Từ 8h sáng nay (4/6), Quốc hội (QH) Khoá 14 bắt đầu hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. Ngoài 4 vị Bộ trưởng (Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải (GTVT), Văn hóa - Thể thao và Du lịch) ngồi “ghế nóng”, lần đầu tiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ đăng đàn làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB).

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày mồng 5 và sáng ngày 6/6. Theo chương trình, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn.

Không để tội phạm lộng hành

Ông sẽ giải trình về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý, giết người, hoạt động "tín dụng đen", băng nhóm theo kiểu "xã hội đen", tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng dự kiến trả lời chất vấn về đấu tranh, phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định, sử dụng ma tuý hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng.

Gửi đến QH báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết về giám sát, chất vấn các kỳ trước đó, Bộ Công an nêu, từ 16/8/2018 đến 15/4/2019, đã điều tra, khám phá 27.169 vụ phạm pháp hình sự, bắt, xử lý 55.285 đối tượng, tỷ lệ điều tra, khám phá đạt 76,63% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra 6,63%).

“Về cơ bản các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ”, Bộ Công an cho biết, đã triệt phá 1.552 băng, nhóm tội phạm các loại, trong đó, có các băng nhóm hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

Ngành Công an cũng phát hiện 14.496 vụ, 22.545 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ lượng lớn ma túy các loại. Đặc biệt, đã lập nhiều chiến công xuất sắc, triệt xóa các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng đặc biệt lớn như: vụ bắt 895 bánh hêroin, thu giữ 1,161 tấn ma túy đá tại TP Hồ Chí Minh; bắt gần 1 tấn ma túy đá, 40 bánh hêroin tại Hà Tĩnh và Nghệ An…

Với đấu tranh, phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, báo cáo nêu, do triển khai quyết liệt các biện pháp nên tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí.

Tuy nhiên, Bộ Công an cho hay, tình hình an ninh, trật tự trên cả nước nói chung, tại các TP lớn, các địa bàn chiến lược còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Một số loại tội phạm hình sự có lúc, có nơi còn gây bức xúc dư luận; các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn vẫn hoạt động mạnh, “xuyên quốc gia”, người nghiện ma túy ở ngoài xã hội còn nhiều là nguyên nhân, điều kiện phát sinh nhiều loại tội phạm khác.

Trật tự, an toàn giao thông còn nhiều diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người như vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Vĩnh Phúc làm chết 7 người chết, ở Hải Dương làm 8 người chết...

“Đây là những vấn đề cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới”, Bộ Công an báo cáo QH.

Từ 14h25 cùng ngày 4/6, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà sẽ ngồi “ghế nóng” trả lời chất vấn về nhóm vấn đề như công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình; công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP Hà Nội...

Vốn đầu tư dự án giao thông trọng điểm không đáp ứng yêu cầu

Ngày 5/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời chất vấn nhóm vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém.

Ngoài ra, tư lệnh ngành GTVT dự kiến trả lời về quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới. Thực hiện, quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên Quốc lộ, đường bộ cao tốc. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, hiện đã đưa vào khai thác, sử dụng được 23/47 công trình, các dự án khác đang tập trung triển khai. Trong đó, đáng chú ý, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã lựa chọn xong Tư vấn thiết kế kỹ thuật, hiện đang tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tư vấn quốc tế đang khẩn trương hoàn thiện nghiên cứu FS tổng thể bao gồm cả thiết kế nhà ga hành khách, dự kiến hoàn thành trong tháng 6 này để tiến tới trình, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi trong khoảng tháng 6 -8/2019. Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án này đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt trước khi trình FS cho Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Còn dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, thì Bộ GTVT đã trình Chính phủ xin chủ trương với tổng mức đầu tư khái toán là 11.430 tỷ đồng. Bộ cũng đã có báo cáo giải trình cụ thể 4 phương án, trong đó tiếp tục đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư dự án. “Đây là phương án đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đồng thuận”, Bộ GTVT báo cáo.

Cũng theo Bộ GTVT, quá trình triển khai một số công trình, dự án trọng điểm vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp, bồi thường giải phóng mặt bằng hạn chế, công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu còn nhiều vướng mắc.

