Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công tác phòng, chống tham nhũng đồng bộ, hiệu quả

Phương Anh

Chủ nhật, 11/02/2024 - 06:30

(Thanh tra)- Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, năm 2023 đã triển khai đồng bộ, thống nhất và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) thuộc lĩnh vực mà ngành quản lý. Qua đó, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) của công dân cũng được thực hiện nghiêm túc.

Thông qua thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Bộ LĐTB&XH chưa phát hiện trường hợp có dấu hiệu tham nhũng. Ảnh: PA

Lồng ghép nội dung PCTN trong các cuộc thanh tra hành chính

Theo Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH, ngay từ đầu năm 2023, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ đã có những chỉ đạo sâu sát, kịp thời, thường xuyên. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí được các cơ quan, đơn vị thuộc bộ thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh phòng ngừa, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Bộ LĐTB&XH đã kịp thời ban hành kế hoạch PCTN, tiêu cực, trong đó tiếp tục yêu cầu các đơn vị thuộc bộ tự nhận diện lĩnh vực có nguy cơ, dấu hiệu tham nhũng để phòng ngừa và tổ chức tốt việc thực hiện kế hoạch; cùng với đó xây dựng kế hoạch thanh tra của Bộ, lồng ghép nội dung thanh tra PCTN trong các cuộc thanh tra hành chính.

Ngoài ra, Bộ thực hiện tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để minh bạch hoá, tăng cường quản lý Nhà nước và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; đồng thời thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực tới toàn bộ công chức, viên chức, người lao động, đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục. Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra tham nhũng tại các đơn vị.

Đáng lưu ý, Bộ LĐTB&XH và các đơn vị xây dựng kế hoạch định kỳ chuyển đổi vị trí công tác năm 2023 kèm danh sách các công chức, viên chức chuyển đổi năm 2023 và các tổ chức thực hiện theo phân cấp. Năm 2023, bộ chuyển đổi 37 vị trí công tác đối với người không giữ chức vụ, quyền hạn.

Trong năm 2023, Ban Cán sự Đảng Bộ, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH chỉ đạo thực hiện nội dung cải cách hành chính, tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, công khai thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cải cách tài chính công theo chỉ đạo của Chính phủ.

Trong kỳ báo cáo, thông qua thanh tra, kiểm tra, tại bộ chưa phát hiện trường hợp có dấu hiệu, hành vi tham nhũng. Không phát hiện, xử lý tham nhũng qua hoạt động giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ.

Kết quả công tác thanh tra và phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng qua hoạt động thanh tra, bộ đã thực hiện 11 cuộc thanh tra hành chính, ban hành 10 kết luận thanh tra, phát hiện 160 thiếu sót, sai phạm.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN

Thực hiện Luật PCTN và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo, triển khai việc kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, bộ đã tổ chức bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên 23 người tại 9 đơn vị thuộc, trực thuộc được xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 Đến thời điểm báo cáo, bộ đã kết thúc xác minh tài sản, thu nhập của 23 người có nghĩa vụ kê khai tại 9 đơn vị thuộc bộ (đạt 100%).

“Thông qua thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Bộ LĐTB&XH chưa phát hiện trường hợp có dấu hiệu tham nhũng”, Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH cho biết.

Ban Thanh tra nhân dân đã tiến hành hoạt động giám sát theo quy định tại Nghị định số 159/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Thông qua kết quả giám sát hàng năm, Ban Thanh tra nhân dân đã kiến nghị với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị khắc phục những hạn chế, thiếu sót, bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công chức, viên chức, người lao động, góp phần quan trọng vào công tác PCTN, tiêu cực.

Các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, đơn vị thuộc bộ thông qua hoạt động sinh hoạt như: Các buổi nói chuyện chuyên đề, học tập chính trị, phát động các cuộc thi… tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác PCTN tại cơ quan, đơn vị…

Để thực hiện tốt và đồng bộ, thống nhất công tác PCTN hơn nữa, Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH cho biết, thời gian tới, Bộ LĐTB&XH tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng uỷ và lãnh đạo Bộ trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực trong toàn ngành. Xác định công tác PCTN, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động trong ngành về công tác PCTN. Tăng cường chỉ đạo hoạt động xây dựng thể chế, qua đó tăng cường phòng ngừa tham nhũng, phục vụ cho hoạt động quản lý Nhà nước của ngành trên tất cả các lĩnh vực được giao.

Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành theo quy định. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về công tác PCTN, tiêu cực đối với các đơn vị thuộc bộ để kịp thời nắm bắt tình hình, hướng dẫn các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện công vụ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm