Kết nối tri thức với cuộc sống - Bộ sách chiếm nhiều kỷ lục về... sai sót

Đó là kỷ lục về sai sót kiến thức, ngữ liệu, phi thẩm mỹ và nhân văn... mà phụ huynh học sinh, giáo viên, công luận đã tốn không ít bút mực để chỉ ra với hàng trăm bài báo.

Trước đó, ngay từ đầu năm học 2021 - 2022, nhiều nhà giáo, nhiều bậc phụ huynh và công luận đã nêu về một số lỗi trong SGK Tiếng Việt 1 của NXB GDVN. Không có bài nào cho học sinh làm quen với việc tập viết chữ hoa, bỏ không dạy chữ P với tư cách là phụ âm đầu làm cho các thầy cô giáo phải tự dạy học sinh phần kiến thức không có trong SGK. 

Thậm chí, đưa áng văn hay “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh từ chương trình trung học cơ sở xuống dạy ở lớp 1, đẽo gọt, chế tác lại làm mất hoàn toàn hồn cốt của nguyên tác.

Cũng ở cuốn sách Tiếng Việt 1 này, trong khi loay hoay tìm cách làm mới SGK, tác giả cuốn sách gần như không chú ý tới chủ trương giảm tải trong mỗi bài dạy trên lớp, không quan tâm tới tâm lý và sức khỏe của đối tượng người học là các em mới vào lớp 1 còn rất non nớt.

Tác giả đã nhồi nhét một lượng kiến thức lớn làm cho cả cô và trò đều khó dạy và khó học. Đồng thời, mỗi bài trên lớp, học sinh lớp 1 phải học nhồi nhét 3 - 4 âm hoặc vần, ra bài tập giải ô chữ thì dài cả trang sách, đã thế còn yêu cầu học sinh lớp một nêu cảm nghĩ, bớt đi nhiều vần, dồn chương trình dạy âm - vần mà các sách từ trước tới nay phải học 24 đến 26 tuần xuống còn 15 tuần, coi đó là một thành tích của “đổi mới” SGK…

Đặc biệt rất nhiều ngữ liệu được tác giả SGK Tiếng Việt 1 Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống sử dụng đều không ghi rõ nguồn của tác phẩm, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

Bên cạnh đó, với SGK Tiếng Việt 2, dư luận đã nhiều lần lên tiếng về các câu chuyện ngữ liệu trong sách thiếu tính giáo dục, vi phạm về bình đẳng giới, ảnh hưởng tới giáo dục nhân cách cho các em học sinh ở độ tuổi còn rất nhỏ.

Sau sự kiện bài thơ “Bắt nạt” được đưa vào SGK Ngữ văn 6 Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, dư luận cũng dậy sóng về một loạt vấn đề bất cập trong cuốn sách này. Tác giả cuốn sách đã không thực hiện đúng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 như: Không dạy học sinh lớp 6 làm quen với các thể loại văn học mà dạy học sinh theo chủ đề cuộc sống như dạy học sinh tiểu học.

Không dạy học sinh thơ lục bát, mà dạy học sinh bài thơ tự do không tiêu biểu về  tính giáo dục, thẩm mỹ... còn nhiều tranh cãi ngay trong các giới sáng tác và giáo dục bài thơ “Bắt nạt” của Nguyễn Thế Hoàng Linh. Đưa thể loại tùy bút lẽ ra phải dạy ở lớp trên xuống dạy ở lớp 6, trái với quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội, tháng 1/2022,  Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, NXB GDVN đã phải thu hồi 110.000 cuốn SGK đồng thời hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và một số cuốn sách khác vì những sai sót ảnh hưởng đến tiếp nhận kiến thức chuẩn của các cuốn sách này. 

Bộ GD&ĐT và NXB GDVN cần có câu trả lời công khai, chính xác nhất về việc sửa chữa, thu hồi SGK

Trong văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: “NXB GDVN đã gửi tài liệu điều chỉnh thay thế các văn bản, các ngữ liệu chưa phù hợp để sử dụng trong dạy học, bảo đảm yêu cầu của chương trình. Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường, giáo viên kịp thời sử dụng các văn bản ngữ liệu khác để thay thế”.

Theo văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, chúng tôi đã có những cuộc trao đổi với các giáo viên, các nhà quản lý giáo dục ở các địa phương trên toàn quốc về việc này và nhận được hồi âm rất bất ngờ. Đó là 100/100 số nhà quản lý và giáo viên ở các tỉnh, thành hồi đáp, khẳng định: “Không có việc NXB GDVN thu hồi để  sửa chữa và bổ sung, cũng như chuyển SGK đúng, chuẩn nhất sau khi thu hồi đưa cho các trường. Không thu hồi, lấy đâu ra việc thầy trò có SGK đã sửa chữa để học sinh học”.

Thực tế, những người được hỏi cho biết, không có kế hoạch, công văn, thời gian, số lượng... thu hồi SGK bị lỗi như báo cáo của NXB GDVN lên Bộ GD&ĐT tại các cơ sở giáo dục có học Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.  Bởi vậy, càng không có việc sữa chữa, thay đổi bổ sung những sai sót về kiến thức , ngữ liệu... như trong công văn của Bộ GD&ĐT gửi đại biểu Quốc hội.

Phải chăng, đây là thông tin giả được NXB GDVN dựng lên để vấn an dư luận, mà bất chấp sự việc không có thật, không hề diễn ra?  

Nhiều phụ huynh có con học lớp 6 Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống ở Hà Nội và các tỉnh, thành khác trên toàn quốc khẳng định, SGK bị sai về kiến thức trầm trọng không hề bị thu hồi. Bằng chứng là con của họ vẫn đang dùng bộ sách hiện hành đầy lỗi mà chưa được thay thế.

Vấn đề đặt ra là: Bộ GD&ĐT cần thông tin cụ thể, chính xác minh bạch cho đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước về việc thu hồi và thay thế (nếu có) để giáo viên, học sinh, đặc biệt là phụ huynh cả nước yên tâm, khi có bộ SGK đúng cho con em mình học.

Đồng thời, dư luận cũng mong được làm rõ rằng, tài liệu mà NXB GDVN gửi xuống các cơ sở giáo dục để thay thế là những tài liệu nào? Thay thế những ngữ liệu trong cuốn sách nào? Kèm theo công văn chỉ đạo nào của Bộ GD&ĐT?

Trên thực tế, ai cũng biết rằng, khi phát hành SGK sẽ đồng thời phát hành sách giáo viên và một số sách tham khảo khác. Vậy NXB GDVN thu hồi sách giáo viên để sửa chữa hay sao mà lại có thể kịp “lưu ý vấn đề này trong sách giáo viên Khoa học tự nhiên 6”. Tại sao SGK sai không sửa lại chỉ sửa sách giáo viên?

Thiết nghĩ, chỉ có Bộ GD&ĐT và NXB GDVN  mới có câu trả lời trước công luận, thầy trò và phụ huynh học sinh một cách minh bạch, chuẩn xác nhất.

Trước đây, Bộ SGK Cánh diều có một vài ngữ liệu được cho là chưa phù hợp, sau khi được góp ý, chủ biên đã cho sửa chữa và công bố công khai trên các phương tiện truyền thông. Đó là sự kịp thời, cầu thị và minh bạch cần thiết và cần phải có.

Tại sao NXB GDVN không thể làm được điều này, khi có hàng trăm bài báo với ý kiến đóng góp, xây dựng Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, kể cả Bộ Chân trời sáng tạo… có những lỗi sai khó chấp nhận?

KHÁNH LINH