Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam có nhiều sự kiện chính trị diễn ra như Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII; Quốc hội khóa XV đang tổ chức kỳ họp thứ 5 để quyết định nhiều vấn đề quan trọng, xem xét ban hành nhiều bộ luật quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về tình hình kinh tế - xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ, các ngành, các cấp tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, phát triển. Lạm phát đang có xu hướng giảm dần; chỉ số sản xuất công nghiệp đang dần khôi phục; tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai toàn diện, ngày càng đi vào hiệu quả, thực chất.

Về công tác thanh tra, trong 4 tháng đầu năm 2023, ngành Thanh tra triển khai gần 2.300 cuộc thanh tra hành chính và khoảng 38.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế khoảng 26.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,1 tỷ đô la Mỹ), 350 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 8.000 tỷ đồng và 5 ha đất; xử lý khác khoảng 18.000 tỷ đồng, 345 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính hơn 200 tập thể và gần 1.200 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 65 vụ, 51 đối tượng.

Cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp khoảng 87.000 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh khoảng 65.000 vụ việc (có 725 đoàn đông người); tiếp nhận hơn 103.000 đơn thư; đã xử lý hơn 94.000 đơn; đã giải quyết hơn 5.300 trên tổng số khoảng 8.500 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 62,6% (tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022).

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 2,4 tỷ đồng; trả lại cho tổ chức, cá nhân 61,4 tỷ đồng, 3,6 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 13 tổ chức, 220 cá nhân; kiến nghị xử lý 130 người (trong đó có 115 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra xử lý 12 vụ, 5 đối tượng (có 2 cán bộ, công chức).

"Bên cạnh đó, ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn", Phó Tổng Thanh tra chia sẻ.

Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; Dự thảo Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2030...

leftcenterrightdel
Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong tiếp xã giao Đoàn Đại biểu cấp cao Bộ Quan hệ với Quốc hội - Thượng viện và Thanh tra Campuchia. Ảnh: TH

Cho biết tại hội đàm, Phó Thủ tướng cho hay, Bộ Quan hệ với Quốc hội - Thượng viện và Thanh tra đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông qua quan hệ với Quốc hội - Thượng viện và Thanh tra trên tất cả các lĩnh vực tại Vương quốc Campuchia.

Do vậy, nhiệm vụ thứ nhất của bộ là quan hệ với Quốc hội - Thượng viện và phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ các cơ quan của Quốc hội, Thượng viện và tham gia góp ý xây dựng luật, các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, nâng cao hiểu biết về luật thông qua việc tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân để hiểu rõ về pháp luật.

Ngoài những công việc trên, các tổ công tác của bộ còn xuống các tỉnh thành phố, quận/huyện, những nơi tập trung đông dân cư, các xã vùng sâu, vùng xa để tổ chức các diễn đàn công cộng về giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật, lấy ý kiến để tìm hiếu về những khó khăn của người dân, tuyên truyền các chỉ dẫn, khuyến nghị của lãnh đạo, đặc biệt là Cương lĩnh Chính trị kế hoạch và Chiến lược Phát triển quốc gia và tiếp thu ý kiến của người dân để báo cáo Chính phủ kịp thời giải quyết.

Nhiệm vụ thứ hai là công tác thanh tra, được thực hiện thường xuyên tại các cơ quan, đơn vị, đây là công việc quan trọng liên quan đến củng cố việc thực thi pháp luật nhằm bảo đảm công tác chống tham nhũng, lạm dụng quyền lực và các biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ cán bộ hành chính công, để đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí và tài sản Nhà nước, bảo vệ an toàn công cộng và bảo vệ quyền của nhân dân.

Ngoài ra, bộ còn nhiều nhiệm vụ khác như theo dõi việc thực thi pháp luật, tiếp nhận đơn tố cáo và điều tra, nghiên cứu, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đào tạo nghiệp vụ thanh tra thông qua Viện Thanh tra quốc gia để đạt được hiệu quả công tác của bộ.

Trong thời gian 5 năm (2018 - 2022), Thanh tra Campuchia đã thanh tra việc quản lý hành chính, quản lý tài chính và quản lý tài sản Nhà nước tại 30 bộ, ngành, đơn vị trực thuộc Trung ương và 25 sở, ngành trực thuộc các tỉnh/thành phố, tương đương với 1.976 phòng ban, đơn vị; thanh tra trên lĩnh vực thực hiện vai trò, trách nhiệm, cung cấp dịch vụ công tại 13 bộ, ngành và 25 sở, ngành, tương đương 298 phòng, ban, đơn vị.

Viện Thanh tra được thành lập năm 2017 và bắt đầu tiến hành đào tạo vào năm 2018. Trong thời gian ngắn, viện đã đào tạo được 17 khóa nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ làm công tác thanh tra cấp Trung ương và địa phương. Chủ đề đào tạo chủ yếu là hệ thống quản lý nhà nước, hệ thống pháp luật quốc tế và Campuchia. Quan điểm chung là về công tác thanh tra, tiếp nhận và giải quyết đơn thư, tài khoản và tài chính, kiểm toán, quản lý hành chính, lập kế hoạch, báo cáo và phương pháp thanh tra…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quan hệ với Quốc hội - Thượng viện và Thanh tra Campuchia Samdech Men Sam An cảm ơn Thanh tra Chính phủ Việt Nam đã đón tiếp đoàn; chúc mừng những thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội và nhiều kết quả nổi bật trong công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây. 

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Samdech Men Sam An, qua hội đàm hai bên đã trao đổi nhiều kinh nghiệm trong công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng; trong đó đã nêu bật được nhiều ý kiến, kinh nghiệm quý báu trong xây dựng pháp luật về thanh tra; phòng, chống các hành vi tiêu cực; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai... Bên cạnh đó, hai bên cũng trao đổi, thống nhất về các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ thanh tra của Campuchia.

Phía Campuchia tin tưởng hai bên sẽ thực hiện tốt thỏa thuận hợp tác vừa ký kết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra ở mỗi nước.

Hiếu - Hải