Chiều 21/8, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hạnh Chung đã thông tin một số nội dung cơ bản quy định của Trung ương, của tỉnh về lấy phiếu tín nhiệm và những nhiệm vụ cụ thể khi tổ chức thực hiện Kế hoạch số 12/KH-HĐND ngày 10/8/2023 của HĐND tỉnh về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.
Theo Kế hoạch số 12 của HĐND tỉnh, các đối tượng lấy phiếu tín nhiệm gồm: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các Ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Đáng lưu ý, trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ do HĐND bầu thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với tất cả các chức vụ đó.
Đồng thời, không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm.
HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp cuối năm 2023.
Căn cứ các quy định, HĐND tỉnh dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm gồm 28 đồng chí và danh sách những người không lấy phiếu tín nhiệm gồm 2 đồng chí.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi những thuận lợi, khó khăn, đồng thời thảo luận những vấn đề hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau để đảm bảo việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện đồng bộ, đúng quy định đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu trên địa bàn tỉnh.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thị Hằng đề nghị, các cơ quan, đơn vị có liên quan, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện một cách thận trọng, nghiêm túc, theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, triển khai, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ mục đích, yêu cầu, nguyên tắc và các nội dung nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để việc lấy phiếu tín nhiệm đạt được mục đích đặt ra.
Quán triệt đến những người được lấy phiếu tín nhiệm phải có ý thức chuẩn bị báo cáo một cách nghiêm túc, đầy đủ, trung thực, kịp thời về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, đánh giá khách quan ưu, khuyết điểm của bản thân, sẵn sàng nhận trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh.
Đồng thời, trả lời những vấn đề đại biểu HĐND yêu cầu phải đúng trọng tâm và chính xác làm cơ sở để đại biểu tham gia đóng góp ý kiến.
Bà Trần Thị Hằng yêu cầu, các đại biểu HĐND chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật đầy đủ thông tin qua nhiều kênh về người được lấy phiếu tín nhiệm; nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân để lá phiếu của mình bảo đảm chính xác, công tâm.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm gửi đến HĐND cùng cấp đảm bảo đúng quy định.