Thống nhất phương án điều chỉnh quy hoạch đất rừng

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã chủ trì buổi làm việc với các cơ quan có chức năng.

Kết quả cho thấy, liên quan đến việc kiểm tra, rà soát, phân loại để xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất cụ thể của các trường hợp thuộc phạm vi ranh giới quy hoạch đất rừng huyện Sóc Sơn, đến nay đã rà soát, tổng hợp xong các trường hợp tồn tại trong phạm vi quy hoạch đất rừng, các trường hợp có thể hiện trong bản đồ địa chính năm 1993… làm cơ sở để UBND TP tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, làm rõ, xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã giao Công an TP cử 2 cán bộ, Văn phòng UBND TP cử 1 cán bộ (thuộc Phòng Công tác giải phóng mặt bằng) tham gia phối hợp cùng tổ công tác liên ngành tiếp tục thực hiện việc rà soát, kiểm tra hiện trạng, nguồn gốc, quá trình sử dụng từng thửa đất thuộc phạm vi ranh giới quy hoạch đất rừng huyện Sóc Sơn theo chỉ đạo của UBND TP.

Đối với trường hợp có đất thể hiện thửa đất và công trình trên đất trong bản đồ địa chính năm 1993, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất trước khi quy hoạch đất rừng huyện Sóc Sơn năm 1998 được phê duyệt nhưng khi quy hoạch điều chỉnh đất rừng năm 2008 (Quyết định (QĐ) số 2100/QĐ-UBND ngày 29/5/2008 của UBND TP) bị bỏ sót, chưa được xem xét điều chỉnh quy hoạch đến nay vẫn thuộc phạm vi quy hoạch đất rừng tại QĐ số 2100/QĐ-UBND ngày 29/5/2008, Phó Chủ tịch UBND TP thống nhất chủ trương lập phương án điều chỉnh quy hoạch đất rừng đã được phê duyệt tại QĐ số 2100 để các trường hợp này nằm ngoài phạm vi ranh giới quy hoạch đất rừng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Thanh tra TP chủ trì phối hợp cùng Công an TP, các Sở: Tài nguyên và Môi trường (TN & MT), Quy hoạch - Kiến trúc, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra, rà soát cụ thể, trên cơ sở đó xác lập danh sách và thiết lập hồ sơ quản lý Nhà nước về diện tích đất, hạn mức, mục đích sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, bảo đảm quy định pháp luật và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Các trường hợp điều chỉnh này phải được công khai danh sách, có lý do điều chỉnh.

Rà soát trường hợp bị bỏ sót khi quy hoạch điều chỉnh đất rừng

Đối với trường hợp không thể điều chỉnh quy hoạch để đưa ra ngoài phạm vi ranh giới đất rừng được phê duyệt tại QĐ số 2100 thì hướng dẫn UBND huyện Sóc Sơn và người sử dụng đất hoàn thiện việc thiết lập hồ sơ sử dụng theo nguyên trạng, làm thủ tục đăng ký đất đai; việc di chuyển các hộ ra khỏi quy hoạch đất rừng thực hiện theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp thể hiện thửa đất nhưng không có công trình trên đất trong bản đồ địa chính năm 1993, hiện thuộc phạm vi ranh giới quy hoạch đất rừng, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng giao Thanh tra TP chủ trì phối hợp với Công an TP, các Sở: TN&MT, Quy hoạch - Kiến trúc, NN&PTNT và UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra, rà soát cụ thể (về chủ hộ gốc, nhân khẩu, thời điểm chuyển đến…) đề xuất phương án báo cáo UBND TP xem xét.

