Nhiều đổi mới trong công tác thi đua khen thưởng

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp - Khối trưởng - cho biết: Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, ngay từ đầu năm, Khối Thi đua các bộ, ngành Nội chính Trung ương đã phát động phong trào thi đua năm 2022 với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", tổ chức ký giao ước thi đua giữa các đơn vị thành viên.

Các bộ, ngành trong khối đã bám sát các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị mình, tổ chức phát động các phong trào thi đua thường xuyên, phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề; đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua với hình thức phong phú, đa dạng, nội dung cụ thể, thiết thực, hướng công tác thi đua vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các khâu đột phá, tập trung giải quyết những nhiệm vụ khó, những vấn đề bức xúc, nổi cộm… để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, thông qua việc hưởng ứng và tổ chức phát động các phong trào thi đua theo chỉ đạo của Khối, nhiều lĩnh vực công tác của các bộ, ban, ngành trong khối đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả, khẳng định vai trò tích cực của việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.

Công tác thi đua khen thưởng ở từng bộ, ngành trong Khối Nội chính Trung ương đã có nhiều đổi mới. Việc chỉ đạo triển khai công tác thi đua khen thưởng đã được lãnh đạo ở từng bộ, ngành quan tâm chỉ đạo quyết liệt.

Khối Thi đua các bộ, ngành Nội chính Trung ương gồm: Bộ Tư pháp, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.

Năm 2022, Bộ Tư pháp được giao làm Khối trưởng, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Khối phó.             

Nội dung hoạt động công tác thi đua của các đơn vị thành viên khối diễn ra phong phú, đa dạng, bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng bộ, ngành, vì vậy đã lôi cuốn được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, chiến sĩ và người lao động hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phấn đấu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong công tác của từng bộ, ngành và của toàn Khối.

Các văn bản chỉ đạo về công tác thi đua khen thưởng của các bộ, ngành luôn bám sát, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Các nội dung thi đua được quán triệt, tổ chức thực hiện kịp thời, góp phần nâng cao nhận thức của của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị về vị trí, vai trò, tác dụng của công tác thi đua khen thưởng.

Công tác khen thưởng tại các bộ, ngành được duy trì thường xuyên, công khai, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị, kịp thời ghi nhận, biểu dương, khích lệ các tập thể, cá nhân trong có thành tích tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm 2022 của các đơn vị trong Khối thi đua vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục.

Phong trào thi đua tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa thật sự đồng đều ở các cơ quan, đơn vị; chưa có nhiều đột phá mới trong tổ chức các phong trào; có lúc, có nơi phong trào thi đua vẫn còn biểu hiện tính hình thức, chưa thực sự thu hút, động viên đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, chiến sỹ và người lao động tham gia.

Việc xây dựng nội dung, tiêu chí thi đua còn thiếu cụ thể, mang tính định tính, chưa làm rõ được sự khác biệt giữa các khâu công tác dẫn đến việc bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng chưa thực sự chính xác.

Công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến chưa có sự chuyển biến rõ nét, chưa xây dựng được các nhân tố mới tiêu biểu, điển hình để tạo sự lan tỏa, nêu gương. Công tác tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt cũng chưa được quan tâm thường xuyên, đồng bộ, chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm; số lượng tin, bài viết về nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt trên các phương tiện truyền thông của các bộ, ngành còn ít, chất lượng chưa cao.

leftcenterrightdel
Phó Trưởng ban, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương Phạm Đức Toàn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TH 

Ở một số bộ, ngành, công tác khen thưởng, đề nghị khen thưởng cho cá nhân còn tập trung nhiều ở cấp lãnh đạo, mà chưa dành sự quan tâm tới đối tượng làm việc trực tiếp; việc khen thưởng và đề xuất khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc, đột xuất trong thực hiện nhiệm vụ còn chưa kịp thời, dẫn tới chưa động viên được các đối tượng cũng như tạo sự lan tỏa của các tấm gương...

Lan tỏa những cách làm hay, sáng kiến mới

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đều cơ bản đồng tình với báo cáo công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm 2022.

Bên cạnh báo cáo đã đánh giá được những kết quả đạt được của các đơn vị thuộc Khối, thì cũng đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân trong hoạt động thi đua khen thưởng trong Khối.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương Phạm Đức Toàn ghi nhận những kết quả đạt được trong phong trào thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm 2022 của Khối Thi đua các bộ, ngành Nội chính Trung ương.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Toàn yêu cầu, các đơn vị thuộc khối tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước ở từng bộ, ngành trong khối để tạo động lực thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ngành trong năm 2022.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào thi đua do Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương phát động, trọng tâm là các phong trào thi đua: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị.

Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua, với hình thức phong phú, đa dạng, thực chất; tiếp tục đổi mới phương thức đánh giá kết quả phong trào thi đua; đẩy mạnh thi đua toàn diện trên các lĩnh vực công tác, thúc đẩy hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các đơn vị, của bộ, ngành được giao.

Đặc biệt, chú trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, gắn với công tác truyền thông nhằm lan tỏa, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng bộ, ngành nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi, tạo sự lan tỏa của các gương điển hình trong từng bộ, ngành và toàn khối.

Thực hiện công tác khen thưởng chính xác, công khai, minh bạch và đúng quy định. Phát hiện, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân lập được thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong các phong trào thi đua; chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân lập được thành tích đột xuất, khen thưởng tập thể, cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt, ông Toàn cũng nhấn mạnh cần quan tâm đến đội ngũ làm công tác thi đua khen thưởng, đồng thời,  quan tâm hơn nữa hoạt động chung của Khối, chia sẻ kinh nghiệm các hoạt động thi đua khen thưởng hay, tốt, sáng tạo.

Thái Hải