Trong xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm, Sở GD&ĐT chưa xác định rõ nhiệm vụ, nội dung kiểm tra và thanh tra, giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Từ đó, khi ban hành quyết định thực hiện một cuộc thanh tra có nhiều nội dung thanh tra vừa chuyên ngành vừa hành chính, không đảm bảo đúng quy trình từng lĩnh vực thanh tra, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả thanh tra.

Đối với các kết luận thanh tra do Chánh Thanh tra Sở ký, Giám đốc Sở chưa có văn bản chỉ đạo các tổ chức, cá nhân trực thuộc thực hiện kết luận thanh tra là thực hiện không đúng quy định tại Điều 103 Luật Thanh tra năm 2022.

Thanh tra tỉnh cũng chỉ ra nhiều khiếm khuyết về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Cụ thể: Sổ nhật ký đoàn thanh tra không đúng mẫu quy định; không ghi nhật ký đoàn thanh tra; không có văn bản yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu và biên bản giao nhận hồ sơ, tài liệu; không xây dựng kế hoạch của tổ công tác hoặc kế hoạch cá nhân để thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng đoàn thanh tra là không đúng theo quy định.

Trong 5 cuộc thanh tra về các kỳ thi, Sở GD&ĐT không áp dụng đúng trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra theo quy định tại Điều 49, Điều 50 Luật Thanh tra năm 2022; Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.

Kết cấu bố cục kết luận thanh tra chưa đúng theo Mẫu 40 của Thông tư số 06/2021/TT-TTCP; kết luận chưa phân tích rõ nguyên nhân tồn tại, trách nhiệm cá nhân. Phần kiến nghị không rõ xử lý về hành chính, xử lý về kinh tế, không kiến nghị cụ thể đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức để thấy rõ vai trò trách nhiệm trong quản lý, điều hành.

Sở GD&ĐT thực hiện công khai kết luận thanh tra thông qua hình thức công bố trực tiếp tại đơn vị được thanh tra, đăng tải trang thông tin điện tử của đơn vị. Tuy nhiên, qua kiểm tra việc công khai 18 kết luận thanh tra thì có đến 5 kết luận thanh tra không có biên bản công bố.

Hầu hết các quyết định thành lập đoàn thanh tra do Giám đốc Sở hoặc Chánh Thanh tra ký đều có quy định “việc giám sát, kiểm tra hoạt động của đoàn thanh tra do người ra quyết định thanh tra trực tiếp giám sát”, nhưng không thể hiện có sự giám sát của người ký quyết định thanh tra (không có hồ sơ, báo cáo giám sát). Vì vậy, không đủ cơ sở để chứng minh trưởng đoàn và các thành viên đoàn thanh tra có chấp hành đúng quy định.

Qua kiểm tra 17/18 hồ sơ đoàn thanh tra không thể hiện có sự giám sát của người ký quyết định thanh tra (không có hồ sơ giám sát, báo cáo kết quả giám sát) là vi phạm quy định tại Điều 37 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP; Điều 101 Luật Thanh tra năm 2022.

Đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra 6/18 hồ sơ cho thấy, thành viên đoàn không xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được trưởng đoàn phân công theo kế hoạch là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP và Điều 19 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP.

Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra cũng không có văn bản chỉ đạo hoặc quyết định phân công cho thanh tra viên; không mở hồ sơ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận là vi phạm quy định tại Điều 105 Luật Thanh tra năm 2022 và Mục 2; 3 Chương VI Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023; khoản 1 Điều 22 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP của Chính phủ…

Từ những nội dung đã chỉ ra, Thanh tra tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Sở GD&ĐT chấn chỉnh những thiếu sót, vi phạm trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra. Đồng thời, có văn bản chỉ đạo các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý trong thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra theo đề xuất của Thanh tra Sở.

Cảnh Nhật