Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hiến kế định hướng kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng

Thái Hải

Thứ sáu, 18/08/2023 - 14:40

(Thanh tra) - Tại hội thảo đề tài khoa học học cấp quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam” với chủ đề “Quan điểm định hướng về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN”, các đại biểu đều cho rằng cần tìm hiểu nguyên nhân tham nhũng, vai trò của các thiết chế xã hội trong kiểm soát quyền lực nhằm PCTN và hiến kế nhiều quan điểm định hướng để kiểm soát quyền lực nhằm PCTN.

GS.TS Phạm Hồng Thái, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TH

GS.TS Phạm Hồng Thái, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội: Nếu không xác định đúng nguyên nhân sẽ khó có thể PCTN

GS.TS Phạm Hồng Thái, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận vấn đề “Định hướng nghiên cứu phát triển lý thuyết về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam” cho rằng để phát triển lý thuyết về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam, theo quan điểm cá nhân cần tập trung nghiên cứu và trả lời những câu hỏi như: nguyên nhân của tình trạng tham nhũng ở Việt Nam hiện nay? Có những nguyên nhân nào khách quan, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân sản sinh ra từ trong lòng chế độ xã hội... “Nếu không xác định đúng sẽ khó có thể PCTN” - ông Thái nói.

Ông Thái đặt câu hỏi: Tại sao có rất nhiều thiết chế đều có vai trò trách nhiệm trong kiểm soát quyền lực PCTN mà kết quả không như mong đợi, phải chăng nguyên nhân là do pháp luật, do con người, hay do nguyên nhân nào khác?

Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở nước ta, tuy đã có quyết tâm chính trị nhưng để kiểm soát PCTN cần có chiến lược, chiến thuật, kỹ năng kiểm soát quyền lực nhằm PCTN.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kiểm soát việc thực hiện quyền lực của các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND; kiểm soát việc thực hiện trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trên tất cả các mặt hoạt động của các thiết chế này và nhiều vấn đề khác.

PGS.TS Bùi Xuân Đức, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Tăng cường giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân

Theo PGS.TS Bùi Xuân Đức, để kiểm soát quyền lực nhằm PCTN chúng ta cần tăng cường giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân. Vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và nhân dân đối với bộ máy Nhà nước tuy được hiến định và đề cao, song trên thực tế, cơ chế để Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện quyền giám sát của mình chưa được quy định đầy đủ và cụ thể.

Cần tập trung sự giám sát vào hoạt động thực thi quyền lực của các thiết chế chính trị, bộ máy công quyền (như việc đề ra chủ trương, chính sách đúng hay chưa, tệ quan liêu, lạm dụng quyền lực, vô trách nhiệm) vào tư cách đạo đức của cán bộ, đảng viên (suy thoái, tha hóa, biến chất, làm giàu bất chính); giám sát tham nhũng, lãng phí và giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, giám sát hoạt động tư pháp (giám sát quyết định hành chính sai trái, bản án oan sai).

PGS.TS Bùi Xuân Đức, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TH

“Không nên chỉ quy định MTTQ nhận đơn và chuyển đơn đến cơ quan, cá nhân có thẩm quyền như hiện nay, mà phải quy định rõ quyền và trách nhiệm của MTTQ cùng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, xác minh, làm rõ vụ việc. Trước khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quyết điịnh giải quyết cần có ý kiến thống nhất của MTTQ”, ông Đức cho hay.

MTTQ Việt Nam các cấp cần tiếp nhận phân loại đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nghiên cứu những vụ việc bức xúc để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và giám sát việc giải quyết của cơ quan đó, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại, tố cáo có liên quan đến tham nhũng, lãng phí.

Mặt khác, đối với những vụ việc mà MTTQ có văn bản kiến nghị gửi đến người có thẩm quyền giải quyết mà không giải quyết, chậm giải quyết hoặc để kéo dài hoặc giải quyết không đúng pháp luật thì cần quy định rõ hình thức chế tài xử lý nghiêm minh.

