khắc phục chứ ít khi chịu làm lại...” - ông Giang khẳng định.

Vị kỹ sư cũng lưu ý các cơ quan chức năng, đặc biệt người dân địa phương, hãy cùng nhau phát huy vai trò giám sát chặt chẽ quá trình “làm lại” con đường "tráng ximăng trên cát" này.

Một điểm trên mặt đường đào lên chỉ toàn cát bên dưới. Ảnh: LN. Ông nói: "Nếu chủ đầu tư và đơn vị giám sát đã nghiệm thu và thanh toán hơn 80% giá trị công trình thì vụ việc sẽ rất phức tạp. Việc thuê một đơn vị độc lập khoan mẫu bê tông hiện trường là rất cần thiết, không chỉ nhằm mục đích xác định chất lượng mà còn xác định khối lượng (độ dày lớp bê tông) có đúng thiết kế hay không?"Trong trường hợp nhà thầu từ chối làm lại hoặc cố tình trì hoãn thi công, cần kiểm tra toàn bộ quá trình nghiệm thu, thanh toán của dự án. Quy rõ trách nhiệm các bên liên quan. Nếu có sự cố tình làm trái quy định, móc nối ăn chia (tài sản nhà nước) thì sẽ phải điều tra theo hướng vụ án hình sự".Tương tự, kỹ sư Hoàng Hải Nam (Công ty CP Tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng - CONINCO) cũng không tin nhiều vào khả năng nhà thầu sẽ chịu "bóc đi, làm lại". Bên cạnh đó, kỹ sư Nam còn nhấn mạnh vào yếu tố kinh tế địa phương nếu dự án phải sửa chữa, làm lại."Việc sửa chữa, làm lại tuyến đường không chỉ ảnh hưởng đến khoản tiền đầu tư của nhà nước bởi nguy cơ đội vốn mà còn tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng tiêu cực. Bây giờ, rõ ràng đường chậm đưa vào sử dụng ngày nào là thông thương khó khăn ngày ấy. Vì sự tắc trách của chủ đầu tư, của đơn vị giám sát mà để nhà thầu làm như vậy, không thể đơn giản chỉ nói câu "đã yêu cầu làm lại" mà rũ bỏ được trách nhiệm liên quan".Theo Long Nguyễn/LĐO

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm