Trách nhiệm cao trước nhân dân… Cách đây hơn 31 năm, ngày 14/1/1982, tàu vận tải vỏ sắt trọng tải 50 tấn do Việt Nam sản xuất mang số hiệu BTT-07 thuộc Cty Vận tải thủy Bình Trị Thiên nhận nhiệm vụ chở đường ống dẫn nước bằng kim loại từ TP Hải Phòng vào Nha Trang, Khánh Hòa. Ngày 4/2/1982, tàu rời Cảng Hải Phòng và mất tín hiệu rồi mất tích từ đó. Trên tàu có 9 người gồm 8 thủy thủ quê Quảng Bình cùng Thuyền trưởng Lê Thành Bùi và 1 thuyền viên quê Nghệ An. Sau khi tàu cùng các thuyền viên mất tích, Cty Vận tải thủy Bình Trị Thiên, Sở Giao thông Vận tải Bình Trị Thiên và gia đình thuyền viên đã có nhiều đơn, văn bản gửi UBND tỉnh Bình Trị Thiên (nay là tỉnh Quảng Bình) và các cơ quan chức năng đề nghị giúp đỡ, tìm kiếm và làm rõ việc mất tích của tàu BTT-07 cùng các thuyền viên… Công an tỉnh Bình Trị Thiên đã tiến hành điều tra, xác minh. Ngày 4/7/1984, Công an tỉnh có Công văn số 281/PA17 trả lời Cty Vận tải thủy Bình Trị Thiên: “… Tháng 2/1982, có 1 tàu trọng tải khoảng 50 - 60 tấn của Bình Trị Thiên, trên tàu có nhiều người đã đậu ở khu vực dành riêng cho tàu thuyền “tị nạn” gần đảo Xanh ở Hồng Kông”. Không tin đó là sự thật, bà Phạm Thị Thanh cùng vợ và con trai của Thuyền trưởng Lê Thành Bùi cho rằng, các thuyền viên tàu BTT-07 đã gặp nạn và chết trên biển nên có đơn khiếu nại (KN) Công văn 281; đồng thời đề nghị giải quyết chế độ, chính sách cho các thuyền viên. Sau khi nhận được đơn KN, ngày 25/8/1986, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Trị Thiên có Công văn số 342/PA17 trả lời như sau: “… Lê Thành Bùi và đồng bọn đã lợi dụng tàu của Nhà nước trốn ra nước ngoài, đúng ra phải bị truy tố trước pháp luật theo Điều 88 và 135 của Bộ luật Hình sự… Do vậy, không thể có một chính sách chiếu cố nào đối với thân nhân của những thuyền viên tàu BTT-07”.Gia đình thân nhân những thuyền viên được Thanh tra Bộ Công an minh oan “vượt biên” đã từng hàng chục năm sống trong khó khăn vì bị kỳ thị, phân biệt đối xử và tổn thương danh dự. Ảnh tư liệuVới cái án “vượt biên” này, gia đình những thuyền viên trên đã phải chịu cảnh sống trong khó khăn, kỳ thị, phân biệt đối xử, danh dự gia đình bị tổn thương nghiêm trọng… Kể từ đó, các gia đình liên tục có đơn kêu cứu từ địa phương đến tỉnh đề nghị minh oan và khẳng định chồng, cha họ không “vượt biên” và đề nghị giải quyết chế độ chính sách… Cho đến đầu năm 2008, đơn thư kêu cứu đã được gửi đến Bộ Công an để thụ lý giải quyết. Là người được Thanh tra Bộ Công an giao làm trưởng đoàn thanh tra xác minh vụ việc, Đại tá Xuất khi đó đang làm Trưởng phòng Xét khiếu tố. Với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, ông cùng đoàn thanh tra đã tiến hành xác minh tỷ mỷ, thận trọng từ nhiều nguồn, nhiều địa phương, nhất là từ những người đã từng xác minh, người ra quyết định trả lời KN của Công an tỉnh Bình Trị Thiên năm 1986 nay đã nghỉ hưu hoặc còn đang công tác… Kết quả cuối cùng, Tổ Công tác đã kết luận: “Việc Công an tỉnh Bình Trị Thiên kết luận: Lê Thành Bùi và đồng bọn lợi dụng tàu Nhà nước trốn ra nước ngoài… là không có cơ sở. Tàu BTT-07 cùng các thuyền viên mất tích cho đến nay là chưa rõ nguyên nhân; hủy Công văn số 342/PA17 của Công an tỉnh Bình Trị Thiên…”. Đồng ý với kết quả xác minh, ngày 22/6/2009, Bộ Công an đã ban hành Quyết định giải quyết KN số 1755/BCA-V24, giao Thanh tra Bộ chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình, Công an tỉnh Quảng Bình, đại diện lãnh đạo Công an các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế… mời các gia đình, thân nhân thuyền viên tàu BTT-07 đến dự công bố quyết định