Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ ba, 22/03/2022 - 07:00
(Thanh tra) - Còn 8 năm nữa sẽ đến mốc 2030 - năm đích thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Các quốc gia châu Phi không thể để phụ nữ ở lại phía sau và bên lề của sự phát triển, với các nguyên nhân đến từ tham nhũng.
Ảnh: TI
Có 54 quốc gia châu Phi đã đăng ký cam kết thực hiện các SDG, nhưng nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cho thấy, những quốc gia này có thể còn lâu mới đạt được các mục tiêu. Đáng chú ý, phụ nữ châu Phi là những nạn nhân đầu tiên và chịu ảnh hưởng nhiều nhất của bất bình đẳng và bị loại trừ khỏi nhiều hoạt động, một trong những lý do là bởi vấn nạn tham nhũng tồn tại dai dẳng.
Mới đây, tại Diễn đàn Khu vực châu Phi về phát triển bền vững lần thứ 8 tổ chức tại Kigali, Rwanda từ ngày 3 - 5/3 ghi nhận rằng, chi phí cơ hội của việc gạt phụ nữ ra ngoài lề lên tới 60 tỷ USD mỗi năm.
Phụ nữ có nhiều khả năng phải chịu rủi ro hối lộ khi tiếp cận dịch vụ công, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và y tế, do vai trò xã hội của họ là người chăm sóc chính đối tượng trẻ em và người già.
Một số nhóm nhất định, bao gồm phụ nữ nghèo, ít học và phụ nữ nông thôn, cũng như các nhóm khác có nguy cơ bị phân biệt đối xử, chẳng hạn như người khuyết tật và cộng đồng LGBTQ + (cộng đồng của những người có xu hướng tính dục cũng như bản dạng giới khác với những người có xu hướng tính dục và bản dạng giới thông thường), là những người đặc biệt dễ bị tổn thương bởi tham nhũng.
Năm 2019, TI đã khảo sát hơn 47.000 người ở 35 quốc gia châu Phi. Kết quả, cứ 4 người được khảo sát thì có 1 người đã phải trả tiền hối lộ. Phụ nữ (chiếm 2/3) và trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tham nhũng trong các hệ thống y tế công.
Tham nhũng, giới và nghèo đói là những vấn đề đi cùng với nhau
Nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bất bình đẳng, không chỉ vì họ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những người sống trong cảnh nghèo đói, mà bởi vì tham nhũng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện có do các mối quan hệ quyền lực không cân xứng.
Sự phổ biến của tham nhũng đất đai là một ví dụ điển hình. Tham nhũng tước đi quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ - một nguồn tài nguyên mà họ phụ thuộc rất nhiều vào để tồn tại. Điều này càng trở nên tồi tệ hơn bởi các truyền thống ngăn cản phụ nữ thừa kế đất đai và loại trừ họ khỏi các giao dịch mua bán đất hoặc nhận tiền đền bù thỏa đáng cho những mảnh đất mà họ bán.
Ở các quốc gia khác, nơi luật pháp hỗ trợ quyền đất đai của phụ nữ, việc thực thi thường yếu và các yêu cầu của phụ nữ thường bị gạt sang một bên bởi tập quán và phong tục truyền thống mà nam giới có thể thao túng để trục lợi.
Một phụ nữ Zimbabwe chia sẻ câu chuyện thực của mình rằng: "Đến lúc giao đất, người đứng đầu nói chúng tôi là những người mới đến địa phương này và nếu muốn có đất, tôi phải quan hệ tình dục với ông ta. Tôi buộc phải đồng ý vì chúng tôi nghèo và không có đất. Tôi chỉ làm điều đó vì muốn có đất, nhưng ông ta muốn quan hệ tình dục với tôi không chỉ một lần. Và khi tôi từ chối, ông ta ném tôi ra khỏi làng".
Ở Tanzania, nơi luật pháp cho phép phụ nữ và nam giới tiếp cận đất đai một cách bình đẳng, thì phong tục tập quán nơi đây lại quan niệm rằng, phụ nữ và đất đai của họ thường được xem là tài sản của nam giới. Khi phụ nữ không có tiền hoặc nguồn lực để chống lại điều này một cách hợp pháp, họ đôi khi buộc phải sử dụng cơ thể mình như một cách thức để hối lộ.
Và như thế, tham nhũng đất đai làm gia tăng chênh lệch giới, phá hoại sinh kế và vị thế xã hội của phụ nữ, đồng thời kéo dài tình trạng đói nghèo.