Khâu phát hiện, tập hợp, kiến nghị và giám sát việc giải quyết kiến nghị có vị trí rất quan trọng trong toàn bộ công tác Mặt trận và các tổ chức tham gia PCTN.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt Luật PCTN, MTTQ các địa phương trong cả nước cần kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Ban Thanh tra nhân dân; đồng thời phát huy dân chủ, động viên nhân dân và Ban Thanh tra nhân dân đẩy mạnh các hoạt động giám sát để phòng ngừa và phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí.

Ngoài ra, thường xuyên tổng hợp những ý kiến, kiến nghị bức xúc của cử tri nhân dân, nhất là những ý kiến, kiến nghị có liên quan đến PCTN, lãng phí để kiến nghị với cơ quan Đảng, Nhà nước có trách nhiệm xem xét, giải quyết và theo dõi giám sát việc giải quyết đó.

Tăng cường hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở cơ sở và hướng công tác MTTQ xuống cơ sở để thống nhất hành động của các hội quần chúng, tập hợp những người tiêu biểu có uy tín, thông qua họ để động viên nhân dân, phát huy quyền làm chủ, đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng ở các cấp chính quyền, góp phần xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh; giải quyết dứt điểm các điểm nóng có thể xảy ra…

Theo PGS.TS Bùi Xuân Đức, giám sát trực tiếp của nhân dân đối với hoạt động của các thiết chế nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức nhà nước có ý nghĩa to lớn trong kiểm soát quyền lực Nhà nước.

Để tăng cường và phát huy vai trò giám sát trực tiếp của nhân dân đối với quyền lực Nhà nước nhằm PCTN cần nhận thức đầy đủ, vai trò, ý nghĩa của giám sát trực tiếp của nhân dân đối với quyền lực, PCTN, tiêu cực; xác định rõ chủ thể, đối tượng, phương thức giám sát của loại hình giám sát trực tiếp của nhân dân; khuyến khích nhân dân khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm, tham nhũng; mở rộng hơn nữa sự công khai, minh bạch, trách nhiệm cung cấp thông tin, giải trình của các thiết chế quyền lực, bảo đảm sự liên kết, trách nhiệm giữa các cơ cấu quyền lực với nhân dân; phát huy vai trò của thực hiện dân chủ ở cơ sở với PCTN; phát huy vai trò của thực hiện dân chủ ở cơ sở với PCTN; xây dựng và hoàn thiện thể chế để nhân dân giám sát.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TH

PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội: Phân định rành mạch quyền hạn, trách nhiệm các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Tại tham luận “Nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực của Nhà nước và xã hội đối với việc thực thi quyền lực của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm PCTN”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí cho rằng, cần phân định rành mạch, rõ quyền hạn, trách nhiệm các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trên cơ sở chức năng tố tụng hình sự.

Phân định chủ thể tố tụng dựa trên tiêu chí chức năng cơ bản của tố tụng hình sự, sẽ có các chủ thể buộc tội, chủ thể gỡ tội (bào chữa) và chủ thể xét xử sẽ cơ bản khắc phục được những hạn chế trong quy định pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, đồng thời bảo đảm được sự bình đẳng giữa các chủ thể buộc tội và chủ thể gỡ tội cũng như bảo đảm cho vai trò “trọng tài” của tòa án trong việc đưa ra các phán quyết của mình.

“Phân định chủ thể tố tụng theo cách này các chủ thể sẽ kiểm soát lẫn nhau trong hoạt động tố tụng giải quyết vụ án xuất phát từ nhu cầu, mục đích tự thân các chủ thể, do đó sẽ nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong tố tụng hình sự, hạn chế lạm quyền, chống và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp; viện kiểm sát và cơ quan điều tra tiến hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát có vai trò chỉ huy điều tra, phê chuẩn kết luận điều tra, quyết định truy tố hay không truy tố và bảo vệ quan điểm truy tố tại phiên tòa…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm