Đề xuất giảm xuống còn phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ.

Đề xuất này được nhiều người mừng rỡ vì... lại được uống ít rượu bia trong khả năng chịu được mức phạt nhẹ kia. Nếu cứ mức phạt quá cao như trước đây, để duy trì thói quen thèm uống rượu bia là rất khó, nhiều người buộc phải nhịn rượu bia. Dĩ nhiên, tai nạn giao thông cũng được kéo giảm xuống.

Cũng vì đề xuất này được nhiều người "hoan nghênh nhiệt liệt" cho nên có thể nói đây là quy định được lòng nhiều người nhậu.

Dù là thỏa mãn được tâm lý thích uống rượu bia của người dân, thế nhưng vì đây là vấn đề an toàn cho sức khỏe, tính mạng con người khi tham gia giao thông, cho nên không phải cứ đáp ứng ý thích của người dân là được.

Nghĩa là, đã là vấn đề sinh mạng sức khỏe, thì tuy đã hợp tình, nhưng cũng cần phải xem có hợp lý không đã. Tức là về mặt khoa học, có đảm bảo tính hợp lý?

Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế, hồi năm 2019 đăng bài "Những nguy hại của rượu tới tâm thần kinh" nêu lên thực trạng "nước ta là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về tỷ lệ người sử dụng rượu. Có tới 77,3% nam giới sử dụng rượu bia, đây là con số cao nhất thế giới, gấp gần hai lần mức trung bình.

Nguy hại hơn, trong gần 18.500 bệnh nhân bị tai nạn giao thông thì có gần 67% người điều khiển giao thông có nồng độ cồn cao vượt mức quy định trong máu."

Đáng chú ý, bài báo đưa ra thông tin khoa học rất quan trọng liên quan đến "cơ chế gây nghiện rượu".

Nếu một người uống rượu nhiều lần, uống lâu dài sẽ bị nghiện. Có hai cơ chế gây nghiện rượu đó là:

Nghiện về thể chất: Nghiện về thể chất tức là các tế bào của hệ thần kinh hoạt động khi đã quen với một nồng độ rượu nhất định trong huyết thanh. Khi nồng độ rượu giảm đi thì các tế bào thần kinh không chịu hoạt động nữa khiến người nghiện rượu trở nên chậm chạp, lờ đờ và run tay chân tay. Đó gọi là hội chứng cai rượu với tình trạng ngộ độc rượu.

Nghiện rượu tâm lý: Người nghiện rượu bia quen với trạng thái bữa ăn nào cũng có rượu hoặc chiều nào cũng ngồi quán nhậu cùng bạn bè trong trạng thái lâng lâng với ý nghĩ được thoải mái, mọi stress và lo âu, buồn bực sẽ tan biến, chỉ còn lại niềm vui. Đây là quan niệm sai lầm và trở thành thói quen, gọi là nghiện rượu tâm lý."

Bài viết khẳng định "rượu tác động lên hệ thần kinh trung ương khiến người ta không làm chủ được suy nghĩ và hành vi của mình. Từ đó dẫn đến những hậu quả khôn lường như bất cẩn trong giao thông, liều lĩnh không kiềm chế trước các tình huống nguy hiểm gây ra tai nạn giao thông đáng tiếc..." bên cạnh những vô vàn hậu quả nặng nề khác của rượu bia.

Còn theo bài viết "Những điều cần biết về rượu bia (đồ uống có cồn)" đăng trên trang web của Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, "rượu, bia có chứa cồn, tên hoá học là ethanol (C2H5OH) là một chất gây nghiện làm ức chế hoạt động của não bộ và hệ thống thần kinh trung ương."

Như vậy, từ những kết quả nghiên cứu khoa học nêu trên, đã cho thấy sự thật không thể xem thường là: Khi người ta đã được uống ít rượu bia đều đều hàng ngày sẽ thành thói quen và gây nghiện. Dĩ nhiên, khi đã nghiện rồi thì làm gì còn có chuyện uống ít, uống mà nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, như dự thảo đề xuất xử phạt nhẹ?

Có nghĩa là, chính quy định xử phạt nhẹ khi uống rượu bia ít sẽ tạo lại thói quen sử dụng rượu bia dẫn đến gây nghiện. Còn đã nghiện thì tất nhiên uống nhiều. Và đến lúc đã nghiện làm cho uống nhiều rồi thì dù mức phạt có là bệnh hiểm nghèo tương đương án tử hình thì cũng không ngăn cản được người nghiện uống nhiều, chứ ăn thua gì đến mức phạt tiền vài chục triệu đồng để răn đe? Phạt nặng lúc uống ít chưa nghiện thì còn răn đe được chứ lúc để nghiện uống nhiều như nước lã rồi thì thử hỏi có cái gì răn đe được người đang nghiện không? Đã không răn đe được người nghiện rượu thì tất nhiên tai nạn giao thông thảm khốc tất gia tăng, mục đích xử phạt không đạt được.

Ngoài ra, chưa kể đến tình trạng ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông của người Việt Nam còn rất kém, thế mà lại còn cộng hưởng thêm cái quy định xử nhẹ cho uống rượu bia ít để rồi thành nghiện rượu bia uống nhiều thì hậu quả đúng là khó lường!

Phạm Mạnh Hà