Hơn nữa, việc thông tin không được tiếp cận một cách dễ dàng và dễ hiểu, khiến nam giới cũng như phụ nữ thuộc các thế hệ, nguồn gốc khác nhau không biết về quyền đất đai của họ. Từ đó, họ không thể đòi hỏi quyền của mình và buộc những người có quyền lực phải chịu trách nhiệm.
Trong bối cảnh đó, để giải quyết tham nhũng trong cung cấp đất đai và các dịch vụ cơ bản một cách hiệu quả, chúng ta cần phát triển các giải pháp giải quyết tham nhũng một cách có hệ thống.
Cần thúc đẩy phát triển bao trùm và cải thiện sinh kế để chống tham nhũng
Khi các lỗ hổng tham nhũng trong một khu vực công nhất định được hiểu rõ (trong trường hợp này là đất đai và các dịch vụ xã hội cơ bản) thì những bên liên quan sẽ được trang bị tốt hơn để phát triển các chiến lược giải quyết vấn đề.
Các chính sách và thỏa thuận quản trị trong lĩnh vực đất đai cũng như việc cung cấp các dịch vụ cơ bản phải đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Điều này sẽ làm gia tăng mức độ tin cậy của công dân - với tư cách là những người sử dụng, thụ hưởng hợp pháp và giảm nguy cơ tham nhũng.
Nghiên cứu của TI cho thấy, các quốc gia đạt điểm cao nhất trong chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) là những nơi có dịch vụ công hoạt động với mức độ minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn.
Nhưng rõ ràng, một mình phụ nữ không thể chống tham nhũng trong các dịch vụ công và giành được khả năng tiếp cận đất đai của mình ở châu Phi. Điều này đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Để đảm bảo giải quyết vấn đề tham nhũng trong quản lý đất đai và các giao dịch đất đai, TI đang làm việc tại 8 quốc gia (Cameroon, Ghana, Kenya, Madagascar, Nam Phi, Uganda, Zambia và Zimbabwe) nhằm trang bị kiến thức và vận động phụ nữ yêu cầu minh bạch, trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực đất đai cũng như báo cáo các hành vi tham nhũng một cách an toàn và bảo mật.
TI cũng thúc đẩy và tạo áp lực cho các nhà hoạch định chính sách và các quyết định quốc gia thông qua luật, chính sách và biện pháp chống tham nhũng để ngăn ngừa, khắc phục tình trạng tham nhũng trong phân phối, thu hồi đất và quản lý tranh chấp. Đồng thời, tạo ra các trung tâm tri thức và kết nối các mạng lưới xã hội dân sự hiện có. Điều này được thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).
Bên cạnh đó, nhằm giải quyết các rào cản liên quan đến tham nhũng đối với bình đẳng giới trong giáo dục và chăm sóc sức khỏe ở châu Phi, TI đang thực hiện một dự án tập trung vào 5 quốc gia: Cộng hòa Dân chủ Congo, Ghana, Madagascar, Rwanda và Zimbabwe. Tại đó, tập trung vào sự thay đổi hiệu suất của các cơ sở công có năng lực, đảm bảo rằng các dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khỏe được cung cấp không có tham nhũng và sự thay đổi hành vi của công dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái và những người có nguy cơ bị phân biệt đối xử, báo cáo tham nhũng và yêu cầu trách nhiệm giải trình, minh bạch.
TI cũng hướng tới các bên liên quan có ảnh hưởng, những người có thể tham gia vào các liên minh và quan hệ đối tác để lồng ghép các vấn đề chống tham nhũng vào trong chương trình giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tạo ra một môi trường hỗ trợ để giảm các rào cản liên quan đến tham nhũng đối với bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Công việc này được hỗ trợ bởi Tổ chức Nghiên cứu các vấn đề toàn cầu Canada (Global Affairs Canada - GAC).
Không thể có một châu Phi thịnh vượng dựa trên tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững - như mong muốn và hình dung đã được đưa ra trong Chương trình Nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi - nếu phụ nữ không đạt được bình đẳng giới, tôn trọng nhân quyền và tiếp cận công lý. Hãy để những mục tiêu toàn cầu và mục tiêu khu vực này trở thành hiện thực.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.
Ngọc Anh
12:40 20/11/2024(Thanh tra) - Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) cho thấy, tham nhũng vẫn là rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh tại Bangladesh.
Đức Anh
10:22 19/11/2024Ngọc Anh
09:35 19/11/2024Nam Dũng
18:58 14/11/2024Đức Anh
15:46 14/11/2024Hoài Phương
14:37 14/11/2024Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân
Nhật Minh