Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Điều tra bê bối nhập lậu ô tô

Thứ tư, 09/05/2018 - 06:35

(Thanh tra)- 18 người bị cấm rời khỏi nơi cư trú, thiệt hại ngân sách Nhà nước ít nhất là 2 tỷ FCFA (khoảng 3,65 triệu USD) và hơn 1.000 ô tô đăng ký trước bạ bất hợp pháp ở TP Abidjan (trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất Bờ Biển Ngà). Vụ bê bối đang gây chấn động Bờ Biển Ngà.

Một tấm biển kêu gọi chống tham nhũng, được dựng ven đường cao tốc ở TP Abidjan. Không biết những người lái xe ô tô nhập lậu đi qua chỗ này có "giật mình". Ảnh: JeuneAfrique

Pierre Alphonse Da - Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Bờ Biển Ngà cho biết, vụ bê bối này được phát hiện khi Tổng cục Hải quan nhận thấy có sự chênh lệch rất lớn trong đợt tổng kiểm tra số lượng xe khai báo nộp thuế qua hải quan và số lượng xe được đăng kiểm và đăng ký thực tế ở TP Abidjan, hồi cuối tháng 3 vừa qua.

Pierre Alphonse Da khẳng định: "Sau đợt tổng kiểm tra, chúng tôi nhận thấy có sự chênh lệch, không trùng khớp giữa dữ liệu của Hệ thống Kiểm soát ô tô nhập khẩu của Hải quan và dữ liệu đăng ký, đăng kiểm số lượng xe ô tô được phép lưu hành của Cơ quan Đăng kiểm ô tô (GUA) duy nhất của TP Abidjan. Cụ thể, có nhiều xe ô tô nhập khẩu nhưng không có hồ sơ lưu trong hệ thống lưu trữ của hải quan nước này, và như vậy, rõ ràng những ô tô này thuộc diện trốn thuế nhập khẩu hải quan nhưng lại vẫn được đăng kiểm, chắc chắn là "có vấn đề"".

Giám đốc GUA bị "sờ gáy"

Được "bật đèn xanh" bởi Chính phủ, người đứng đầu lực lượng hải quan cho biết đã thành lập 1 đội điều tra chuyên biệt, mục tiêu là làm rõ những ai tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào vụ bê bối này. Đến thời điểm này, 1 cái tên đang là tâm điểm của cuộc điều tra, đó là Mamadou Fofana, Giám đốc GUA TP Abidjan. Nhiều quan chức chính quyền TP Abidjan cũng đã bị thẩm vấn trong khuôn khổ cuộc điều tra về hành vi nhập lậu, đăng kiểm bất hợp pháp cho hàng nghìn xe ô tô tại TP Abidjan.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết thêm, cuộc điều tra cũng nhằm tìm ra bằng cách nào những ô tô nhập khẩu mới nguyên chiếc mà vẫn có thể "lách" qua được sự kiểm soát nghiêm ngặt của hải quan. Hơn nữa, nếu không có giấy tờ xác nhận của hải quan mà những chiếc ô tô nhập lậu này vẫn có thể đăng ký trước bạ được thì chắc chắn có đường dây làm giả giấy tờ hải quan cho những chiếc xe nhập lậu này. Cuộc điều tra đang tìm xem cơ quan, đơn vị, tổ chức hay cá nhân nào tham gia điều hành đường dây làm giả giấy tờ rất tinh vi và có quy mô rất lớn như vậy, và chắc chắn sẽ đưa những tổ chức, cá nhân sai phạm ra xử lý nghiêm trước pháp luật.

Ngân sách thất thu từ 3-18 triệu USD tiền thuế

Theo thông tin từ Viện Kiểm sát TP Abidjan, đến thời điểm này, đã có ít nhất 18 người bị thẩm vấn, cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ cho cuộc điều tra mà Tổng cục Hải quan đang tiến hành. Những người này đang phải đối mặt với ít nhất 4 tội danh: làm giả giấy tờ hải quan và ngân hàng; nhập lậu xe ô tô; biển thủ công quỹ; rửa tiền.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, theo con số chênh lệch mà cơ quan này phát hiện ra, thì có khoảng hơn 1.000 xe ô tô nhập lậu. Như vậy, số tiền thuế bị thất thu tương đương từ 2-10 tỷ FCFA (khoảng 3-18 triệu USD).

Cũng theo tiết lộ của Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, có 1 quan chức trong bộ máy Chính phủ dính dáng tới những hoạt động mờ ám của GUA duy nhất của TP Abidjan.

Vụ bê bối nhập lậu xe ô tô diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang đứng trước rất nhiều thách thức, đòi hỏi phải cải cách để phát triển càng sớm càng tốt. Hơn nữa, đời sống người dân Bờ Biển Ngà vẫn chưa thực sự được nâng cao, đại đa số người dân vẫn hoài nghi về những quan chức "liêm chính", bởi theo họ, số lượng quan chức giầu có nhờ làm ăn chân chính rất hiếm, còn những quan chức làm giầu bất chính, biển thủ, tham nhũng, nhận hối lộ thì "nhiều như sao trên trời".

Theo bảng xếp hạng Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2017 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Bờ Biển Nga đứng ở vị trí 103/180. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ Bờ Biển Ngà đã có rất nhiều biện pháp, nỗ lực nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là đầu tư của nước ngoài.

Chính phủ nước này cũng đã ra 1 sắc lệnh về chống tham nhũng (năm 2013), thành lập 1 lực lượng chuyên điều tra chống tham nhũng (năm 2012), thậm chí thành lập 1 cơ quan tối cao chuyên xử lý các vụ bê bối tham nhũng, hối lộ ở cấp Chính phủ (năm 2014), nhưng có vẻ cuộc chiến chống tham nhũng ở Bờ Biển Ngà vẫn chưa mang lại nhiều kết quả thực sự khả quan.


Nhật Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm