Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ tư, 04/10/2023 - 18:00
(Thanh tra) - Nhóm Các quốc gia chống tham nhũng (GRECO) của Hội đồng châu Âu mới đây cho biết, Síp cần cơ chế buộc những người ở cấp cao nhất trong cơ quan hành pháp, thực thi pháp luật phải chịu trách nhiệm nhiều hơn để xóa bỏ hình ảnh "xấu xí" về nạn tham nhũng tràn lan.
Theo GRECO, Síp cần một hệ thống trách nhiệm giải trình mạnh mẽ hơn. Ảnh: Council of Europe
Trong báo cáo, GRECO đánh giá, luật pháp của Síp có vẻ mạnh mẽ trên giấy tờ nhưng lại bị giảm giá trị do những thiếu sót về thể chế, bao gồm nhiều cơ quan chống tham nhũng thiếu sự phối hợp, nguồn lực và thẩm quyền.
Theo GRECO, Síp cần một hệ thống trách nhiệm giải trình mạnh mẽ hơn trong Chính phủ để ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực và ngăn chặn nguy cơ các chính trị gia phục vụ lợi ích của doanh nghiệp lớn và người giàu.
Báo cáo cho biết, những nỗ lực nhằm chống lại mối quan hệ lợi ích Chính phủ và tư nhân này “có phạm vi hẹp”, đồng thời bổ sung thêm rằng, cần phải minh bạch hơn về tài sản của các chính trị gia và người dân cần được tiếp cận thông tin tốt hơn.
GRECO ca ngợi Síp vì đã thông qua luật mới vào năm ngoái để thành lập Cơ quan Chống tham nhũng, nhằm bảo vệ những người tố cáo và điều chỉnh hoạt động vận động hành lang, đồng thời dành nhiều nguồn lực hơn cho các đơn vị kiểm toán nội bộ tại các cơ quan công quyền.
Mặc dù vậy, GRECO lưu ý rằng, không có hệ thống nào được áp dụng để xác định các rủi ro tham nhũng lớn đối với những người ở các vị trí ra quyết định hàng đầu “một cách chiến lược”, hoặc yêu cầu họ phải trải qua quá trình kiểm tra lý lịch về sự liêm chính trước khi được bổ nhiệm.
Hiến chương Đạo đức mà những người được bổ nhiệm phải ký và tuyên thệ không đủ để đảm bảo rằng bất kỳ ai vi phạm lời thề sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.
Hơn nữa, pháp luật về vận động hành lang mới cần bổ sung “hướng dẫn có mục tiêu” cho những người được bổ nhiệm chính trị về cách họ nên ứng xử với những người vận động hành lang và những người khác, theo GRECO.
Tham nhũng tràn lan tại Síp là nguyên nhân khiến người dân mất niềm tin vào Chính phủ, ở mức cao hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác.
Một cuộc khảo sát ý kiến của khu vực châu Âu năm ngoái cho thấy, 94% người Síp tin rằng tham nhũng đang lan rộng ở nước này - cao hơn gần 30% so với mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU).
Sự sa sút niềm tin đó đã được gia tăng trong những năm gần đây bởi chương trình "đổi đầu tư lấy quốc tịch" (hay còn gọi là chương trình hộ chiếu vàng) hiện không còn tồn tại.
Chính sách này đã giúp các đối tượng xấu, chỉ cần có tiền, có thể thâm nhập EU dễ dàng, di chuyển tự do theo Hiệp ước Schengen về đi lại tự do trong lãnh thổ EU với những mục đích khác nhau, như tìm kiếm các mức thuế thấp, giáo dục ưu việt, thậm chí chạy trốn các bản án... gây ra những nguy cơ tiềm ẩn.
Chương trình đã kết thúc vào năm 2020 khi Chính phủ ra quyết định hủy bỏ trong bối cảnh có ý kiến cho rằng, các chính trị gia, nhà phát triển đất đai và luật sư đang thông đồng để bẻ cong luật đối với những người nộp đơn không đủ điều kiện.
Niềm tin vào cảnh sát ở Síp cũng thấp hơn so với hầu hết các nước thành viên EU khác.
GRECO cho biết, không có hệ thống nào để đánh giá sự liêm chính trong các thành viên của lực lượng. Việc kiểm tra các sĩ quan, từ khi tuyển dụng cho đến trong suốt sự nghiệp của họ, cần phải được củng cố.
Nhóm cũng cho rằng, các quyết định về cách thức thăng chức hoặc thuyên chuyển sĩ quan cần minh bạch hơn, đồng thời cần phải làm nhiều hơn nữa để tăng cường sự đại diện của phụ nữ trong tất cả các cấp bậc cảnh sát.
GRECO lưu ý sự cần thiết phải xem xét lại toàn diện cách nộp đơn và xử lý các khiếu nại, tố cáo chống lại cảnh sát, cũng như tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về cách xử lý chúng.
Bên cạnh đó, cũng cần cải thiện kỷ luật để đảm bảo các vụ việc được giải quyết kịp thời và hành vi sai trái sẽ bị trừng phạt một cách hiệu quả.
Cuối cùng, điều quan trọng là luật mới ban hành về bảo vệ người tố cáo phải đi đôi với các biện pháp thực thi phù hợp...
Việc thực hiện các khuyến nghị dành cho Síp sẽ được GRECO đánh giá vào năm 2025 thông qua quy trình tuân thủ của tổ chức này.
Phát biểu tại một diễn đàn chống tham nhũng tuần trước, Tổng thống Síp Nikos Christodoulides thừa nhận, niềm tin của công chúng vào Chính phủ và các cơ quan nhà nước đang ngày càng suy giảm.
Ông cam kết một loạt hành động nhằm giúp đẩy lùi nhận thức đó trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, bao gồm việc thành lập cơ quan kiểm toán nội bộ cho cơ quan hành pháp, ban thư ký điều phối và hỗ trợ để giám sát công việc của từng bộ, và một quy tắc ràng buộc về mặt đạo đức.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.
Ngọc Anh
12:40 20/11/2024(Thanh tra) - Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) cho thấy, tham nhũng vẫn là rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh tại Bangladesh.
Đức Anh
10:22 19/11/2024Ngọc Anh
09:35 19/11/2024Nam Dũng
18:58 14/11/2024Đức Anh
15:46 14/11/2024Hoài Phương
14:37 14/11/2024Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân
Nhật Minh
N. Phê - L. Bình
Trần Quý
Thái Hải
Văn Thanh
Văn Thanh
Văn Thanh
Trần Quý