Đối với dự thảo tờ trình, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi mục 4 phần V như sau: “Dự thảo Luật quy định việc thành lập thanh tra tổng cục, cục ở một số lĩnh vực như: Lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tài chính, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương…” đảm bảo phù hợp với khoản 3, Điều 23 Dự thảo Luật.

Quy định về thanh tra sở xây dựng, cơ sở pháp lý, tại dòng 12, 23, và 14 từ trên xuống, trang 19 dự thảo tờ trình có ghi: Chỉ thành lập thanh tra sở cơ quan thanh tra chuyên ngành ở một số lĩnh vực có nhu cầu thanh tra cao và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và doanh nghiệp (tài nguyên và môi trường; tài chính; khoa học và công nghệ; giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn; y tế; giáo dục; lao động thương binh và xã hội; kế hoạch và đầu tư; công thương; thông tin và truyền thông; văn hóa, thể thao và du lịch; nội vụ).

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, việc nêu căn cứ, tiêu chí thành lập thanh tra sở ở một số lĩnh vực như trên là chung chung, chưa đủ cơ sở, chưa nhận định, chưa đánh giá từ thực tiễn để xác định được lĩnh vực nào cần thiết phải thành lập thanh tra sở. Vì vậy, dự thảo tờ trình cần nêu rõ được kết quả tổng kết thực tiễn tổ chức và hoạt động thanh tra trên từng lĩnh vực để có căn cứ so sánh, đánh giá, làm cơ sở thực tiễn xác định các lĩnh vực cần phải thành lập thanh tra sở.

Về cơ sở pháp lý, theo Thanh tra Bộ Xây dựng, việc Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi quy định không thành lập thanh tra sở ở lĩnh vực “xây dựng” là không đảm bảo tính thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 165 Luật Xây dựng, khoản 1 Điều 176 Luật Nhà ở, Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, việc Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi không quy định thành lập thanh tra sở ở lĩnh vực “xây dựng” là không tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quyết định của pháp luật đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc theo các quy định tại khoản 10 Điều 34 Luật Tổ chức Chính phủ, khoản 6 Điều 162 Luật Xây dựng; khoản 8 Điều 175 Luật Nhà ở; điểm h khoản 2 Điều 77 Luật Kinh doanh bất động sản.

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, xây dựng là ngành kinh tế cơ bản, quan trọng trong đời sống xã hội, hiện nay, tốc độ đô thị hóa nhanh đi kèm tình trạng vi phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng trên cả nước ngày càng phức tạp, dễ phát sinh tranh chấp và khiếu kiện. Trong giai đoạn 2015 - 2020, thanh tra sở xây dựng là lực lượng chủ yếu phát hiện và xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ.

leftcenterrightdel
Giai đoạn 2015 - 2020, thanh tra sở xây dựng tiến hành 632.951 lượt kiểm tra, phát hiện 45.090 công trình vi phạm. Ảnh: Trần Quý 

Cụ thể giai đoạn 2015 - 2020, thanh tra sở xây dựng tiến hành 632.951 lượt kiểm tra, phát hiện 45.090 công trình vi phạm (trong đó 30.445 công trình xây dựng không phép, 14.645 công trình xây dựng sai phép) và ban hành khoảng 7.612 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 361,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thanh tra sở xây dựng trên toàn quốc đã triển khai 3.030 cuộc thanh tra. Qua thanh tra đã chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, quản lý nhà và thị trường bất động sản theo đúng quy định của pháp luật, kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 11.645 tỷ đồng.

Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, thanh tra sở xây dựng đóng một vai trò quan trọng, nòng cốt.

Việc không thành lập thanh tra sở xây dựng theo Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi hiện nay dẫn đến làm tăng biên chế cho thanh tra tỉnh, nhất là TP Hà Nội (1.146 người) và TP Hồ Chí Minh (940 người), các tỉnh, thành còn lại trung bình 10 - 15 người (dự kiến một số tỉnh còn có lực lượng thanh tra huyện chuyển về).

Bên cạnh đó, khối lượng công việc lớn sẽ làm tăng áp lực đối với chánh thanh tra tỉnh do phải thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, thanh tra hành chính và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước khác của 3 cơ quan cộng lại, dẫn đến tình trạng quá tải, không đảm bảo hiệu quả trong hoạt động và quản lý.

Về Dự thảo Luật Thanh tra, để đảm bảo sự đồng nhất về vị trí, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi Điều 19 và điểm d khoản 1 Điều 20 như sau:

Điều 19: “… tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ; tiến hành thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực không thành lập các cơ quan thanh tra tại các tổng cục, cục thuộc Bộ…”.

Giữ nguyên hệ thống thanh tra sở xây dựng như Luật Thanh tra 2010 và bổ sung thanh tra sở xây dựng vào khoản 3 Điều 31 Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi.

Bên cạnh đó, Thanh tra ngành Xây dựng cũng đề xuất sửa đổi một số nội dung trong các điều của dự thảo, cụ thể:

Khoản 4, Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm, theo Dự thảo “cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra” cần  đổi thành “cung cấp thông tin, tài liệu không đầy đủ, không đúng thời hạn, không chính xác, thiếu trung thực theo yêu cầu; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra”.

Khoản 2, Điều 10 về trách nhiệm tổ chức và thực hiện hoạt động kiểm tra, theo Dự thảo “khi tiến hành kiểm tra nếu phát hiện hành vi vi phạm mà cơ quan, đơn vị, công chức và chức danh chuyên môn thực hiện kiểm tra không đủ thẩm quyền, điều kiện để làm rõ thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan thanh tra có thẩm quyền tiến hành thanh tra theo quy định của Luật này; nếu thấy vi phạm đến mức nghiêm trọng thì kiến nghị hoặc giao cơ quan công an xác minh, xử lý theo thẩm quyền” cần sửa đổi, bổ sung thành “khi tiến hành kiểm tra nếu phát hiện hành vi vi phạm mà cơ quan, đơn vị, công chức và chức danh chuyên môn thực hiện kiểm tra không đủ thẩm quyền, điều kiện để làm rõ thì báo cáo, đề xuất thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp xem xét, giao cơ quan thanh tra cùng cấp tiến hành thanh tra theo quy định”.

Điều 47 qui định tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên cao cấp, theo Dự thảo tại khoản 2, tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên cao cấp có thâm niên ở ngạch thanh tra viên chính tối thiểu là 12 năm. Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị sửa đổi “tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên cao cấp có thâm niên ở ngạch thanh tra viên chính tối thiểu là 6 năm”. Với lý do đảm bảo phù hợp và thống nhất với Luật Cán bộ công chức và các văn bản hướng dẫn Luật quy định; tạo điều kiện cho các thanh tra viên chính có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ tốt, có thâm niên và kinh nghiệm công tác, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được tham gia thi nâng ngạch.

Trần Quý