Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công cuộc đại cải tổ và lột xác của LPBank

Phúc Anh

Thứ năm, 01/02/2024 - 09:07

(Thanh tra) - Tổng cộng 2.505 nghị quyết, quyết định được ban hành là những con số đáng chú ý cho thấy khối công việc khổng lồ mà Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank) đã thực hiện trong năm 2023.

Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2023 vừa được ngân hàng công bố cho thấy, phần lớn các nghị quyết, quyết định năm 2023 của Hội đồng quản trị LPBank liên quan đến vấn đề thay đổi nhân sự, bao gồm bổ nhiệm/miễn nhiệm, điều chuyển, phân công, sắp xếp lại nhân sự. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có hàng loạt quyết định xếp lương, chi thưởng cho cán bộ nhân viên, khen thưởng các đơn vị kinh doanh…

Sự sôi động trong công tác quản trị tại LPBank gắn với giai đoạn chuyển biến, mở ra một thời kỳ mới của ngân hàng này. Theo đó, đây là năm hoạt động trọn vẹn đầu tiên của LPBank dưới sự lãnh đạo của thuyền trưởng mới – ông Nguyễn Đức Thụy.

Ông Thụy được bầu làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng từ 9/12/2022 và tiếp tục được tín nhiệm trong phiên họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra tháng 4/2023. Đồng thời, trong năm qua cũng chứng kiến một loạt sự thay đổi về nhân sự cấp cao, trong đó có việc bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Hồ Nam Tiến thay cho ông Phạm Doãn Sơn.

Sự thay đổi ở thượng tầng ngân hàng cũng dẫn đến việc thay đổi sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và mô hình hoạt động của LPBank. Bức tranh hoạt động và hiệu quả kinh doanh có sự chuyển biến rõ nét.

Việc sắp xếp lại toàn bộ hệ thống nhân sự được LPBank thực hiện theo hướng tối ưu khả năng và hiệu quả. Ngày 21/3/2023, Nghị quyết số 281 của HĐQT LPBank được ban hành với nội dung “tăng cường hiệu quả quản lý công tác, điều hành”. Ngày 15/4, LPBank tiếp tục ban hành nghị quyết về phương án tái cấu trúc tổng thể thu nhập và phúc lợi với cán bộ lãnh đạo gắn với kết quả kinh doanh.

Theo dữ liệu báo cáo tài chính, quỹ thù lao, lương thưởng và phúc lợi khác của HĐQT, Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc và các thành viên quản lý chủ chốt trong năm qua bị điều chỉnh giảm. Quỹ thù lao cho HĐQT giảm mạnh từ 21,2 tỷ đồng năm 2022 xuống còn 8,6 tỷ đồng; cho Tổng giám đốc và các thành viên quản lý chủ chốt khác giảm hơn một nửa từ 34 tỷ đồng xuống 15,7 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch HĐQT nhận thù lao 1 USD.

Ngược lại, LPBank lại tăng thù lao, lương thưởng cho Ban Kiểm soát từ 2,3 tỷ đồng năm 2022 lên gần 3,4 tỷ đồng năm 2023.

Số liệu tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV cho thấy, tại ngày 31/12/2023, số lượng nhân viên của LPBank là 10.627 người, giảm 1.576 người so với thời điểm đầu năm.

Tuy nhiên, điều thú vị trong khi thù lao cho lãnh đạo giảm, số lượng nhân viên giảm thì tổng quỹ lương, phụ cấp của nhân viên LPBank lại tăng khá mạnh.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, năm 2023, LPBank tăng chi phí cho nhân viên từ mức 3.039 tỷ đồng lên mức 3.234 tỷ đồng. Trong đó, chi lương và phụ cấp là 2.793 tỷ đồng (năm 2022 là 2.563 tỷ đồng).

Ước tính mức chi phí bình quân mà LPBank dành cho mỗi nhân viên trong năm 2023 là 24,1 triệu đồng/người/tháng, tăng rất mạnh so với mức 21,6 triệu đồng/người/tháng năm 2022.

Trong tháng 3/2023, ngân hàng cũng đã chấm dứt hoạt động của 59 phòng giao dịch bưu điện và dừng cung cấp dịch vụ ngân hàng tại 4 tổ chức giao dịch bưu điện nhằm tối ưu hoá mạng lưới, tăng hiệu quả hoạt động.

Kết thúc năm 2023, LPBank thu về 7.039 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 117% kế hoạch năm, tăng trưởng 24% so với 2022. Đặc biệt, ngân hàng tiếp tục nằm trong top đầu ngành về hiệu quả hoạt động với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 19,16%.

Trong năm qua, quy mô của ngân hàng cũng đã tăng đáng kể. Vốn điều lệ tăng mạnh từ 17.291 tỷ đồng lên mức 25.576 tỷ đồng tương ứng tăng 48% so với thời điểm đầu năm.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản LPBank đạt 382.863 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay khách hàng trong năm 2023 tăng 17%, đạt 275.431 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 10%, đạt 237.392 tỷ đồng. Hoạt động xử lý nợ cho thấy tính hiệu quả khá rõ nét khi tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cải thiện từ 1,46% năm 2022 xuống 1,34% năm 2023 – mức tương đối thấp so với trung bình ngành.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp bước vào giai đoạn "nước rút" cho các kế hoạch sản xuất kinh doanh mùa cao điểm, nhu cầu về vốn vì thế cũng tăng đột biến. Gói ưu đãi lãi suất đặc biệt với tổng hạn mức 6000 tỷ đồng đã được Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) triển khai từ nay cho đến 31/1/2025 nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

16:43 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm