Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chống tham nhũng trên báo phải kiên quyết, dũng cảm và sáng suốt

Thứ hai, 04/07/2011 - 11:00

(Thanh tra)- Từng được giao nhiệm vụ phụ trách một tờ báo Đảng của địa phương khi mới 18 tuổi, hiện nay, khi đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhà báo lão thành Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) luôn tâm huyết khi chia sẻ những bài học về nghề nghiệp làm báo. Với ông, chống tham nhũng (CTN) trên báo phải kiên quyết, dũng cảm và sáng suốt.

nhà báo lão thành Đỗ Phượng chia sẻ cùng phóng viên Báo Thanh tra

+ Ông suy nghĩ như thế nào về chuyện báo chí CTN?

- Trong lịch sử các quốc gia và lịch sử xã hội, cuộc đấu tranh CTN là không có điểm dừng, chỉ có loại hình, tính chất và mức độ tham nhũng khác nhau. Vì vậy, nếu định thời hạn để giải quyết vấn đề tham nhũng thì khó có thể làm được. Bởi, ngay cả những nước phát triển, luật pháp rất hà khắc, chi tiết nhưng vẫn “khui” ra những vụ tham nhũng nghiêm trọng, chỉ khác là những nhũng nhiễu lặt vặt không hoặc ít xảy ra.

Vấn đề là phải có thái độ, cách nhìn tương đối toàn diện về tham nhũng. Trong một hội nghị T.Ư, tôi từng nói với các lãnh đạo cấp cao của Nhà nước: Bản thân tư tưởng Hồ Chí Minh là cả một học thuyết rất mênh mông. Vì vậy, nếu học theo Bác là học theo phong cách Bác, trong đó có PCTN. Cái quan trọng là tổ chức Đảng, chính quyền ở cơ sở đừng để xảy ra tình trạng xa dân, dân ghét bởi sự lợi dụng chức quyền, làm giàu bất chính từ tham nhũng. Nếu không tìm cách từng bước giải quyết triệt để, nhất là với những vụ nổi cộm sẽ làm mất lòng tin của nhân dân. Mà mất lòng dân thì nguy hiểm và có thể đe dọa cho chế độ, cho Nhà nước.

Báo chí có vai trò rất tích cực, rất có hiệu lực trong CTN. Vì đề cập một vụ việc liên quan đến tham nhũng sẽ đánh động sự quan tâm của dư luận và có thể hạn chế được tham nhũng.

+ Nhiều năm làm lãnh đạo TTXVN, vụ CTN nào làm ông nhớ nhất?

- Đó là vụ việc mà TTXVN làm về PCTN liên quan tới một lãnh đạo tỉnh - Ủy viên T.Ư Đảng. Sau khi được dư luận nhắc nhở về sự tự phê bình, lãnh đạo này không thực hiện mà còn phản bác lại. TTXVN dự định tiếp tục đăng tin cuối cùng liên quan tới vụ việc. Tôi đã trực tiếp gặp Tổng Bí thư lúc đó là đồng chí Nguyễn Văn Linh để báo cáo vì nếu đăng sẽ đặt Bộ Chính trị vào cuộc họp, hoặc là kỷ luật Ủy viên T.Ư Đảng kia hoặc kỷ luật TTXVN. Đương nhiên sau đó Bộ Chính trị đã chọn phương án thứ nhất bởi sự dũng cảm và thông tin đúng luật với đầy đủ chứng lý của báo chí.

+ Từ kinh nghiệm của mình, với báo giới, đặc biệt là các nhà báo làm công tác PCTN, ông có những lời khuyên nào?

- Trong đấu tranh phê bình trên báo, đặc biệt là đấu tranh PCTN, người ta nói đến chữ: Kiên quyết, dũng cảm và sáng suốt. Nhà báo phải tính toán nếu thành công thì sẽ đem lại gì cho xã hội còn nếu tác động nhỏ thì đừng mất công sức, mất quan hệ xã hội về những vấn đề không quan trọng lắm. Không nên bất cứ thứ gì liên quan đến PCTN cũng “lao đầu vào”. Đối với những vấn đề tham nhũng liên quan đến lợi ích cá nhân, hoặc nhóm người có nguy cơ, nguy hiểm lớn, ảnh hưởng xấu địa phương và uy tín của Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân thì phải kiên quyết, dũng cảm đấu tranh. Nếu có bị “tác động” phải tìm cách “tác động” lại, như gõ cửa các cơ quan kiểm tra Đảng. Với thời điểm hiện tại và tư duy của các nhà báo cũng không đến nỗi bị “bít cửa”. Vấn đề là phải đánh giá được vấn đề mình nêu lên đáng phải quyết tâm làm bằng được hay không.

Cuộc đấu tranh CTN của báo chí gắn liền với các thời kỳ và các thế hệ làm báo. Đây là một trong những trách nhiệm của báo chí, vai trò của báo chí trong PCTN, động viên quần chúng, cổ vũ sự dũng cảm trong PCTN, nhất là với những báo làm công tác bảo vệ pháp luật như Báo Thanh tra, Pháp luật... Đồng thời, đấu tranh CTN trên báo phải nhìn toàn cục và phải phân biệt tham nhũng lặt vặt với những nguy cơ tham nhũng với việc giảm tín nhiệm của các tổ chức Đảng, chính quyền với lòng dân. Đặc biệt là những điểm ở bộ phận công chúng nhạy cảm thì phải làm quyết liệt đến cùng và phân định được đúng, sai; quy rõ trách nhiệm để xây dựng lòng tin của công chúng đối với tờ báo cũng như lòng tin của công chúng vào Đảng, Nhà nước.

+ Cám ơn ông về cuộc trò chuyện và chúc ông có thật nhiều sức khỏe để có thêm những bài báo có giá trị!

Hữu Oanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm