00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phó Thủ tướng: Hồn cốt của cải cách hành chính là cải cách thủ tục, bộ máy và con người

Hương Giang

Thứ tư, 15/01/2025 - 22:31

(Thanh tra) - “Cán bộ đại diện cho nền hành chính mà né tránh, đùn đẩy, vô cảm, chuyển vòng quanh thì nền hành chính ấy có được thiết kế khoa học bao nhiêu cũng không đạt yêu cầu”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ.

Nhận định hồn cốt của cải cách hành chính là cải cách thủ tục, bộ máy và con người được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ tại phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chiều 15/1.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, năm 2024, cả 6 lĩnh vực cải cách: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đều đạt kết quả tích cực.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: N.Hoàng

Một trong những điểm sáng của năm qua được Phó Thủ tướng nhắc đến là cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy. Theo ông, cuộc cách mạng này đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng đến toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và đang được toàn Đảng, toàn dân quan tâm, ủng hộ.

Bức xúc, rào cản vẫn còn, làm người dân phiền lòng

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, công tác cải cách hành chính còn những tồn tại, hạn chế, doanh nghiệp, người dân tiếp cận nền hành chính công chưa thực sự thông thoáng, thuận tiện.

“Những bức xúc, rào cản vẫn còn và đâu đó vẫn mang lại sự phiền lòng cho người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý thủ tục hành chính còn rườm rà; bộ máy tổ chức còn nhiều tầng nấc, hoạt động chưa thực sự hiệu quả; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vẫn diễn ra.

Những tồn tại, hạn chế này, theo Phó Thủ tướng, cần sớm được khắc phục để mau chóng khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước trong bối cảnh mới, tình hình.

Vì vậy, các các bộ, ngành, địa phương bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính để triển khai thực hiện cho tốt.

Lãnh đạo Chính phủ đặc biệt lưu ý việc đưa Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào cuộc sống.

Theo Phó Thủ tướng, tư duy của Nghị quyết 57 có rất nhiều điểm mới, không chỉ áp dụng trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, mà cả trong quản lý kinh tế nên các bộ, ngành, địa phương cần phải nghiên cứu để áp dụng.

Ông nêu dẫn chứng quản lý khoa học là quản lý mục tiêu chứ không phải quản lý trình tự thủ tục.

“Có lẽ trong kinh tế cũng phải như thế, đánh giá kết quả cuối cùng trong quá trình kinh doanh. 10 thương vụ có 1-2 thương vụ lỗ, nhưng cộng lại cuối năm lãi nhiều thì phải đánh giá mục tiêu, đánh giá sản phẩm, kết quả cuối cùng”, Phó Thủ tướng nói.

Từ đó, ông nhấn mạnh, “tư duy của Nghị quyết 57 về quản lý khoa học phải trở thành tư duy của quản lý kinh tế”.

Cán bộ vô cảm, nền hành chính thiết kế khoa học bao nhiêu cũng không đạt yêu cầu

Phó Thủ tướng cũng đề cập đến vấn đề xây dựng thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục; quyết liệt thực hiện Nghị quyết 18.

Toàn cảnh Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ họp phiên thứ 9, đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2024, bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025. Ảnh: N.Hoàng

Theo ông, hồn cốt của cải cách hành chính chính là cải cách thủ tục, cải cách bộ máy, cải cách con người, chuyển đổi số. Cải cách bộ máy đang được làm quyết liệt, từ Trung ương đến địa phương phải tập trung cho tinh gọn bộ máy.

Cạnh đó, tập trung xây dựng đội ngũ và chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ; chăm lo việc tuyển dụng, đánh giá sử dụng, bố trí cán bộ, đề cao trách nhiệm.

“Cán bộ đại diện cho nền hành chính mà né tránh, đùn đẩy, vô cảm, chuyển vòng quanh thì nền hành chính ấy có được thiết kế khoa học bao nhiêu cũng không đạt yêu cầu”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Vấn đề nữa, theo Phó Thủ tướng, chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương, Bộ Chính trị cho đến Chính phủ hiện nay là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ. Nhưng, ông lưu ý các địa phương khi phân cấp mạnh thì cũng phải có giải pháp để phòng ngừa những rủi ro đi kèm.

“Chủ trương là tạo sự thông thoáng tối đa, nhưng yêu cầu kiểm soát và chống lãng phí, chống tiêu cực, chống tham nhũng cũng đặt ra rất chặt chẽ. Cho nên, cùng với việc sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ được phân cấp, chúng ta phải tăng cường hơn trách nhiệm, các giải pháp để kiểm soát quyền lực đã được phân cấp”, lãnh đạo Chính phủ quán triệt.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Huy cho biết, tính đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 18/21 (85,71%) nhiệm vụ; chưa hoàn thành 3/21 (14,28%) nhiệm vụ, còn lại 42 nhiệm vụ là nhiệm vụ thường xuyên (có 1 nhiệm vụ xin lùi thời gian sang năm 2025).

Trong năm 2024, có 5 bộ, cơ quan trình Thủ tướng phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 125 quy định kinh doanh tại 47 văn bản quy phạm pháp luật. 13 bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 420 quy định kinh doanh tại 36 văn bản quy phạm pháp luật.

Với kết quả trên nâng tổng số quy định kinh doanh được các bộ, cơ quan cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 3.195 quy định kinh doanh tại 281 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 20,2% và vượt qua mục tiêu tối thiểu đề ra cho cả giai đoạn 2020 - 2025.

Cạnh đó, có 14 bộ, cơ quan thực thi phương án phân cấp 191 thủ tục hành chính tại 33 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số thủ tục được phân cấp từ năm 2022 đến nay là 350/699 thủ tục tại 71 văn bản quy phạm pháp luật (đạt 49%).

Thứ trưởng Cao Huy cũng cho hay, Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy tại 63 tỉnh, TP đã tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện. Lũy kế đến nay, đã giảm 13 sở và tương đương, 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương.

Tổng số biên chế được tinh giản theo quy định tại các nghị định của Chính phủ là 16.149 người (trong đó, bộ, ngành là 217 người, địa phương là 15.932 người).

Về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, đến nay đã thành lập mới TP Huế trực thuộc Trung ương; sắp xếp 37 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.178 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp giảm 9 đơn vị cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm