Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Giám đốc IMF kêu gọi cộng đồng quốc tế chống lại tình trạng bất bình đẳng gia tăng do COVID-19

Trần Minh Tuấn (theo The Guardian)

Thứ tư, 30/09/2020 - 10:13

(Thanh tra) - Bà Kristalina Georgieva nói rằng phải tăng cường hỗ trợ cho hầu hết các quốc gia dễ bị tổn thương

Những người phụ nữ bán ngô bên ngoài một khu chợ ở thành phố Mexico. Đại dịch COVID-19 đã gây thêm gánh nặng kinh tế cho những gia đình vốn đã rất khó khăn. Ảnh: Pedro Pardo / AFP / Getty Images

Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra một cảnh báo rằng COVID-19 sẽ dẫn đến một thế hệ chịu nhiều tổn thương trừ khi các quốc gia thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn đại dịch làm rộng thêm khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo.

Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Điều hành IMF, cho biết những hỗ trợ tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất phải được tăng cường để ngăn chặn những tác động tiêu cực lâu dài sẽ đảo ngược các nỗ lực chống đói nghèo trong những thập kỷ gần đây.

Viết cho tờ Guardian, bà Georgieva nói rằng nếu các quốc gia không hành động ngay thì toàn thế giới sẽ phải chịu ảnh hưởng, bởi sự bất bình đẳng trầm trọng sẽ dẫn đến nhiều biến động kinh tế và xã hội.

Xuất khẩu giảm, dòng vốn đầu tư giảm, ít khách du lịch hơn và lượng kiều hối giảm là “liều thuốc độc” cho 70 quốc gia có nguy cơ ảnh hưởng cao nhất.

“Cũng như những người có hệ thống miễn dịch kém dễ bị ảnh hưởng hơn bởi virus, các quốc gia thu nhập thấp dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động kinh tế hơn. Hơn một nửa trong số các quốc gia này đã có nguy cơ cao lâm vào cảnh túng quẫn nợ nần trước khi cuộc khủng hoảng bắt đầu."

Trong bài báo của mình, Giám đốc Điều hành IMF đã kêu gọi một phương pháp tiếp cận theo bốn hướng:

-       Các Chính phủ cần đưa vấn đề sức khỏe là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo có thể hoàn toàn thoát khỏi đại dịch, đặc biệt chú trọng đến nhóm người già và người dễ bị tổn thương.

-       Đảm bảo ngân sách được chi tiêu hợp lý bằng cách tập trung vào các lĩnh vực chi tiêu chính - như giáo dục - và kiềm chế tham nhũng.

-       Đặt nền móng cho tương lai bằng cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nền kinh tế kỹ thuật số, carbon thấp, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

-       Việc tăng cường hỗ trợ từ các nước giàu, yêu cầu phải tăng chứ không phải cắt giảm các nguồn viện trợ dưới hình thức viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ưu đãi và xóa nợ.

Bà Georgieva nói: “Nếu không thực hiện các biện pháp khẩn cấp, chúng ta có nguy cơ làm sâu sắc thêm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo trên toàn cầu. Những tác động tiêu cực sẽ rất rõ ràng - và không chỉ xảy ra ở các nước thu nhập thấp. Nó có nguy cơ lan ra khắp thế giới do sự gia tăng bất bình đẳng dẫn đến biến động kinh tế và xã hội. Hậu quả của tình trạng này sẽ còn tồn tại trong nhiều thập kỷ tới.”

Hơn 100 quốc gia đã tìm kiếm sự trợ giúp từ IMF kể từ khi cuộc khủng hoảng COVID-19 bắt đầu vào đầu năm nay và tổ chức có trụ sở tại Washington đã dự báo sản lượng toàn cầu giảm gần 5% vào năm 2020 - mức sụt giảm nghiêm trọng nhất kể từ cuộc đại suy thoái.

Những cập nhật về tình hình tăng trưởng sẽ được công bố tại cuộc họp thường niên trực tuyến của IMF vào tháng tới nhưng bà Georgieva cho biết chưa bao giờ chứng kiến tình trạng đói nghèo nghiêm trọng như hiện nay.

“IMF ước tính thiệt hại của đại dịch đối với nền kinh tế toàn cầu vào khoảng 12 nghìn tỷ đô la trong giai đoạn 2020-2021. Các quốc gia nghèo nhất - với nguồn lực và năng lực hạn chế - bị ảnh hưởng nặng nề nhất: Tăng trưởng ở các quốc gia có thu nhập thấp sẽ chững lại trong năm nay, so với mức 5% năm ngoái ”.

Bà Georgieva cho biết các nỗ lực xóa nợ cần phải tiến xa hơn nữa. Để đáp lại lời kêu gọi của IMF và Ngân hàng Thế giới, nhóm G20 gồm các nước phát triển và đang phát triển hàng đầu đã tạm ngưng các khoản thanh toán nợ song phương chính thức từ các nước nghèo nhất trong năm nay, giúp 42 quốc gia có thu nhập thấp có được khoảng 5 tỷ đô la. Bà nói: “Sáng kiến này có thể được mở rộng hơn nữa cùng với sự tham gia của các chủ nợ thương mại.”

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm