Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ sáu, 08/07/2022 - 06:36
(Thanh tra)- Nhóm các quốc gia chống tham nhũng của Hội đồng châu Âu (GRECO), trong một báo cáo được công bố mới đây đã kêu gọi các biện pháp tiếp theo để ngăn chặn tham nhũng ở Serbia đối với những người có chức năng hành pháp hàng đầu, bao gồm cả lãnh đạo nhà nước, các bộ trưởng, cố vấn chính trị, cũng như lực lượng cảnh sát Serbia.
Ảnh: COE
Trong báo cáo đánh giá, GRECO ghi nhận vai trò trung tâm của Cơ quan Phòng chống tham nhũng Serbia ở nhiều khía cạnh, chẳng hạn: Thông qua kế hoạch liêm chính của các cơ quan công quyền để kiểm soát tham nhũng, kê khai tài sản của công chức, đào tạo và tư vấn cũng như các quy tắc vận động hành lang.
Hoạt động của Cơ quan Phòng chống tham nhũng Serbia dựa trên Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Vận động hành lang.
Tuy nhiên, theo GRECO, có một số lĩnh vực cần cải tiến.
Trước hết, GRECO kêu gọi một chiến lược công khai về phòng chống tham nhũng bao gồm những quy định rõ ràng đối với những người có chức năng điều hành cao nhất. Hơn nữa, các tiêu chuẩn liêm chính tương ứng với các chức năng điều hành cao nhất cần được tập hợp đưa vào trong quy tắc ứng xử, kèm theo hướng dẫn thực tế và các biện pháp trừng phạt trong trường hợp vi phạm. Cần tổ chức các cuộc họp giao ban và đào tạo có hệ thống và thường xuyên cho các quan chức hàng đầu về các tiêu chuẩn này.
GRECO nhấn mạnh, việc kê khai tài sản của những người có chức năng điều hành hàng đầu phải được giám sát một cách có hệ thống. Mặc dù có một số tiến bộ, nhưng Serbia cần phải tăng cường tính minh bạch của quy trình lập pháp đối với các dự thảo luật.
Tương tự, các mối liên hệ của Tổng thống và Chính phủ với các nhà vận động hành lang nên được báo cáo công khai...
Ngoài ra, do mức độ truy tố thấp, quyền miễn trừ dành cho các thành viên Chính phủ sẽ không bao gồm các hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng.
Đối với các cơ quan thực thi pháp luật, GRECO nhận thấy rằng, một chiến lược công khai về phòng chống tham nhũng trong cảnh sát nên được thông qua, dựa trên những lĩnh vực có nguy cơ đã được xác định. Các biện pháp cũng cần được thực hiện để đạt được một thủ tục công khai và minh bạch hơn đối với việc bổ nhiệm cảnh sát trưởng và các chức vụ quản lý cấp cao khác như một biện pháp ngăn ngừa chính trị hóa.
Hơn nữa, Bộ Quy tắc đạo đức cảnh sát hiện hành nên được sửa đổi để bao gồm tất cả các vấn đề liêm chính có liên quan và kèm theo các ví dụ thực tế. Việc đào tạo cho những tân binh và sĩ quan cảnh sát đang phục vụ nên dựa trên một quy tắc sửa đổi như vậy và là bắt buộc đối với tất cả mọi người.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra tính liêm chính trong suốt sự nghiệp của các cán bộ nhân viên cảnh sát cũng như luân chuyển cán bộ ở những khu vực dễ xảy ra rủi ro.
Cuối cùng, các biện pháp bảo vệ cần được thực hiện để đảm bảo các cuộc điều tra đủ độc lập và minh bạch đối với các khiếu nại chống lại cảnh sát và khuyến khích việc tố cáo.
Việc thực hiện các khuyến nghị đối với Serbia sẽ được GRECO đánh giá vào năm 2023 thông qua quy trình tuân thủ.
Cuộc chiến chống tham nhũng vẫn là một thách thức lớn đối với Serbia.
Theo báo cáo hồi tháng 4 của Hội đồng Tài chính, Kinh doanh Serbia, tham nhũng là một tội phạm có hệ thống phức tạp, làm suy yếu các thể chế và gây thiệt hại ít nhất 1,6% GDP quốc gia.
Phân tích về tác động của tham nhũng, ông Dejan Šoškić, giáo sư tại Khoa Kinh tế, Đại học Belgrade, đồng thời là cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Serbia, nhấn mạnh, tham nhũng giống như một căn bệnh ác tính khiến nền kinh tế trì trệ, giảm khả năng cạnh tranh, gia tăng nghèo đói và nợ quốc gia.
Cũng theo ông Šoškić, người đóng thuế phải gánh chịu thiệt hại do tham nhũng gây nên. Tất cả những điều này ngăn cản sự đổi mới, làm tiêu hao năng lượng kinh doanh vì nó khuyến khích những người tham nhũng chứ không phải những người có kiến thức, năng lực và hiệu quả công việc.
“Khi những người này không bị trừng phạt, tham nhũng sẽ tạo ra tham nhũng mới và lạm dụng gây phương hại cho sự phát triển; thúc đẩy những công dân trung thực với năng lực và sự hiểu biết rời khỏi đất nước”, giáo sư Šoškić nói thêm.
Còn theo đánh giá Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, từ năm 2016 đến nay chứng kiến sự đi xuống trong các nỗ lực chống tham nhũng của quốc gia Balkan này. Điểm số CPI của Serbia giảm từ 42 điểm (năm 2016) xuống còn 38 (năm 2021).
Hiện, Serbia xếp thứ 96/180 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình