Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng thống Colombia đề nghị điều tra con trai về cáo buộc tham nhũng

Hoài Phương

Thứ hai, 06/03/2023 - 21:26

(Thanh tra) - Văn phòng Tổng Chưởng lý Colombia cuối tuần qua cho biết, sẽ bắt đầu điều tra các cáo buộc rằng Nicolas Petro - con trai cả của Tổng thống Gustavo Petro đã nhận tiền từ nhóm buôn bán ma túy để đổi lấy việc đưa những người này vào các nỗ lực hòa bình của Tổng thống.

Nicolas Petro, con trai cả của Tổng thống Gustavo Petro bị vợ cũ cáo buộc nhận tiền từ những kẻ buôn bán ma túy. Ảnh: EL TIEMPO

Theo Hãng tin Reuters, Nicolas Petro, một nhà lập pháp ở tỉnh Atlantico đã phủ nhận các cáo buộc, khẳng định bản thân không liên quan gì đến những nỗ lực của Tổng thống trong việc mang lại "hòa bình toàn diện" cho Colombia. Ông gọi những cáo buộc là "vô căn cứ và gây tổn hại".

Trước đó, trong một tuyên bố hôm 2/3, Tổng thống Gustavo Petro cho biết, ông hy vọng anh trai của mình là Juan Fernando Petro và con trai Nicolas Petro sẽ có cơ hội chứng minh mình vô tội. Juan Fernando Petro cũng đã bác bỏ những cáo buộc tương tự nhằm vào mình.

Tổng thống đã kêu gọi Văn phòng Tổng Chưởng lý tiến hành điều tra xung quanh các cáo buộc. Trên tài khoản Twitter vào cuối ngày 2/3, Nicolas Petro bày tỏ sự hoan nghênh đối với cuộc điều tra.

Văn phòng Tổng Chưởng lý cho biết trong một tuyên bố rằng, nhóm điều tra sẽ gặp người phụ nữ đưa ra cáo buộc chống lại Nicolas ở Barranquilla và đánh giá xem liệu người này có cần bất kỳ sự bảo vệ nào hay không.

Người phụ nữ đưa ra cáo buộc là vợ cũ của Nicolas Petro. Người này nói với truyền thông địa phương rằng, 2 kẻ bị buộc tội liên quan đến buôn bán ma túy đã đưa tiền cho Nicolas cho chiến dịch tranh cử của ông Gustavo Petro, cùng với các hành vi tham nhũng khác.

Cũng theo các công tố viên, hồi tháng 1 vừa qua, một cuộc điều tra về các cáo buộc chống lại anh trai của Tổng thống Gustavo Petro đã được khởi động.

Theo Reuters, Chính phủ của Tổng thống Petro đang soạn thảo một đạo luật cho phép các băng nhóm tội phạm, bao gồm cả những kẻ buôn bán ma túy, ra đầu thú và làm chứng về các hoạt động của chúng để đổi lấy những lợi ích hợp pháp như giảm án.

Nỗ lực đó là một phần trong cam kết của ông Petro nhằm mang lại "hòa bình toàn diện" cho đất nước Colombia - nơi có cuộc xung đột vũ trang nội bộ kéo dài 6 thập kỷ đã giết chết ít nhất 450.000 người.

Tổng thống Colombia Gustavo Petro hy vọng anh trai của mình là Juan Fernando Petro và con trai Nicolas Petro sẽ có cơ hội chứng minh mình vô tội. Trong ảnh: Ông Gustavo Petro tham dự phiên họp "Lãnh đạo cho Mỹ Latinh" trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2023 tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 18/1/2023. Ảnh: REUTERS/Arnd Wiegmann

Ông Gustavo Petro là nhà lãnh đạo theo đường lối cánh tả đầu tiên tại Colombia lên nắm quyền và phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế - xã hội nhằm giảm thiểu đói nghèo và bất bình đẳng tại một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng chia rẽ trong xã hội và bạo lực ở Mỹ Latinh.

Tại lễ nhậm chức ngày 7/8 năm ngoái, ông Gustavo Petro cam kết, sẽ tìm kiếm một hướng đi hòa bình toàn diện để chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang kéo dài tại quốc gia Nam Mỹ này, trong đó đặc biệt chú trọng tới khả năng nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với nhóm vũ trạng Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN), cũng như xem xét tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình đã ký từ năm 2017 với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã giải giáp.

Trong dịp kỷ niệm 100 ngày đầu cầm quyền của ông Gustavo Petro, một trong những thành tựu nổi bật đã được nêu, đó là Luật Hòa bình Toàn diện được phê duyệt. Đây là một trong những luật chính sẽ giúp Colombia có các công cụ pháp lý và cho phép mở ra các quá trình đàm phán, có thể là chính trị, với lực lượng ELN, hoặc đàm phán hợp pháp, với các băng nhóm buôn bán ma túy.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Colombia cũng kịch liệt lên án hành vi tham nhũng liên quan đến những kẻ buôn ma túy.

Theo ông Gustavo Petro, rất nhiều người đã hi sinh trong công cuộc chống buôn bán ma túy. Thế nên, nếu cuối cùng, một số quan chức nhà nước lại trở thành cây cầu và công cụ để nối lại mục tiêu cho hoạt động bất chính của những kẻ phạm tội, sẽ là điều không thể chấp nhận được.

Colombia là 1 trong 9 quốc gia của thế giới nằm trong danh sách cần theo dõi, giám sát chặt chẽ trong năm nay về chỉ số tham nhũng khu vực công, theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI).

Năm 2022, Colombia đạt 39 điểm CPI (chỉ số cảm nhận tham nhũng), cho thấy 3 năm liên tiếp quốc gia này "dậm chân tại chỗ", không có những cải thiện đáng kể về chống tham nhũng khu vực công.

TI cho rằng, chiến thắng của ông Gustavo Petro trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 đã tạo ra kỳ vọng về sự thay đổi ở Colombia. Các dòng tài chính bất hợp pháp bắt nguồn từ tham nhũng và tội phạm có tổ chức là những rào cản đối với việc đạt được chương trình nghị sự xã hội, kinh tế và môi trường của đất nước.

Theo TI, Colombia cần minh bạch hơn trong hệ thống chính trị, kiểm soát tốt hơn các cơ chế mua sắm công, độc lập hơn trong các cơ quan giám sát và hệ thống tư pháp, và bảo vệ người tố cáo.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm