Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cháy nhà mới ra... mặt quan

Thứ sáu, 15/08/2014 - 17:46

(Thanh tra) - Việc ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM mất số tiền gần 1,6 tỷ đồng ở cơ quan, và trước đó, hàng loạt cán bộ, công chức, lãnh đạo bị mất cả trăm cây vàng, khiến thiên hạ bàng hoàng. Không biết, số tiền ấy ở đâu ra mà nhiều thế? Trong khi đó, năm nào các cán bộ này cũng đều kê khai tài sản.

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM. Ảnh: Trà Vân

Đây không phải lần đầu tiên quan chức lộ tài sản lớn sau khi bị trộm. Trước đó đã có hàng chục vụ án quan chức, lãnh đạo bị trộm đột nhập vào nhà, cuỗm hàng khối vàng, tiền, thậm chí lấy cả ô tô đi mà không hề hay biết. Có những ông chỉ là quan chức huyện nhưng tài sản bị trộm lên tới cả chục tỷ đồng khiến không ít người choáng váng.

Giữa tháng 7/2014, TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt tổng cộng gần 72 năm tù cho 4 bị cáo gồm: Nguyễn Mạnh Quân, Lê Đình Đạt, Nguyễn Quốc Nam, Nguyễn Ngọc Thuận cùng về tội “trộm cắp tài sản”.

Cách đây hơn 1 năm, 4 đối tượng trên đã thực hiện vụ trộm cắp tại nhà riêng của vợ chồng ông Đặng Xuân Thọ - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum và bà Trần Thị Xuân Lan - Trưởng phòng Tổ chức Cục thuế tỉnh Gia Lai. Trong lúc tìm kiếm, Quân phát hiện dưới gầm giường một valy khóa số, bên trong có nhiều vàng thẻ đóng gói thành dây bọc trong túi nilon, nhiều nhẫn vàng, bông tai, lắc vàng, dây chuyền vàng... Tổng số tài sản do nhóm trộm lấy tại nhà ông Thọ khoảng 2,792 tỷ đồng.

Cũng tại TP HCM, ngày 5/12/2011, nhà một cán bộ Chi cục Thuế bị trộm đột nhập. Chiếc két sắt trong phòng ngủ bị cạy, tài sản bên trong biến mất. Theo trình báo của nạn nhân, tên trộm đã lấy đi 10 lượng vàng SJC, 2 bông tai hột xoàn, 1 nhẫn kim cương, 6.000 USD, 12 cuốn sổ tiết kiệm trị giá 5 tỷ đồng đứng tên người vợ. Tổng giá trị số tài sản này là hơn 6 tỷ đồng.

Hay như, ngày 25/6/2013, ba tên trộm đã đột nhập vào nhà một nữ cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An và lấy đi 57 lượng vàng cùng 50 triệu đồng tiền mặt. Chồng nạn nhân là cảnh sát giao thông thuộc Công an tỉnh Nghệ An, đã về hưu.

Chưa kể, “siêu trộm” còn đột nhập hàng chục nhà quan chức, cuỗm 10 tỷ đồng. Đó là, vụ án “siêu trộm” Đặng Ngọc Tân (SN 1982, Đà Nẵng) thu hút sự chú ý của dư luận bởi số lần trộm cắp và số tài sản rất lớn. Đặc biệt, “siêu trộm” này chỉ thích đột nhập nhà quan chức.

Cụ thể, từ tháng 3/2008 đến tháng 4/2011, Tân đã 45 lần đột nhập tư gia các doanh nhân, quan chức và thành công 36 vụ, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Trong danh sách hàng loạt nạn nhân có một vị giám đốc sở (bị mất 110 cây vàng miếng SJC), con trai của một vị lãnh đạo thành phố… Toàn bộ tiền trộm được, Tân mua ô tô hiệu Venza với giá hơn 1,53 tỷ đồng và mua căn nhà 3 tầng tại tổ 10, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.

Tại tòa, “siêu trộm” này khai nhà đại gia, quan chức mới lắm tiền nhiều của chứ nhà dân thường lấy đâu ra tiền mà đột nhập vào “cho mất công”.

Không ít cán bộ, công chức sở hữu những biệt thự đẹp, nhưng do người thân đứng tên. Ảnh minh họa: Trà Vân

Các quan... giàu cỡ nào

Ở Việt Nam đã có rất nhiều công cụ để giám sát tài sản của cán bộ như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Cán bộ Công chức. Để xác minh tài sản của cán bộ thì nhiều cơ quan có thể vào cuộc như: Ủy ban Kiểm tra, Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan điều tra.

