Báo cáo về việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các đơn vị, địa phương đã triển khai, tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ, gắn với việc tiếp tục thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định lịch tiếp công dân và việc tiếp công dân tại trụ sở; tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh của công dân; bảo đảm giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp, trong năm không có đơn thư tồn đọng, kéo dài.

Thực hiện Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 19/7/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, một số cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch thực hiện Kế hoạch 173/KH-UBND. Một số đơn vị đã thành lập đường dây nóng, đăng trên trang thông tin điện tử của đơn vị để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của doanh nghiệp. Các đơn vị công khai lịch tiếp công dân trên trang thông tin điện tử và phòng tiếp công dân của các đơn vị. Trong thời gian qua không có doanh nghiệp nào phản ánh trên đường dây nóng của Thanh tra tỉnh.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị mình như: Công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, cơ chế chính sách, công tác cải cách hành chính; quản lý, sử dụng đất đai, công sở; hoạt động mua sắm công và công tác thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu, chương trình quốc gia, kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên... gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị, đã tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức công khai báo cáo tài chính, thảo luận sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế hoạt động, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng cơ quan và giám sát việc thực hiện.

Các đơn vị đều xây dựng kế hoạch cải cách hành chính gồm đầy đủ 06 nội dung trọng tâm về cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính; phân công nhiệm vụ cụ thể đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện và quy định thời gian báo cáo kết quả thực hiện trong công tác cải cách hành chính. Các cán bộ, công chức đã triển khai thực hiện xử lý công việc trên phần mềm xác thực tập trung và hộp thư điện tử công vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi tiếp nhận và giải quyết công việc; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Các cơ quan đơn vị trên địa bàn đã nghiêm túc chấp hành, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn rà soát dự thảo kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các đơn vị để khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo đối với doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu trong hoạt động thanh tra theo đúng Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; các cuộc thanh tra thực hiện theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra đã phê duyệt, nội dung thanh tra giới hạn trong phạm vi quản lý Nhà nước được giao; chỉ thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

Trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp, Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh không đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm 2021 đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ.

Thực hiện Công văn số 1785/TTCP-KHTH ngày 6/10/2021 của Thanh tra Chính phủ về việc rà soát, điều chỉnh triển khai thực hiện kế hoạch tra năm 2021, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch thanh tra năm 2021 đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, biện pháp nêu trong Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thanh tra tỉnh đã có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các sở, ban, ngành cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 nhằm hạn chế, giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chưa thật sự cần thiết, không thanh tra ngoài kế hoạch. Tùy theo tình hình cụ thể để quyết định việc tạm dừng, giãn, hoãn cuộc thanh tra. Đến nay, các sở, ngành đã điều chỉnh giảm 105 doanh nghiệp trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm 2021.

Trên cơ sở báo cáo của 31 cơ quan, đơn vị gửi (17 sở, ban, ngành; 08 huyện, thị xã Hương Thuỷ, thành phố Huế; 06 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn), năm 2021 có 1.122 doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra, trong đó: 238 doanh nghiệp được thanh tra (thanh tra theo kế hoạch 175 doanh nghiệp, thanh tra đột xuất 63 doanh nghiệp; Đối với cuộc thanh tra đột xuất theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đoàn thanh tra liên ngành về thanh tra chuyên đề diện rộng việc quản lý và sử dụng đất của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay đã thanh tra tại 42 doanh nghiệp và cuộc thanh tra đang triển khai thực hiện.); 4 doanh nghiệp được thanh tra liên ngành; 790 doanh nghiệp được kiểm tra (kiểm tra theo kế hoạch 712 doanh nghiệp, kiểm tra thường xuyên 16 doanh nghiệp, kiểm tra đột xuất 23 doanh nghiệp, kiểm tra theo chỉ đạo của cấp trên 39 doanh nghiệp); 90 doanh nghiệp kiểm tra liên ngành (trong đó kiểm tra kiểm tra đột xuất 26 doanh nghiệp).

Thời gian vừa qua, tình hình thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn được thực hiện khá tốt, UBND tỉnh chưa nhận được khiếu nại của doanh nghiệp trên địa bàn về việc bị nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trong một năm.

T.G