Riêng các trường hợp xác định đã sử dụng đất để ở trước năm 1993 nhưng do nguyên nhân chủ quan và khách quan chưa thể hiện công trình tại bản đồ địa chính năm 1993 thì nghiên cứu xem xét phương án xử lý như trường hợp có đất thể hiện thửa đất và công trình trên đất trong bản đồ địa chính năm 1993, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất trước khi quy hoạch đất rừng huyện Sóc Sơn năm 1998 được phê duyệt, nhưng khi quy hoạch điều chỉnh đất rừng năm 2008 (QĐ số 2100) bị bỏ sót, chưa được xem xét điều chỉnh quy hoạch (như các trường hợp tương tự), đến nay vẫn thuộc phạm vi quy hoạch đất rừng tại QĐ số 2100, báo cáo UBND TP.

Việc rà soát phải bảo đảm minh bạch, chính xác và công khai danh sách để nhân dân kiểm tra, giám sát.

Các trường hợp thừa kế, cho tặng, chuyển nhượng có nguồn gốc từ các trường hợp xác định đã sử dụng đất để ở trước năm 1993 nhưng do nguyên nhân chủ quan và khách quan chưa thể hiện công trình tại bản đồ địa chính năm 1993 và có đất thể hiện thửa đất và công trình trên đất trong bản đồ địa chính năm 1993; cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất trước khi quy hoạch đất rừng huyện Sóc Sơn năm 1998 được phê duyệt nhưng khi quy hoạch điều chỉnh đất rừng năm 2008 (QĐ số 2100) bị bỏ sót, chưa được xem xét điều chỉnh quy hoạch nên đến nay vẫn thuộc phạm vi quy hoạch đất rừng tại QĐ số 2100 cũng như các trường hợp sử dụng đất sau quy hoạch đất rừng huyện Sóc Sơn năm 1998, theo quy hoạch điều chỉnh đất rừng năm 2008 phê duyệt tại QĐ số 2100 phải di chuyển ra khỏi phạm vi quy hoạch đất rừng mà đến nay chưa thực hiện di chuyển, giao Thanh tra TP chủ trì, phối hợp cùng Công an TP, các Sở: TN&MT, Quy hoạch - Kiến trúc, NN&PTNT và UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra, rà soát kỹ, đề xuất phương án xử lý, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất (hộ gốc, hộ sử dụng đất hiện nay), của Nhà nước theo quy định của pháp luật; kiểm tra, rà soát, xác lập cụ thể, có biện pháp xử lý dứt điểm (nhất là đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong giai đoạn năm 2017- 2018) báo cáo UBNTP. Xử lý nghiêm các trường hợp chuyển nhượng có dấu hiệu vi phạm, các trường hợp tổ chức, cá nhân xác nhận việc chuyển nhượng trái quy định pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cũng giao UBND huyện Sóc Sơn công khai chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP, trên tinh thần khẩn trương xử lý khắc phục tồn tại, ổn định tình hình trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tổ chức tuyên truyền, vận động để các hộ dân hiểu, đồng thuận chấp hành; đồng thời kiểm tra giám sát việc thực hiện.

Đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất trong khu vực đất quốc phòng, Thanh tra TP chuyển hồ sơ sang cơ quan quốc phòng có thẩm quyền để giải quyết.

Các trường hợp thuộc phạm vi bán kính 500m từ hàng rào Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, thực hiện theo QĐ thu hồi đất để thực hiện dự án.

 

Ngày 17/3/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan chức năng tiến hành rà soát lại nguồn gốc sử dụng đất của các hộ dân có liên quan qua từng thời kỳ.

Các vụ việc cố tình, vi phạm sai thời điểm có hiệu lực của QĐ số 2100 của UBND TP Hà Nội phải được xử lý nghiêm minh tùy theo mức độ vi phạm, đặc biệt là vi phạm trong quá trình chuyển nhượng đất đai trái pháp luật, các công trình xây dựng trái phép có quy mô lớn.

Tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý Nhà nước để xảy ra các vi phạm. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp tập thể, cá nhân cố ý vi phạm, chuyển nhượng đất công, đất rừng trái pháp luật, vụ việc nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Lê Phương