Từ ngày 5/1/2024 đến 15/3/2024, đoàn đã tiến hành thanh tra tại 5 cơ quan, địa phương gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, UBND huyện Châu Thành và UBND huyện Tân Châu.

Kết quả thanh tra cho thấy, các cơ quan, địa phương đã quan tâm chỉ đạo và thực hiện niêm yết công khai nội dung, địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thông qua các kênh như: Cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống tiếp nhận phản ánh của tỉnh (cổng 1022), cổng thông tin điện tử của sở, ngành, địa phương.

Đồng thời, công khai số điện thoại đường dây nóng tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của người dân về thái độ phục vụ của công chức, viên chức, quy trình giải quyết TTHC cho người dân.

Bên cạnh những mặt đạt được, thực trạng giải quyết TTHC vẫn còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót.

Qua thanh tra, phát hiện nhiều hồ sơ TTHC xử lý không đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021 của Chính phủ.

Có 566/1.703 hồ sơ trễ hạn, chiếm số lượng tương đối lớn, chủ yếu thuộc về lĩnh vực đất đai. Đa số các hồ sơ này đều được hệ thống thông tin giải quyết TTHC ghi nhận xử lý đúng hạn hoặc trước hạn, nhưng qua kiểm tra thực tế là trễ hạn. Ngoài ra, các hồ sơ này cũng không có phiếu xin lỗi hoặc có phiếu xin lỗi không đúng quy định, không có phiếu đề nghị gia hạn thời gian giải quyết.

Có 1.689 hồ sơ thống kê chung và 145 hồ sơ kiểm tra trực tiếp không cập nhật đúng số điện thoại của người dân (chỉ nhập số điện thoại bàn của bộ phận một cửa), dẫn đến việc người dân không thể nhận tin nhắn thông báo tiến độ xử lý hồ sơ.

Có 45/1.703 hồ sơ yêu cầu bổ sung từ 2 lần trở lên, mặc dù qua giải trình xuất phát từ nhiều nguyên nhân, tuy nhiên có thể gây phiền hà, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp trong liên hệ giải quyết công việc, vi phạm điểm c Điều 11 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021 của Chính phủ.

leftcenterrightdel
 Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại 5 cơ quan, địa phương, trong đó có UBND huyện Tân Châu. Ảnh: CN

Ngoài ra, qua thanh tra đã chỉ ra một số sai sót khác như ngày ký duyệt và người ký duyệt hồ sơ thực tế không trùng với thông tin trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá kết quả thực hiện TTHC do số liệu thể hiện trên hệ thống không phản ánh đúng thực tế. Đồng thời, gây khó khăn trong việc xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức trong trường hợp có phát sinh thiếu sót, vi phạm.

Theo Thanh tra tỉnh Tây Ninh, thiếu sót, vi phạm nêu trên làm ảnh hưởng đến chất lượng đánh giá kết quả, mức độ hài lòng của người dân trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ hành chính công; làm ảnh hưởng đến mục tiêu số hóa kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, tái sử dụng hồ sơ, tài liệu cũng như các mục tiêu khác nhằm tạo thuận lợi tối đa, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.

Lãnh đạo, quản lý các cấp khó theo dõi, xác định trách nhiệm các cơ quan, đơn vị trong tiếp nhận, giải quyết TTHC khi xảy ra sai sót cũng như đưa ra giải pháp khắc phục, chấn chỉnh.

Trách nhiệm trong việc để xảy ra thiếu sót, vi phạm nêu trên thuộc về lãnh đạo một số cơ quan, địa phương, quản lý phòng chuyên môn và các vị trí bộ phận một cửa được giao tham mưu xử lý hồ sơ, cần tổ chức kiểm điểm xác định nguyên nhân thiếu sót, vi phạm để có giải pháp khắc phục kết hợp với phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Thanh tra tỉnh Tây Ninh kiến nghị các cơ quan, địa phương tăng cường công tác tự kiểm tra công vụ thường xuyên, tập trung kiểm tra việc tiếp nhận và giải quyết TTHC, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, khắc phục ngay các hạn chế; tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những thiếu sót, vi phạm.

Cảnh Nhật