Pháp luật quy định cán bộ phải giải thích được sự gia tăng của tài sản. Nếu không giải thích được sự tăng lên bất thường của tài sản thì có nghĩa là không minh bạch. Nếu như là tiền sạch thì cán bộ phải có trách nhiệm chứng minh.

Trong các quy định đều nêu rõ cán bộ phải có trách nhiệm giải trình, chứng minh số tiền đó là tiền mồ hôi nước mắt đã tích tụ trong nhiều năm, hoặc tiền do con cái ở nước ngoài gửi về, tiền do thừa kế từ ông bà, cha mẹ...

Nếu những giải trình này là hợp lý thì không sao. Chúng ta cũng không quá khắt khe với việc cán bộ, công chức có tài sản một cách chính đáng bởi vì dân có giàu thì nước mới mạnh.

Nếu cán bộ, công chức không giải trình được thì rõ ràng người đó có vấn đề. Nếu phát hiện ra sự chuyển dịch tài sản cho con cháu, người thân trong gia đình thì các cơ quan điều tra phải vào cuộc.

Các cơ quan điều tra cần cần xác định đối tượng là con, cháu, người nhà của cán bộ liệu có được khối lượng tài sản lớn như thế hay không.

Thời gian vừa qua, cơ quan thanh tra đã tiến hành trên 64.000 cuộc thanh tra nhưng chỉ chuyển sang cơ quan điều tra 464 vụ, chiếm 0,6%. Chúng ta xử lý hành chính nhiều dẫn tới một bộ phận quan chức nhờn luật.

Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có những cơ chế giám sát chặt chẽ, đặc biệt đối với người ở những vị trí dễ lạm dụng chức vụ để tham nhũng như quản lý đất đai công sản, thu chi ngân sách, quản lý tài chính, bổ nhiệm đề bạt cán bộ, ban hành chính sách…

Để giảm tối đa tham nhũng, nên đưa tất cả các khoản thu nhập của cán bộ công chức vào trong các thẻ để không sử dụng tiền mặt. Hạn chế sử dụng tiền mặt thì mới kiểm soát được tài sản của cán bộ.

“Tôi cho rằng những người nắm giữ những vị trí nhất định trong xã hội phải có thu nhập trước hết là đủ sống, sau đó là có thể tích lũy và đầu tư cho việc tái tạo sức lao động. Họ phải đủ sống để không có sự xà xẻo tiền của Nhà nước. Bên cạnh việc đề xuất sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, cần phải thấy được trách nhiệm của người đứng đầu với việc quản lý cán bộ, công chức, trong đó có quản lý tài sản của công chức. Chỉ đến khi kẻ trộm ra tay, thiên hạ mới biết các vị quan chức này sở hữu khối tài sản không nhỏ so với đồng lương công chức”, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh.

Kê khai tài sản là một chủ trương đúng, không chỉ ở Việt Nam mà các nước tiên tiến hay các nước có chế độ xã hội khác nhau đều thực hiện, đều có sự giám sát quyền lực. Chủ trương này không có gì mới nhưng hiệu quả ở Việt Nam chưa cao. Theo đó, tất cả cán bộ, công chức phải khai báo hết và cần có cơ quan kiểm tra. Các đồng chí lãnh đạo càng cao càng phải kê khai. Từ trên cao xuống đều phải công khai tài sản, mà phải công khai trên báo chí, cơ quan đại chúng, trên bản thông tin của cơ quan chứ không phải chỉ dừng ở hồ sơ lưu cơ quan. Công tác phát hiện tham ô, tham nhũng nước ta còn quá hạn chế, thực tế cả hệ thống kiểm tra, thanh tra, giám sát cả trong Đảng, trong cơ quan quản lý Nhà nước, xã hội đều có nhưng phát hiện tham nhũng chưa hiệu quả.

“ Tôi cho rằng, phải dựa vào dân, cụ thể là cán bộ, công nhân viên, người trong xã hội. Chúng ta có hệ thống chính trị. Trong hệ thống đó, các thành viên đều nói nhiều về thành tích. Nhưng các vấn đề bức xúc của xã hội thì hệ thống chính trị đã làm gì, trước là tổ chức Đảng, sau đó là cơ quan Nhà nước, rồi tổ chức Công đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên. Hiện nay, phát lộ nhiều vấn đề xã hội đến mức báo động, đó là điều mà khiến cơ quan Nhà nước phải kiểm điểm”, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói..

Trà Vân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

(Thanh tra) - Đó là phát biểu chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang quán triệt, triển khai nội dung chỉ đạo trọng tâm về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thông tin về một số vi phạm phổ biến trong các vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế, tiêu cực.

Nam Dũng

16:50 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm