Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nam Phi trước nguy cơ vào "danh sách xám" của FATF

Hoài Phương

Thứ ba, 08/11/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Năm 2019, Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền - tổ chức liên chính phủ (FATF) đã cảnh báo Nam Phi về mức độ tham nhũng cao. Nam Phi phải giải quyết việc tuân thủ 20 trong số 40 khuyến nghị của FATF trước tháng 2/2023 để không bị liệt vào "danh sách xám".

Ảnh: istock

Nếu có tên trong “danh sách xám”, điều này có nghĩa FATF đã nhận thấy sự “thiếu hụt mang tính chiến lược” trong khả năng của một nước trong việc kiểm soát rửa tiền và các hoạt động tài trợ khủng bố.

Những năm qua, Nam Phi đã thực hiện các bước khác nhau để giải quyết tham nhũng. Bao gồm:

- Cơ quan Công tố Quốc gia đã ghi danh các vụ án;

- Đơn vị Cưỡng chế Tài sản đã ra lệnh phong tỏa hoặc bảo toàn;

- Đơn vị Điều tra Đặc biệt đã tiến hành các vụ án của Tòa án Cấp cao;

- Các tổ chức ngân hàng của Nam Phi đã có các chính sách hợp lý để chống lại hoạt động tài trợ khủng bố.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều kẽ hở, và điều này khiến việc ban hành các quy định cần thiết và đảm bảo các thể chế có hệ thống phù hợp là cấp thiết.

Dự luật sửa đổi về chống rửa tiền và chống khủng bố của Nam Phi đã được đưa ra theo hướng cố gắng điều chỉnh theo một số khuyến nghị của FATF.

Thế nhưng, vẫn có những lo ngại về thời lượng hạn chế dành cho tham vấn cộng đồng đối với dự luật và việc thực hiện gấp rút sẽ tạo ra nhiều kẽ hở hơn.

Các tác động nếu vào “danh sách xám”

FATF được thành lập bởi nhóm 7 nước có nền kinh tế phát triển (G7) nhằm bảo vệ hệ thống tài chính toàn cầu. Hơn 180 khu vực pháp lý đã tham gia FATF và cam kết ở cấp bộ thực hiện các tiêu chuẩn của FATF và đánh giá hệ thống chống rửa tiền của họ.

Là một tổ chức liên chính phủ thiết kế và thúc đẩy các chính sách và tiêu chuẩn để chống tội phạm tài chính, FATF đã được mở rộng để cũng nhắm mục tiêu tới vấn đề tài trợ cho vũ khí hủy diệt hàng loạt, tham nhũng và tài trợ khủng bố.

Kể từ năm 2000, FATF đã duy trì danh sách đen (chính thức được gọi là “Kêu gọi hành động”) và danh sách xám (chính thức được gọi là “Các khu vực pháp lý được giám sát khác”).

Để tránh bị liệt vào "danh sách xám", Chính phủ Nam Phi cần chủ động giải quyết các mối quan tâm của FATF. Bởi, việc bị đưa vào danh sách này có thể khiến các quốc gia gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Các tác động thường được trích dẫn sẽ là:

1. Sự gia tăng ngay lập tức về loại rủi ro đối với tất cả các khách hàng Nam Phi của nhiều tổ chức tài chính quốc tế, đặc biệt là ở Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh. Các khách hàng Nam Phi sẽ phải nâng cao trách nhiệm giải trình, nghĩa là sẽ thường xuyên hơn (thường là hàng năm thay vì 3 năm một lần) và các cuộc đánh giá mang tính xâm lấn hơn (yêu cầu quản lý cấp cao trực tiếp báo cáo cho các đối tác nước ngoài) về chống rửa tiền và chống rủi ro tài trợ cho khủng bố.

2. Điều này sẽ làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp và cá nhân Nam Phi để giao dịch quốc tế và giữ tài khoản ngân hàng hoặc đầu tư ở nước ngoài. Đặc biệt, chi phí sẽ tăng lên đối với các ngân hàng Nam Phi để quản lý những mối quan hệ ngân hàng đại lý và các mối quan hệ với các nhà cung cấp toàn cầu như hệ thống thanh toán.

3. Nếu Nam Phi không được coi là hành động nhanh chóng trong việc giải quyết những khuyến nghị của FATF, các đối tác nước ngoài có thể quyết định giảm chi phí tuân thủ của họ bằng cách chấm dứt quan hệ với khách hàng Nam Phi và tránh bất kỳ mối quan hệ mới nào. "Danh sách xám" sẽ làm phức tạp thêm hỗ trợ phát triển chính thức và đa phương, bao gồm cả việc tài trợ cho nhu cầu đầu tư của Nam Phi.