“Một số dự án lớn hơn 10.000 tỷ đồng khi điều chỉnh tổng mức đầu tư cần báo cáo Quốc hội thông qua do hình thành yếu tố quan trọng quốc gia..., ảnh hưởng đến tiến độ chung của nhiều dự án đang và sắp triển khai”, Bộ GTVT nêu.

QH cũng sẽ chất vấn Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, quản lý điện ảnh, quản lý hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; phòng ngừa mê tín dị đoan; quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh…

Theo thường lệ tại kỳ họp giữa năm của QH, Thủ tướng không trực tiếp trả lời chất vấn mà uỷ quyền cho một Phó Thủ tướng. Tại kỳ họp 7, lần đầu tiên Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐB vào sáng ngày 6/6.

ĐBQH Phạm Văn Hòa: “Tín dụng đen” lan ra khắp nơi, gây nhiều hệ lụy

Chia sẻ với báo chí, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, ông dự định sẽ chất vấn 3 vị Bộ trưởng: Công an, Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

ĐBQH Phạm Văn Hòa

 

“Tín dụng đen” đã lan ra khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, gây ra nhiều hệ lụy. Ngành Công an đã xử lý rất nhiều nhưng chưa có giải pháp căn cơ để ngăn chặn. Vậy việc xử lý và hoàn thiện các quy định pháp luật để ngăn chặn việc này ra sao?. Tôi cho rằng ngành Công an phải xử lý quyết liệt, mạnh mẽ hơn”, ông Hòa nói.

Với Bộ Xây Dựng, vị Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm đến việc điều chỉnh quy hoạch có lợi cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho người dân. “Như ở khu chung cư, ban đầu quy hoạch có sân chơi, cây xanh… nhưng sau điều chỉnh quy hoạch, hạ tầng phục vụ mục đích công cộng chẳng thấy đâu hoặc chỉ còn diện tích rất nhỏ. Tôi cho rằng phải xem lại trách nhiệm của Bộ Xây dựng về vấn đề này. Liệu có lợi ích nhóm hay không?”, ông Hòa đặt vấn đề.

Cũng theo ông Hòa, dư luận đang rất quan tâm đến việc quy hoạch khu tâm linh kết hợp với du lịch, có nơi cả nghìn héc-ta đất. “Có nên không? Trong khi đất sản xuất thì rất hiếm”, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh và cho rằng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cần giải trình việc quản lý thu, chi ở những khu du lịch tâm linh như thế nào? Nguồn tiền này được sử dụng ra sao, ai quản lý?...


ĐBQH Trần Quang Chiểu: Cần có giải pháp xử lý trạm thu phí BOT gây bức xúc

Quan tâm đến nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng GTVT, theo ĐB Trần Quang Chiểu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách, đây là vấn đề không mới và đã được nhiều ĐB chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại Kỳ họp 5. Tuy nhiên, đến nay, việc giải quyết còn rất hạn chế, trong đó có việc ĐB nêu, QH khóa 13 biểu quyết thực hiện dự án cải tạo tuyến Quốc lộ 1A, với khoảng 17 - 18 trạm thu phí tất cả, nhưng về sau lại “mọc” lên rất nhiều. Đến nay, bản thân ông cũng không rõ có bao nhiêu trạm BOT trên tuyến này.

ĐBQH Trần Quang Chiểu

 

“Quan điểm của tôi là BOT phải đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích, có đi mới trả tiền, không đi thì không phải trả. Người ta phải có quyền lựa chọn chứ không thể ép buộc được. Còn với những tuyến đường độc đạo thì không nên làm BOT. Trường hợp đã quyết cho làm, nhà đầu tư đã bỏ tiền ra rồi, bây giờ Nhà nước phải xem xét bố trí nguồn lực mua dần lại”, ông Chiều nói.

Theo ĐB, hiện Bộ GTVT vẫn chưa có giải pháp rõ ràng để xử lý những dự án BOT có bất cập, thiếu hợp lý. “Chúng tôi cũng chưa thấy Bộ có đề nghị Chính phủ hoặc QH bố trí nguồn vốn mua lại những trạm BOT không hợp lý”, ông Chiểu nói. Vì thế, trong phiên chất vấn lần này, ĐB chờ những quan điểm, giải pháp cụ thể hơn của Bộ trưởng GTVT.


Hương Giang