giải quyết KN của Bộ trưởng Bộ Công an. Đại tá Xuất nhớ lại, tại buổi công bố, nhiều người thân của các thuyền viên đã khóc và tâm sự mặc dù là muộn nhưng chồng, cha, anh em của họ đã được minh oan. Họ cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Bộ Công an đã quan tâm chỉ đạo sát sao các đơn vị chức năng của Bộ, Công an tỉnh Quảng Bình, các đơn vị liên quan… làm rõ sự thật và đưa ra kết luận khách quan mang lại danh dự và làm giảm đi nỗi đau mất mát, đau thương cho gia đình họ. UBND tỉnh Quảng Bình hiện đã và đang phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành chức năng địa phương giải quyết chế độ, chính sách cho thân nhân các thuyền viên của tàu BTT-07. Chìa khóa giải quyết KN Trong vụ KN này, Bộ Công an đã chỉ đạo Thanh tra Bộ phải phối hợp với Công an các tỉnh xác minh cẩn thận, tỷ mỷ nhằm giải quyết dứt điểm, không để KN kéo dài thêm nữa, thể hiện ý thức không che giấu khuyết điểm và phải có tinh thần trách nhiệm trước nhân dân. Đây là chìa khóa để giải quyết KN thành công.Đại tá Xuất là trưởng đoàn thanh tra được lãnh đạo Bộ giao đi xác minh và đã làm rõ những nỗi oan khuất mấy chục năm cho gia đình những quân nhân trên con tàu định mệnh ngày hôm đó…Tổ Công tác đã tiến hành thẩm tra, làm việc với các đơn vị chức năng và các cá nhân của Công an các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Tổ Công tác đã gặp ông Nguyễn Văn Đằng (nguyên cán bộ Phòng PA17, Công an tỉnh Bình Trị Thiên), là người lập dự thảo văn bản trả lời đơn KN của vợ con Thuyền trưởng Bùi năm 1986 và trình lãnh đạo Công an tỉnh ký, trả lời. Ông Đằng cũng thừa nhận do sức ép của trên và tự nhận một phần trách nhiệm khi nói rằng, với tài liệu thu thập được thì chưa đủ cơ sở để kết luận các thuyền viên đã lợi dụng tàu Nhà nước trốn đi nước ngoài… Xác minh và tìm gặp một số thủy thủ tàu Kinh Thầy, những người mà Công an tỉnh Bình Trị Thiên cho là đã thấy tàu BTT-07 ở Hồng Kông, họ đều khẳng định là không nhìn thấy tàu này tại Hồng Kông như báo cáo của Công an tỉnh này… Đại tá Xuất cho biết, mặc dù Tổ Công tác đã đi xác minh ròng rã hàng tháng trời ở các tỉnh (Bình Trị Thiên lúc này đã tách thành 3 tỉnh), nơi có các đơn vị, cá nhân liên quan đến con tàu BTT-07… nhưng hầu như không còn tài liệu nào lưu trữ cũng như không có thông tin nào khác về con tàu BTT-07 bị mất tích. Để bảo đảm thận trọng, khách quan, trong quá trình xác minh, Tổ Công tác cũng đã tham khảo ý kiến của nhiều thủy thủ, thuyền viên hoạt động thời điểm đó, họ cho biết: Khi tàu BTT-07 chở hàng từ Hải Phòng vào Nha Trang là thời điểm có gió mùa Đông Bắc, biển động mạnh, tàu do Việt Nam đóng với trọng tải nhỏ nên khó chống chọi với sóng to, trên tàu lại không có máy thu phát vô tuyến điện, chỉ có radio nghe báo thời tiết nên khả năng con tàu này đã gặp nạn trên biển và không phát được tín hiệu thông báo để được cứu nạn… Trước khi tham mưu cho lãnh đạo Bộ ra quyêt định giải quyết KN, Tổ cCông tác cũng đã tranh thủ ý kiến tư vấn của các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp… nhằm phối hợp chặt chẽ và bảo đảm tính thống nhất trong giải quyết KN và kiến nghị giải quyết chế độ, chính sách cho thân nhân các thuyền viên tàu BTT-07. Kết thúc câu chuyện nghi án “vượt biên” đã được Thanh tra Bộ minh oan, Đại tá Xuất rút ra: Kết luận vụ việc tàu BTT-07 của Công an tỉnh Bình Trị Thiên trong Công văn số 342/PA17 ngày 25/8/1986 là do ý thức chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến oan khuất cho những người bị mất tích và thân nhân họ là việc làm cần được rút kinh nghiệm sâu sắc làm bài học chung!Hồng Minh