4. Các nhà tài trợ đa phương có thể đưa ra các điều kiện liên quan đến tuân thủ về chống rửa tiền và chống rủi ro tài trợ cho khủng bố và tiến hành thẩm định chi tiết hơn.

5. Danh tiếng tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế của Nam Phi theo nhiều cách, cuối cùng dẫn đến giảm mối quan hệ kinh doanh với người Nam Phi.

Cộng hòa Mauritius là một ví dụ đã bị ảnh hưởng đáng kể sau khi bị đưa vào "danh sách xám" của FATF vào tháng 2/2020 và "danh sách đen" của EU.

Hoạt động kinh doanh với EU trở nên khó khăn hơn, với những hậu quả kinh tế tiêu cực. Đơn cử, việc nâng cao trách nhiệm giải trình đã dẫn đến sự chậm trễ nghiêm trọng trong hoạt động thanh toán của các ngân hàng và trong việc kết thúc các giao dịch nói chung. Có tác động tiêu cực đến thương mại, làm tăng chi phí giao dịch xuyên biên giới và hạn chế khả năng kinh doanh hiệu quả của quốc gia.

Chính phủ Mauriti đã phản ứng một cách dứt khoát, nhanh chóng tiến hành các biện pháp để củng cố các luật về chống rửa tiền và chống lại rủi ro tài trợ cho khủng bố hiện hành. Bên cạnh đó, việc hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân cũng cho thấy cam kết rất lớn của Mauriti.

Vào tháng 10/2021, các thành viên FATF đã đến thăm Mauritius và làm việc với Chính phủ, các hiệp hội lĩnh vực tài chính và đại diện ngân hàng. Ngay sau đó, FATF đã báo cáo về sự hài lòng với tiến độ của Mauritius trong việc củng cố khuôn khổ chống rửa tiền và chống lại rủi ro tài trợ cho khủng bố và loại quốc gia này khỏi danh sách xám.

Trong khi một quốc gia có thể mất tới 5 năm để thoát khỏi danh sách xám, Mauritius đã đạt được điều này chỉ sau 2 năm.

Ảnh: businesslive

Một số quốc gia được liệt kê trong danh sách xám và phản ứng của họ

Kể từ tháng 2/2021, Quần đảo Cayman đã có cam kết chính trị hợp tác với FATF và Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính Caribe để tăng cường hiệu quả của chế độ chống rửa tiền và chống lại rủi ro tài trợ cho khủng bố.

Quốc gia này hiện được yêu cầu tiếp tục thực hiện kế hoạch hành động để giải quyết những thiếu sót bằng cách chứng minh rằng, họ đang truy tố tất cả các loại vụ án rửa tiền phù hợp với hồ sơ rủi ro của khu vực tài phán và các cuộc truy tố như vậy sẽ dẫn đến các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc.

FATF đã thúc giục Quần đảo Cayman nhanh chóng hoàn thành kế hoạch hành động vì mọi thời hạn đã hết. Quần đảo Cayman phải giải quyết những thiếu sót vào tháng 2/2023.

Khác với Quần đảo Cayman, Pakistan đã cải thiện đáng kể chế độ chống rửa tiền và chống lại rủi ro tài trợ cho khủng bố. Pakistan đã tăng cường các quy định chống rửa tiền, chống rủi ro tài trợ cho khủng bố và giải quyết những thiếu sót được xác định vào tháng 6/2018 và tháng 6/2021. Quốc gia này đã giải quyết các vấn đề trước thời hạn vào tháng 6/2021.

Tiến độ của Nam Phi

Trong khi luật có hiệu lực đối với chống rửa tiền, chống rủi ro tài trợ cho khủng bố đang được tiến hành, Nam Phi thiếu các trình độ chuyên môn cần thiết để điều tra và truy tố các vụ án tham nhũng thương mại phức tạp.

Giống Mauritius, Chính phủ Nam Phi nên thể hiện cam kết chính trị nhằm củng cố các khuôn khổ lập pháp chống rửa tiền, chống rủi ro tài trợ cho khủng bố hiện có, đồng thời hợp tác chặt chẽ và nhanh chóng với khu vực tư nhân để thực hiện các khuyến nghị của FATF.

Bên cạnh đó, Nam Phi cần có sự phối hợp và hợp tác giữa các cấp chính quyền, chẳng hạn như Kho bạc Quốc gia, Quốc hội, Trung tâm Tình báo Tài chính và các cơ quan thực thi pháp luật khác nhau để thực hiện giám sát bổ sung đối với rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm