Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ít vụ có dấu hiệu tham nhũng được chuyển cơ quan điều tra

Thứ ba, 06/05/2014 - 10:01

(Thanh tra)- Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội nhưng số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra còn ít.

Xử lý một số vụ việc, vụ án thiếu kiên quyết

Những năm qua đã tiến hành một số cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN tại một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91. Kết quả đã chỉ ra những bất cập, hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện pháp luật về PCTN, kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định; nâng cao nhận thức của người đứng đầu, cán bộ, công chức về công tác PCTN; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện tốt hơn các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, từ đó triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo quy định của pháp luật về PCTN.

Qua thanh tra phát hiện các dạng sai phạm: Làm trái quy trình, thủ tục, quy định của Nhà nước, đầu tư một số dự án vượt thẩm quyền, áp dụng sai chế độ, định mức; hạch toán sai kết quả sản xuất, kinh doanh; đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận thấp. Điển hình là thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; thanh tra tại Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn; thanh tra việc thực hiện quản lý Nhà nước về dược của Bộ Y tế.

Công tác phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát theo quy định của pháp luật cũng đạt kết quả nhất định. Những vụ án có dấu hiệu tham nhũng do cơ quan thanh tra, kiểm toán chuyển sang cơ bản được khởi tố, điều tra và xử lý. Tuy nhiên, một trong số những hạn chế còn tồn tại là hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội nhưng số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra còn ít. Ngoài ra, một số vụ việc, vụ án chưa có sự phối hợp tốt dẫn đến việc xử lý một số vụ việc, vụ án thiếu kiên quyết, kéo dài.

Hiện nay, các cơ quan đang chủ động phối hợp chặt chẽ theo Thông tư liên tịch số 12 quy định việc trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu về PCTN và Thông tư Liên tịch số 02 quan hệ phối hợp giữa cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra, viện kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố; xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan của Đảng với các cơ quan thanh tra, kiểm toán, tư pháp trong công tác PCTN để có sự phối hợp chặt chẽ hơn, thường xuyên hơn.

Xử lý 4 trường hợp kê khai không trung thực

Minh bạch tài sản, thu nhập được Đảng và Nhà nước nhận định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa tham nhũng, đã và đang được triển khai rộng rãi trong các cơ quan, các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp Nhà nước, lực lượng vũ trang. Mặc dù việc kê khai tài sản, thu nhập đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm túc việc xác minh tài sản, thu nhập chưa được chủ động tiến hành nhằm làm rõ tính trung thực của việc kê khai.

Quá trình triển khai việc kê khai, đã xử lý kỷ luật 3 trường hợp kê khai không trung thực (trong đó 2 trường hợp tại Bộ Công an, 1 trường hợp tại Cty Cao su Bình Thuận); 58 trường hợp bị xử lý kỷ luật do chậm kê khai, chậm tổng hợp, báo cáo.

Để bảo đảm cho việc minh bạch tài sản, thu nhập đi vào thực chất hơn, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản thu nhập và Kế hoạch số 376/KH-TTCP ngày 6/3/2014 thành lập 9 tổ kiểm tra tại 56 đơn vị về việc thực hiện quy định minh bạch tài sản thu nhập năm 2013. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng có Văn bản số 330/TTCP-C.IV ngày 28/2/2014 đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện việc minh bạch tài sản, thu nhập năm 2013.

Người tố cáo tham nhũng được bảo vệ

Các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo ngày càng được hoàn thiện. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2012/NĐ-CP quy định các biện pháp bảo vệ người tố cáo và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo. Các bộ, ngành liên quan đã ban hành Thông tư Liên tịch số 03 quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng được đánh giá là đã thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước trong công tác PCTN, đồng thời nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của quần chúng nhân dân.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả trong bảo vệ, khích lệ đối với người tố cáo tham nhũng, Thanh tra Chính phủ tiếp tục chủ trì soạn thảo 2 thông tư: Thông tư Liên tịch về khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng; Thông tư Liên tịch quy định việc trích lập, quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng về PCTN nhằm phù hợp với Luật Tố cáo. Dự kiến, các thông tư liên tịch này sẽ được thông qua và ban hành vào quý II/2014.

Hoàng Long

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm